Chỉ huy Phái bộ UNMISS trao Huy chương Vì sự nghiệp GGHB LHQ tặng Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Mạnh Dũng và các đồng đội ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4. ẢNH: PV. |
Đầu năm 2022, thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, 4 y bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 4 thuộc Cục Hậu cần (Quân khu 4) tham gia đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC 2.4) của Việt Nam, lên đường tới Cộng hòa Nam Sudan, gồm: Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Công Long và 3 điều dưỡng viên (Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Bùi Thị Thúy Hằng, Thượng úy QNCN Hà Thanh Minh, Trung uý QNCN Nguyễn Mạnh Dũng).
Vượt qua thử thách
Tại buổi gặp mặt, khen thưởng đoàn cán bộ quân y vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GGHB LHQ do Bệnh viện Quân y 4 tổ chức, Thiếu tá Nguyễn Công Long- bác sĩ khoa C7 (khoa chẩn đoán hình ảnh), cho biết Nam Sudan là quốc gia phía Nam của châu Phi, tình hình an ninh chính trị có nhiều bất ổn, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Trước khi tới đây làm nhiệm vụ, Thiếu tá Long và các đồng đội đã được tham gia các khóa huấn luyện chung về hoạt động GGHB LHQ, như chống bị bắt cóc, cách xử trí khi gặp cướp, bị mắc kẹt trong rừng hay trong các trường hợp khẩn cấp khi bị phiến quân bao vây.
“Bên cạnh việc tham gia các hoạt động cấp cứu khi có xung đột vũ trang, cứu trợ nhân đạo, khám chữa bệnh cho người dân bản địa, chúng tôi còn phải tranh thủ học thêm ngôn ngữ, phong tục tập quán của nước sở tại, cách ứng xử giao tiếp với người dân địa phương và lực lượng GGHB của các nước. Đồng thời, tổ chức tăng gia sản xuất, giúp người dân trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh và phòng chống dịch bệnh”, Thiếu tá Long cho biết.
Chia sẻ về khoảng thời gian 15 tháng bám trụ tại Nam Sudan, Trung uý QNCN Nguyễn Mạnh Dũng - điều dưỡng viên khoa A10 (khoa Y học cổ truyền), nhớ lại: Để tới Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan (UNMISS), ngoài việc giỏi chuyên môn thì điều cốt lõi là phải biết tiếng Anh. Các khóa huấn luyện ngoại ngữ trước đó đòi hỏi rất cao, nếu như không có kiến thức tốt thì khó vượt qua các kỳ kiểm tra.
Bên cạnh đó, việc chênh lệch múi giờ 5 tiếng so với ở Việt Nam, nên những ngày đầu thích nghi rất khó khăn, ai cũng mệt. Đặc biệt, khí hậu thời tiết ở đây nắng nóng, với nhiệt độ thường xuyên trên 40 độ C, ảnh hưởng lớn đến quá trình công tác. Cùng với đó, dịch sốt rét ở đây vẫn còn nên các quân nhân phải thường xuyên uống thuốc phòng chống.
“Một trong những điều ý nghĩa nhất với tôi là được tham gia các hoạt động từ thiện tặng quà, sách vở, quần áo và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với người dân bản địa. Việc gây dựng được lòng tin với nhân dân Nam Sudan và đồng nghiệp quốc tế tại phái bộ UNMISS khiến tôi cùng đồng đội rất vui và tự hào”, Trung úy Dũng nói.
“Người dân Nam Sudan rất quý mến, tin tưởng và xem bộ đội Việt Nam như người thân. Đó là điều thành công nhất vì nếu không được người dân tin tưởng thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp NGUYỄN MẠNH DŨNG (Bệnh viện Quân y 4)
Lan tỏa hình ảnh người lính Cụ Hồ
Là nữ quân nhân duy nhất trong đội hình y bác sĩ của Bệnh viện Quân y 4 tham gia BVDC 2.4, Đại úy Bùi Thị Thúy Hằng - điều dưỡng viên khoa C8 (khoa siêu âm) chia sẻ, những người lính đi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan đều có những khó khăn, vất vả, đặc biệt là đối với nữ giới.
Những ngày ở mảnh đất châu Phi xa xôi đã để lại trong tâm trí Đại úy Hằng nhiều ấn tượng sâu sắc. Người dân nơi đây còn nghèo đói nhưng rất thật thà, chất phác. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em ở Nam Sudan thiếu thốn đủ bề, bệnh tật bủa vây, tình trạng mất bình đẳng giới rất phổ biến.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Thúy Hằng (khi đó mang quân hàm Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp) với một bệnh nhi ở Nam Sudan. ẢNH: PV. |
Với vai trò là điều dưỡng viên khoa Nội truyền nhiễm của BVDC 2.4, Đại úy Hằng đã trực tiếp tham gia cấp cứu, chăm sóc cho nhiều người dân bản địa đến khám và điều trị COVID-19, sốt rét, tiêu chảy… Cùng với các hoạt động từ thiện, nhân đạo khác dành cho phụ nữ và trẻ em Nam Sudan, chị còn giúp người dân và đồng nghiệp các nước trồng rau xanh cải thiện đời sống. Chị cũng tích cực tham gia tổ truyền thông của bệnh viện nhằm lan tỏa hình ảnh người lính Cụ Hồ trên “mặt trận” đặc biệt này.
“Trước khi lên đường, tôi khá băn khoăn vì bố mẹ chồng già yếu, hai con còn nhỏ, chồng lại công tác xa nhà. Thế nhưng được sự động viên của gia đình và lãnh đạo bệnh viện, nhất là tình cảm sẻ chia của đồng đội ở đơn vị đã giúp tôi yên tâm và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục xung phong đi thực hiện sứ mệnh GGHB LHQ”, Đại úy Hằng tâm sự.
Theo Đại tá Trần Văn Hiến - Giám đốc Bệnh viện Quân y 4, đây là lần đầu tiên bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ tham gia lực lượng GGHB LHQ tại Nam Sudan. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện công tác và xa gia đình, nhưng bằng ý chí nghị lực, 4 quân nhân của đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài việc được Bệnh viện Quân y 4 tôn vinh, khen thưởng, 3 trong 4 y bác sĩ cũng vừa được Bộ Tổng tham mưu và Cục GGHB Việt Nam vinh danh.