Chị Ngọc và anh Nam lấy nhau được 10 năm. Họ sinh được 3 cô con gái bụ bẫm, xinh xắn. Kết quả cuộc hôn nhân của con trai đã làm ông Thân không bằng lòng.
Ông vẫn thường nhắc nhở vợ chồng Ngọc: “Anh Nam là con trai duy nhất nên nhất định phải có cháu đích tôn nối dõi tông đường”. Nhưng bác sĩ bảo sức khỏe của Ngọc yếu, không thể tiếp tục sinh nở. Cô nói với gia đình chồng: “Không sinh được con trai không phải do con”.
Sau câu nói đó, ông Thân cho rằng, chị Ngọc đã “không biết đẻ” lại còn “già mồm” nên ra sức bắt anh Nam phải bỏ vợ để cưới vợ khác, và tìm cách hắt hủi chị Ngọc.
Là người đứng giữa, anh Nam thấy mình vô cùng khó xử. Nghe cha thì phản bội vợ mà giữ vợ thì lại cãi cha, mang tội bất hiếu. Bất lực, anh tìm đến rượu chè bài bạc. Khi chủ nợ đến đòi tiền thì Nam không có nhà, chị Ngọc phải đứng ra khất nợ thay chồng.
Chẳng biết vì vô tình hay cố tình không hiểu mà khi chủ nợ về, ông Thân đùng đùng nổi giận, mắng chị Ngọc là ăn tiêu phung phí, gây tiếng xấu cho gia đình và làm cho chồng con hư hỏng…
Và ông thẳng tay đuổi chị ra khỏi nhà. Nhưng vì một lẽ “xuất giá tòng phu”, chị Ngọc kiên quyết không đi. Tức mình, ông Thân đã đánh chị tới tấp mặc cho chị van xin.
Nghe tin bố chồng bị giải lên chính quyền, sau khi ra viện, chị Ngọc đã vội vã lên ngay cơ quan để giải thích: “Bố tôi vô tội. Chỉ là một chút hiểu lầm. Chuyện gia đình chúng tôi, tự chúng tôi giải quyết”.
Mọi người không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng chị Ngọc đã nói vậy thì ai lại muốn làm phức tạp hóa vấn đề. Duy chỉ có ông Thân đứng trước cô con dâu mà nói như khóc: “Con thật hiếu đạo. Bố có mắt mà như mù”.