Với lợi thế cách TP.HCM chỉ khoảng 100 km, là khu vực cửa ngõ của toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hàng loạt các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và gần nhất là Bình Phước đang là điểm đến thu hút nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực BĐS.
Đông Nam Bộ tiếp tục là điểm nóng thu hút nhà đầu tư
Theo khảo sát của DKRA Việt Nam, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, thị trường Đông Nam Bộ có tới hơn 20.000 sản phẩm được các doanh nghiệp đưa ra thị trường và đến từ tất cả các tỉnh thành có nền kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An.
Đánh giá về thị trường Đông Nam Bộ, TS Lê Bá Chí Nhân - Chuyên gia kinh tế - cho rằng đây là khu vực đầy tiềm năng để BĐS phát triển và điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua khi thu hút các nhà đầu tư với các dự án lớn được triển khai.
Mặc dù trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường này gần như chững lại. Tuy nhiên với việc dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và các doanh nghiệp BĐS đã có kinh nghiệm, chuẩn bị các kịch bản thích ứng với dịch bệnh nên năm 2022 thị trường này phục hồi rất nhanh và được xem là năm để các doanh nghiệp địa ốc đẩy mạnh bán hàng và phát triển các dự án mới.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chủ quan vì trước mắt dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được đẩy lùi, đặc biệt là khi trên thế giới đang phát hiện thêm chủng mới nên đây vẫn là mối lo và áp lực đối với thị trường BĐS vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung”, TS. Lê Bá Chí Nhân nhìn nhận.
Dự đoán triển vọng thị trường BĐS Đông Nam Bộ năm 2022, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT King Broker - cho biết, đây sẽ là năm của sự phát triển mạnh mẽ từ nguồn cung đến nhu cầu đầu tư. Đặc biệt, năm 2022 sẽ ghi nhận hàng loạt dự án được bung ra thị trường và tỷ lệ hấp thụ gần như 100% do nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung vẫn đang rất khan hiếm.
Phân khúc đất nền phân lô sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị cạnh tranh bởi phân khúc đất sào mẫu, đất dân tự phân lô. Tuy nhiên các dự án được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp vẫn được khách hàng săn đón.
Về phân khúc nghỉ dưỡng, Đông Nam Bộ sẽ ghi nhận sự tăng trưởng hơn so với năm 2021 nhưng không quá phát triển do nền kinh tế chưa thực sự phục hồi. Trong khi đó, phân khúc nhà vườn cũng hấp dẫn với những căn hộ second homes xây dựng riêng lẻ.
Tại khu vực Đông Nam Bộ những huyện vùng trũng sẽ là nơi được quan tâm nhiều và sức hút nhiều đối với dân địa phương. Tuy nhiên các nhà đầu tư ngoại tỉnh thì vẫn tập trung ở các vị trí được nhận định là “điểm nóng”.
Hạ tầng giao thông phát triển, sở hữu quỹ đất rộng, công nghiệp phát triển, chính sách thu hút đầu tư, Chơn Thành có nhiều tiềm năng trở thành khu đô thị công nghiệp mới. (Nguồn ảnh: Baoxaydung.com.vn) |
Bình Phước thu hút hàng loạt dự án tầm cỡ
Nhờ vị trí giáp biên giới và là cửa ngõ liên kết 2 vùng trọng điểm là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nhiều dự án lớn, hàng ngàn doanh nghiệp đã chọn Bình Phước là nơi đặt nhà máy và làm khu công nghiệp. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chính là yếu tố góp phần giúp thúc đẩy thị trường BĐS tại Việt Nam nói chung và tại Bình Phước nói riêng.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bình Phước sẽ trở thành “tỉnh công nghiệp” có GDP đứng đầu cả nước, đến năm 2050 sẽ phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại với tốc độ phát triển bền vững. Nhờ đó, các nhà đầu tư dự đoán Bình Phước chính là “tâm điểm” để đầu tư BĐS trong làn sóng dịch chuyển công xưởng thế giới về Việt Nam sau đại dịch.
Để tạo điều kiện và đón đầu làn sóng đầu tư BĐS tại Bình Phước, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang trở thành cú hích cho thị trường Bình Phước phát triển. Đáng kể nhất là dự án xây dựng, nâng cấp tuyến đường ÐT 753, khôi phục xây dựng cầu Mã Đà kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hay tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành đã được thống nhất thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Nhờ các dự án trọng điểm này, thời gian di chuyển tới các tỉnh lân cận sẽ được rút ngắn, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng tốc.
Tại thị trường BĐS Bình Phước thì Chơn Thành là “điểm đến mới”. Một động lực không nhỏ giúp BĐS Chơn Thành “cất cánh” trong năm 2022 là việc Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận các khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Bình Phước cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng và bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp với diện tích 8.000 ha, đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đẩy mạnh lên 21 cụm công nghiệp với quy mô lên tới 583 ha, đến năm 2030 sẽ đạt 34 cụm công nghiệp cùng quy mô hơn 1000ha, tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường BĐS công nghiệp. Cùng với đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút lượng lớn người lao động nhập cư và chuyên gia nước ngoài, làm gia tăng nhu cầu nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Đại diện một chủ doanh nghiệp BĐS tại Bình Phước cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường BĐS Bình Phước trở nên nhộn nhịp hơn rất nhiều. Đặc biệt là sau thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã đến địa phương này tìm kiếm cơ hội, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo sóng hạ tầng, giá đất tại một số khu vực có sức bật về giao thông tại Bình Phước cũng tăng mạnh. Điển hình như tại tuyến đường ĐT 753, giá BĐS tăng 2 - 3 lần; BĐS tại dọc tuyến đường Quốc lộ 14, gần các khu công nghiệp cũng tăng lên gấp 3 lần. Các giao dịch mua bán diễn ra nhộn nhịp, lượng giao dịch từ đầu năm 2022 tới nay tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2021.
Các lợi thế về chính sách kêu gọi đầu tư, hạ tầng giao thông xây dựng mạnh mẽ cùng giá BĐS còn rẻ đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Bình Phước trong mắt giới đầu tư địa ốc và công nghiệp. Thời gian gần đây, nhiều ông lớn đã đổ về Bình Phước để tìm hiểu cơ hội đầu tư và phát triển nhiều dự án tầm cỡ như tập đoàn Vingroup, Cát Tường Group hay Đất Xanh Group.
Các doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín này đang mở ra một xu thế mới trong việc phát triển các dự án BĐS tại Bình Phước với việc tập trung vào giải quyết nhu cầu nhà ở thực chất, tiêu chuẩn chất lượng nhằm hình thành các khu dân cư sôi động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và vùng lân cận theo chủ trương của Chính phủ.