Mỳ Chũ Xuân Trường. Ảnh: Phú Gia. |
Rừng chè trên cao nguyên đá
Lý Chòi Nhàn, SN 1978, người dân tộc Dao, ở Phìn Hồ, thôn khó khăn nhất xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì, Hà Giang), nơi bốn bề núi đá, quanh năm lũ quét, sạt lở. “Người dân bao đời canh tác theo lối truyền thống, bán sản phẩm chè thô, giá trị thấp nên vẫn nghèo đói”, Nhàn nói.
Gia đình Nhàn cũng có một nương chè, thu nhập rất thấp. Không cam chịu số phận, Nhàn tự tìm lối thoát. Sau nhiều chuyến thăm quan cơ sở chế biến nông sản dưới xuôi anh đã nhận ra: nếu chè xứ mình cũng được chế biến, cung cấp cho thị trường, cuộc sống của người dân chắc sẽ thay đổi.
Đầu năm 2008, Nhàn đề nghị chính quyền và vận động người dân địa phương thành lập HTX chế biến chè. Sau mấy tháng vận động, HTX có 42 thành viên, anh được xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX. Họ góp vốn xây dựng nhà xưởng và mua máy chế biến chè. Sau gần nửa năm, nhà xưởng thành hình với diện tích 800 m2 tại xã Thông Nguyên. Tổng vốn đầu tư cho nhà xưởng gần 1 tỷ đồng, trong đó vốn vay 200 triệu, còn lại do các thành viên HTX đóng góp.
Chỉ trong 4 tháng cuối năm 2008, xưởng chế biến được 20 tấn chè đóng gói, mang nhãn hiệu Fìn Hò Trà và được tiêu thụ hết. Doanh thu năm 2008 của HTX đã đạt 1 tỷ đồng, lợi nhuận 80 triệu đồng. Cũng trong lần ra mắt thị trường đầu tiên, Fìn Hò Trà giành Huy chương vàng Hội chợ thần nông.
Năm 2009, HTX chế biến chè Thông Nguyên do Nhàn khởi xướng sản xuất được 60 tấn chè thành phẩm với nhiều mẫu mã, cho doanh thu 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động. Đến năm 2010, HTX mở thêm xưởng thứ hai, giải quyết thêm việc làm cho 35 lao động.
“Điều mừng hơn là HTX đã giúp hàng trăm hộ dân yên tâm sống với cây chè. Thu nhập bình quân của mỗi hộ trồng chè khoảng 30 triệu đồng/năm”, Nhàn nói. HTX xây khu nhà giới thiệu thương hiệu Fìn Hò Trà, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm thêm thị trường. Cùng năm 2009, Fìn Hò Trà được trao Cúp vàng Vì nông dân Việt Nam.
Lý Chòi Nhàn . |
Thương hiệu mỳ Chũ Xuân Trường
Ở xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang), hầu như ai cũng biết chàng trai Phạm Xuân Trường (SN 1979), người khởi xướng mô hình HTX sản xuất mì gạo, tạo thu nhập cao cho hàng trăm hộ nông dân. Trước đó, người dân ở Nam Dương chỉ làm ruộng và chăn nuôi theo kiểu truyền thống, cuộc sống quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn không khá lên được.
Đầu năm 2009, Trường âm thầm vận động bạn bè góp vốn mở xưởng sản xuất mì và tới tháng 7-2009, xưởng mì gạo Xuân Trường ra đời. “Gạo quê tôi qua chế biến thành mì cho giá trị cao hơn nhiều”, Trường nói. Kế hoạch của họ được tổ chức Đoàn, chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện về mặt bằng để sản xuất. Số vốn ban đầu 500 triệu đồng từ đi vay và đóng góp của 8 thành viên đầu tiên được đầu tư để xây 3 nhà xưởng tráng mì, 800 dàn tráng, 400 dàn thái... Sản xuất nhanh chóng vào guồng.
Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2009, HTX đã xuất ra thị trường 350 tấn mì gạo. Sản phẩm của họ có mặt hầu hết tại các tỉnh phía Bắc, cho doanh thu lớn. Cùng với sản xuất, tìm kiếm thị trường, Trường còn tìm đến từng hộ dân trong xã thuyết phục bà con cung cấp nguyên liệu, tham gia vào HTX để sản xuất.
Khi tham gia HTX các hộ dân đều được hướng dẫn đào tạo nghề, cung cấp các trang thiết bị sản xuất. Sản phẩm của họ làm ra được HTX đảm bảo đầu ra. Số lượng xã viên tăng nhanh, từ 8 thành viên ban đầu đến nay đã có hơn 70 hộ dân tham gia với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/hộ/tháng.