Bộ Công Thương lộ danh sách 10 địa phương xuất khẩu cao và thấp nhất trong 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững” và công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022. Bộ Công Thương cũng công bố danh sách những địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất và thấp nhất trong 10 năm qua.
Bộ Công Thương lộ danh sách 10 địa phương xuất khẩu cao và thấp nhất trong 10 năm ảnh 1

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản cuốn Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam.

Báo cáo cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đó, Báo cáo Xuất nhập khẩu 2022 có một số nội dung mới như: Thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; ập nhật về kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tình hình gia nhập hiệp định CPTPP của một số nền kinh tế, tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTPP; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, TPHCM là tỉnh dẫn đầu trong 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 với kim ngạch đạt hơn 47,54 tỷ USD. Đứng thứ hai về xuất xuất là Bắc Ninh với kim ngạch hơn 45,06 tỷ USD. Kế đến là Bình Dương với kim ngạch hơn 34,33 tỷ USD; Thái Nguyên hơn 29,8 tỷ USD; Hải Phòng với hơn 24,95 tỷ USD. Các địa phương khác đứng trong top 10 có Đồng Nai (hơn 24,6 tỷ USD); Bắc Giang (hơn 22,6 tỷ USD); Hà Nội (hơn 17,1 tỷ USD); Phú Thọ (hơn 11,8 tỷ USD); Hải Dương (hơn 10,4 tỷ USD).

Báo cáo cũng cho thấy, mức độ chênh lệch giữa các địa phương top đầu và các địa phương thuộc top cuối của 63 tỉnh, thành phố khá lớn, lên tới hàng chục lần.

Cụ thể, địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất là Lai Châu (hơn 20,46 triệu USD). Kế đến là Sơn La (hơn 21,8 triệu USD), Bắc Cạn (hơn 33,46 triệu USD), Điện Biên (hơn 42,6 triệu USD), Ninh Thuận (hơn 46,2 triệu USD), Cao Bằng (hơn 60,2 triệu USD), Hà Giang (hơn 88 triệu USD), Đắc Nông (hơn 111,8 triệu USD), Tuyên Quang (hơn 137,5 triệu USD) và Quảng Bình với hơn 196,6 triệu USD.

Tại buổi công bố báo cáo, Bộ Công Thương cũng tổ chức Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, vừa qua, trước áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

"Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành", ông Tân cho biết.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng với các chuyên gia, viện nghiên cứu đã trao đổi, rà soát, đánh giá và đưa ra những nhận định về tình hình chuyển đổi số ngành logistics hiện nay.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021.

MỚI - NÓNG