'Biến tấu' điện ảnh qua hình tượng Câu Tiễn
Cùng xem lại vài hình tượng nhân vật Câu Tiễn trong các bộ phim để thấy sự tài tình biến hóa của các nhà biên kịch. Cùng một sự kiện, chất liệu như nhau nhưng mỗi người lại có thể xây thành đắp lũy tạo nên “vương quốc” riêng của mình.
Một Câu Tiễn trẻ trung với thủ đoạn ngập tràn, được xem là "cùng hung cực ác" nhất do Tạ Thiên Hoa nhập vai. |
Câu Tiễn “cùng hung cực ác”
Khi những tập phim đầu tiên của “Tây Thi tình sử” lên sóng Giải trí TV-VTVcab1 lúc 19g mỗi ngày, khán giả khá ấn tượng với nhân vật Câu Tiễn có tạo hình trẻ trung, khôi ngô mặc giáp trụ oai phong nhưng lại đầy thủ đoạn, xảo quyệt và sự tàn ác tăng dần theo cấp độ.
Thể hiện vai diễn này là ngôi sao TVB Tạ Thiên Hoa điển trai nên khi mở đầu, nhiều fan nữ rất có thiện cảm với nhân vật Câu Tiễn. Tuy nhiên, theo dòng chảy thời cuộc trong phim, những cảm tình ấy nhanh chóng biến thành sự ghét bỏ bởi sự dẫn dắt cảm xúc tài tình và lối diễn xuất biến hóa của ngôi sao gạo cội.
Câu Tiễn mở đầu là một vị vua đắc thắng, kiêu ngạo và khá đa nghi. Khi nghe lời Phạm Lãi đầu hàng Phù Sai lại thể hiện là một kẻ tiểu nhân luồng cúi, thấp hèn.
Lửa hận thù càng tăng cao trong suốt quãng thời gian nếm mật nằm gai bao nhiêu thì thủ đoạn trả thù lại càng tàn ác bấy nhiêu. Càng về sau, bên cạnh mối tình Tây Thi – Phù Sai, hầu như sự gay cấn, cao trào của phim đều do một tay Câu Tiễn làm nên.
So với các phim khai thác cùng đề tài này, có thể nói Câu Tiễn của Tạ Thiên Hoa trẻ nhất và oai phong nhất. Ngoài ngôi sao gạo cội này, “Tây Thi Tình sử” còn có sự tham gia của Trịnh Gia Dĩnh với hình tượng Phù Sai hiền lành, nhân hậu. Người đẹp Dĩnh Nhi hóa thân thành tuyệt sắc mỹ nhân Tây Thi và Chu Hiếu Thiên với tạo hình Phạm Lãi thư sinh, nho nhã cũng mang nhiều nét mới lạ, đặc sắc cho phim.
Một Câu Tiễn đầy dằn vặt do Mã Đức Chung thể hiện. |
Câu Tiễn “mực thước”
Khác với “Tây Thi tình sử”, chân dung Câu Tiễn trong các phim trước đây như “Việt vương Câu Tiễn” hay “Tây Thi bí sử”… thường có tạo hình đứng tuổi khá mực thước với râu tóc, áo mão cân đai tề chỉnh.
Về mặt tính cách, Câu Tiễn do diễn viên Mã Đức Chung thể hiện trong “Tây Thi bí sử” không phải là kẻ thủ ác mà chỉ là vị quân vương bất đắc dĩ phải đắng lòng dùng thủ đoạn để giữ ngai vàng. Chiến thắng sau 10 năm tranh đấu luôn đi cùng nỗi dằn vặt bởi sự hi sinh của các binh sĩ. người thân.
Còn trong phim "Việt Vương Câu Tiễn", hình ảnh Câu Tiễn nổi lên đầy chính nghĩa, là vị vua thao lược hết lòng vì nước mà chịu hi sinh, nhẫn nhục để cuối cùng nhận được sự vinh quang trọn vẹn.
Hóa thân vào nhân vật lịch sử này là Trần Đạo Minh – diễn viên “chuyên trị” thể loại phim Chiến quốc. Những ai hâm mộ Trần Đạo Minh hẳn còn nhớ "Anh hùng", một "biến tấu điện ảnh" đỉnh cao.
Trong phim này, Trần Đạo Minh đã cùng hai minh tinh Lương Triều Vỹ, Lý Liên Kiệt đã "vẽ" nên một chân dung khác của Tần Thủy Hoàng, vốn được xem là bạo chúa TQ cổ đại.
Một Câu Tiễn đầy thâm trầm do Trần Đạo Minh thủ diễn. |
Mỗi bộ phim đều có sự "biến tấu" cho nhân vật của mình, mà Câu Tiễn là đơn cử. Trên thực tế theo cổ sử Hoa lục, Câu Tiễn xưng vương nước Nam Việt (TQ) vào năm 496 trước công nguyên và yên vị trên ngôi cao không lâu thì bước vào cuộc khuynh thế đảo điên với cuộc chiến 10 năm cùng Ngô quốc – một nước hùng mạnh thời Xuân Thu. Tuy hậu thế không thực sự rõ Câu Tiễn là hôn quân hay minh quân nhưng ông quả là người có chí lớn.
Suốt quảng thời gian làm con tin bị lưu đày trên đất Ngô, mỗi ngày Câu Tiễn đều phải tự nhắc nhở mối thù vong quốc bằng cách nếm mật đắng, nằm trên gai đau buốt.
Tuy nhiên, phương thức vị Việt vương dùng trên chiến trận như: cho quân lính dàn hàng trước mặt quân ngô và đồng loạt tự sát hay dùng mỹ nữ để làm nội gián, mê hoặc Ngô vương Phù Sai… đều không phải là hành động của người quân tử. Và cũng vì thế, nhân vật này đã tạo nên nhiều cảm hứng để các nhà biên kịch tha hồ phóng tác, phác họa nên những hình tượng Câu Tiễn đặc sắc.
Theo Mimosa Nguyễn
Gia đình & xã hội