Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972

Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972
LTS: Năm 1972, Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, phong tỏa các cảng biển, các cửa sông bằng bom mìn, thủy lôi; trên chiến trường Trường Sơn, Mỹ quyết tâm dải thảm nhằm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược cho các hướng…

Năm 1972 là năm mà đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá bằng không quân vô cùng ác liệt. Trên Miền Bắc, từ tháng 5/1972, Mỹ đã phong tỏa các cảng biển, các cửa sông trên toàn Miền Bắc bằng bom mìn, thủy lôi. Máy bay Mỹ thực hiện đánh phá ác liệt các mục tiêu trên nhiều tỉnh thành phố.

Ở chiến trường Trường Sơn, từ cuối năm 1970, không quân Mỹ đã nâng cường độ đánh phá ác liệt bằng không quân lên mức độ cao nhất có thể. Để ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược cho các hướng chiến trường của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đầu năm 1971, không quân Mỹ đã đưa loại máy bay AC130A vào sử dụng. Loại máy bay AC130 này chỉ thực hiện oanh tạc vào ban đêm.

Chúng không dám hoạt động ban ngày vì với độ kềnh càng của nó, lại bay với tốc độ chậm (tối đa 480km/giờ) nên nó dễ trở thành “mồi ngon” cho pháo cao xạ của ta. AC130  được cải tiến từ loại máy bay vận tải hạng nặng C130 của không quân Mỹ. Nó dài 29,8m, sải cánh 40,4m, chiều cao 11,7m, trọng lượng 80 tấn, trọng tải 55 tấn, gắn 4 động cơ phản lực cánh quạt. AC130 được lắp 2 súng máy 7.62ly (tốc độ bắn 6.000 phát /phút), 2 súng 20 ly (tốc độ bắn 6.000 phát/phút). Một chiếc AC130 có thể bay liên tục 4 giờ và có hệ thống tiếp xăng trên không. Nó mang trên mình hàng chục tấn đạn. Một chiếc AC130 có thể khống chế các trọng điểm trải dài từ 200 đến 300 km đường Trường Sơn trong nhiều giờ liền. Được trang bị các thiết bị ngắm bắn hiện đại nên khi phát hiện ô tô dưới mặt đất, từ độ cao 3000m, chiếc AC130 có thể bắn một loạt đạn 20 ly cày xới giữa tim đường đỏ rực chạy dài cả trăm mét.

Với tính năng ưu việt đó, mỗi đêm không quân Mỹ chỉ sử dụng vài chiếc AC130 là đã có thể khống chế toàn bộ tuyến đường Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang trải dài cả ngàn cây số.

Đầu năm 1971, lực lượng phòng không của Bộ đội Trường Sơn trên toàn tuyến được trang bị cao xạ 57 ly. Để đối phó với bộ đội cao xạ Trường Sơn, ngay lập tức, chỉ mấy tháng sau AC130 của không quân Mỹ đã được cải tiến lắp thêm súng 40 ly. Đồng thời, trên AC 130 được lắp máy ngắm bằng tia hồng ngoại. Có nghĩa là, ô tô của ta chạy đêm tối, từ độ cao trên 3000m, lũ AC130 vẫn có thể nhận dạng được ô tô chuyển động nhờ sự cảm nhiệt của tia hồng ngoại qua sức nóng của ống khói và máy ô tô.

Dù là đêm tối, nhưng nhờ máy khuyết đại ánh sáng lên 4.000 lần mà từ trên cao, chúng nhìn đường Trường Sơn sáng như trăng đêm rằm. AC130 hoạt động thường được nhiều chiếc máy bay tiêm kích bay vòng ngoài bảo vệ. Lũ máy bay tiêm kích sẵn sàng lao vào oanh kích các trận địa pháo của ta khi các trận địa này nổ súng bắn trả AC130.

Mùa khô 1971-1972, AC130 là nỗi kinh hoàng với bộ đội lái xe Trường Sơn. Có đêm, AC130 đánh cháy hàng chục xe ô tô, nhiều chiến sĩ lái xe của ta bị thương vong. Chỉ tính riêng Sư đoàn 471 hoạt động ở Nam Lào, mùa khô năm 1972 đã bị máy bay Mỹ bắn cháy tới 223 xe ô tô vận tải chiến đấu (chiếm 28% tổng số xe của Sư đoàn). Hai năm 1971 và 1972, Bộ đội Trường Sơn bị địch bắn hỏng 4.000 xe (trong đó riêng AC 130 bắn hỏng 2.000 chiếc).

Khi lực lượng phòng không Trường Sơn được trang bị pháo cao xạ 85ly, thì chỉ vài tháng sau, cuối năm 1972, AC130 đã được cải tiến lắp thêm pháo 105ly để bắn phá các trận địa pháo của ta mà không cần gọi máy bay tiêm kích.

AC130 là “ác quỷ”, là “bóng ma đêm” của không quân Mỹ trên đường Trường Sơn.

Vì thế, trên toàn chiến trường Trường Sơn, phong trào tìm mọi cách tiêu diệt AC130 đã được phát động. Lực lượng phòng không Trường Sơn dồn sức suy nghĩ, tìm các phương án tác chiến đánh AC130 trong điều kiện đối mặt với máy bay tiêm kích bảo vệ chúng. Nhiều đơn vị phòng không ngoài việc tăng cường bảo vệ các trọng điểm, đã tổ chức thêm nhiều trận địa cơ động nhằm bảo vệ xe trên đường vận chuyển.

Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972 ảnh 1

Bắn rơi được một chiếc AC130 không chỉ phá hủy một chiếc máy bay đắt tiền của không quân Mỹ, mà quan trọng hơn là tiêu diệt được một kíp lái 13 người. Đây sẽ là một tổn thất nặng nề về người của không quân Mỹ nếu một chiếc AC130 bị bắn hạ.

Đánh trả và bắn rơi AC130, bảo vệ an toàn cho lực lượng xe vận chuyển là mục tiêu của tất cả các đơn vị phòng không Bộ đội Trường Sơn.

Ngày 20-7-1971, Sư đoàn phòng không 377 được Bộ Quốc phòng điều động trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Bộ cũng bổ sung cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thêm 728 khẩu pháo phòng không các loại và 20.000 bộ đội và 15.000 thanh niên xung phong.

Chưa bao giờ, lực lượng phòng không của Trường Sơn lại hùng hậu như thời kỳ này: Sư đoàn 377 (có 6 trung đoàn) và 12 Trung đoàn cao xạ và tên lửa độc lập (E591, E593, E546, E232, E224, E228, E282, E280, E532, E537, E671 và E275). Đó là chưa kể 28 tiểu đoàn cao xạ của 25 Binh trạm Trường Sơn.

Từ tháng 10-1970, Bộ đã quyết định cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn lập thêm Cục  Phòng không. Như vậy, về lực lượng tác chiến, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có Cục Tham mưu Tác chiến, Cục Tham mưu Công binh, Cục Tham mưu Phòng không. Cũng thời gian này, Quân ủy Trung ương đã điều đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vào làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách tác chiến phòng không (tháng 10/1970).

Ngày 1-10-1971, Bộ Chính trị điều Đại tá Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Điều đồng chí Phan Khắc Hy, Chính ủy Không quân vào làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Việc điều động 3 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Quân chủng Phòng không – Không quân vào Trường Sơn, chứng tỏ việc đối phó với không quân Mỹ trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn có tầm quan trọng như thế nào.

Ngày 19-11-1971, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiến hành họp để bàn về việc tổ chức thế trận phòng không nhằm tiêu diệt không quân Mỹ, đặc biệt là máy bay AC130. Nhiều biện pháp tác chiến đã được áp dụng trên toàn lực lượng của Bộ đội Trường Sơn: Xe ô tô chạy lấn sáng, lấn chiều, làm “giàn mướp” che kín toàn bộ phần đầu ô tô để chống việc AC130 phát hiện bằng tia hồng ngoại, mở đường kín, ngụy trang đường nửa kín nửa hở, mở thêm nhiều hầm mang cá tránh bom đạn cho ô tô dọc các tuyến đường trọng điểm, xây dựng trận địa phòng không liên hoàn, xây dựng trận địa bí mật bất ngờ để đón lõng bắn hạ AC130…

Đấy là chưa kể, lực lượng công binh Trường Sơn phải đối phó với nhiều loại bom đạn mới của đế quốc Mỹ, trong đó có loại bom từ trường thế hệ 3 đặc biệt nguy hiểm mà không quân Mỹ thả xuống Trường Sơn từ đầu mùa khô năm 1971.

Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972 ảnh 2

Tiên lượng khả năng không quân Mỹ sẽ mở đợt tập kích quy mô và ác liệt cao nhất bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng có thể sảy ra. Quân ủy Trung ương đã điều đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn trở lại Quân chủng Phòng không – Không quân. Đồng chí Nguyễn Quang Bích rời Trường Sơn một ngày cuối tháng 11-1972.

Đồng chí Nguyễn Quang Bích sau đó được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng không Hà Nội trong 12 ngày đêm đánh trả quyết liệt không quân Mỹ tháng 12 năm 1972.

Cùng thời gian này, trên đường 22 thuộc khu vực Bộ Tư lệnh 471, đêm đêm máy bay AC130 hoạt động liên tục. Ngầm 22 là một trọng điểm khống chế của AC130. Sau khi nghiên cứu quy luật hoạt động của lũ AC130, Trung đoàn cao xạ 593 – đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh 471, phát hiện rằng: Đường 22 nằm trên địa hình khá bằng phẳng của Tây Trường Sơn. Vì cho rằng mấy chục cây số đường 22 ta không bố trí lực lượng phòng không, lực lượng phòng không của ta chỉ bố trí quanh trọng điểm Ngầm 22.

Vì thế, trước khi bay vào trọng điểm, máy bay AC130 thường hạ độ cao, bay dọc đường 22 để quan sát. Ban Chỉ huy Trung đoàn 593 đã chọn một quả đồi cách trọng điểm Ngầm 22 khoảng hơn 10 km. Trung đoàn đã bí mật lập một trận địa cao xạ 37 ở đây. Sẩm tối một ngày đầu tháng 12-1972, chiếc AC 130 như mọi ngày hạ thấp độ cao để quan sát dọc tuyến đường 22, trước khi nó nâng độ cao để bay vào trọng điểm. Chiếc AC130 nhìn to “như chiếc thuyền” lao thẳng về hướng trận địa pháo bí mật. Ngay từ loạt đạn đầu tiên, chiếc AC130 đã bị hạ gục.

Sau khi chiếc máy bay AC130 của Mỹ bị bắn hạ trên địa bàn tác chiến của Sư đoàn 471, nửa tháng liền sau đó ban đêm không thấy bóng AC130 hoạt động tại các trọng điểm do Sư đoàn phụ trách.

Trong năm 1972, riêng lực lượng phòng không bảo vệ các cửa khẩu của Bộ đội Trường Sơn đã bắn hạ 7 chiếc AC130 của không quân Mỹ. Chiến công này của bộ đội phòng không Trường Sơn đã khiến “bóng ma đêm” AC130 của không quân Mỹ hoạt động không còn hiệu quả như mong muốn của chúng.

Có thể nói, bước sang năm 1972, đế quốc Mỹ đã tăng cường lực lượng và tần suất đánh phá bằng không quân ác liệt chưa từng có trên mọi tuyến đường của Trường Sơn. Chỉ riêng tháng 3-1972, có ngày đế quốc Mỹ dùng tới 51 lượt máy bay B52 rải thảm các trọng điểm, các căn cứ của Bộ đội Trường Sơn mọi tuyến đường Trường Sơn.

Các trọng điểm cửa khẩu, các trọng điểm vượt sông suối trên nhiều tuyến đường của tất cả các Binh trạm đều bị đánh phá liên tục suốt ngày đêm. Ngụy Lào và ngụy Thái Lan tăng cường nống ra hòng ngăn chặn hoạt động của đường Trường Sơn phía Tây. Sư đoàn 968 quân tình nguyện của Bộ đội Trường Sơn được sự phối thuộc của lực lượng cao xạ thuộc Sư đoàn 471 đã mở chiến dịch đánh tấn công địch, buộc chúng phải tháo chạy khỏi thị xã Saravan, giải phóng thêm một vùng rộng lớn phía Tây Trường Sơn.

Bộ đội Phòng không Trường Sơn và ký ức năm 1972 ảnh 3

Ngày 24-11-1972, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng đã điện trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Sư đoàn 968 và Sư đoàn 471, chỉ thị:“…phải giữ vững vùng giải phóng và bao vây chặt địch ở Pácxế để đảm bảo tuyến hành lang chi viện chiến lược được an toàn”.

Tháng 12-1972, do phải tập trung lực lượng không quân đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, nên số vụ B52 rải thảm Trường Sơn giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, không quân Mỹ vẫn duy trì lực lượng máy bay tiêm kích và máy bay trinh sát đánh phá các trọng điểm trên Đường Trường Sơn không hề giảm.

Chia lửa với Hà Nội, Hải Phòng và Miền Bắc thân yêu, các lực lượng phòng không của Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu dũng cảm, có đêm bắn rơi 5,7 máy bay Mỹ. Hà Nội, Hải Phòng và Trường Sơn là hai chiến trường mà đế quốc Mỹ gần như dồn hết sức mạnh của không lực Hoa Kỳ hiện có của khu vực Thái Bình Dương cho các mục tiêu đánh phá. Nhưng cuối cùng, đế quốc Mỹ đã thất bại thảm hại qua “Trận Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Thất bại ấy buộc Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra ngày 30-12-1972 và ký Hiệp định Pari ngày 27-1-1973. Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.

10 năm, từ năm 1965-1975 chiến đấu trên con đường mang tên Bác vĩ đại, Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay các loại của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai. Số máy bay Mỹ bị Bộ đội Trường Sơn bắn hạ tương đương với số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi trên Miền Bắc trong suốt 8 năm đánh trả cuộc chiến tranh bằng không quân Mỹ.

Đặc biệt là việc tiêu diệt máy bay AC130 trong năm 1972 của bộ đội phòng không Trường Sơn có ý nghĩa quan trọng, góp phần đánh bại âm mưu ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của đế quốc Mỹ. Chiến công của lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn đã góp phần quan trọng vào chiến công của Bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta.

(*) Nhà báo Phạm Thành Long, Ủy viên Thường vụ, Phó Trưởng ban Tuyên truyền Thi đua, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.       

Theo Viết
MỚI - NÓNG