Biến gỗ keo thành 'thuốc bảo vệ thực vật sinh học'

Biến gỗ keo thành 'thuốc bảo vệ thực vật sinh học'
Lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao kèm theo xử lý khói thải để tạo ra thêm sản phẩm giấm gỗ sinh học có thể sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật.

Những năm qua, ngành sản xuất than gỗ sinh học chất lượng cao phát triển mạnh tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Tây Bắc, là những địa phương có nhiều nguyên liệu gỗ rừng trồng, góp phần giúp giải quyết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng rừng, trồng cà phê khi thực hiện tái canh cây cà phê.

Nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị sản phẩm than gỗ sinh học, trong khuôn khổ Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Công ty BIFFA thực hiện dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao và giấm gỗ sinh học từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn và keo)” với mục tiêu nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, đồng thời xử lý khói thải của quá trình sản xuất để tạo ra giấm gỗ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững.

Than sinh học là kết quả quá trình nhiệt phân các thể thực vật (thân, cành, lá… của cây) ở điều kiện môi trường yếm khí, với thành phần chính là cacbon cố định. Than sinh học chất lượng cao được sản xuất nhờ quá trình nhiệt phân ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, nhờ đó sản phẩm có hàm lượng cacbon tích tụ cao (> 90%), khi cháy không tạo mùi, khói, chất lượng cao hơn nhiều so với các loại than sinh học thông thường (được sản xuất nhờ quá trình nhiệt phân ở nhiệt độ thấp, thời gian nhiệt phân ngắn, sản phẩm có hàm lượng cacbon trong khoảng 10-50%, khi cháy giải phóng nhiều khí CO và khí CO2). Vì vậy, việc sử dụng sản phẩm than sinh học chất lượng cao được sản xuất theo công nghệ mới từ gỗ bạch đàn do Công ty BIFFA nghiên cứu cho phép nâng cao hiệu quả đốt cháy, giảm thiểu giải phóng các khí gây độc như CO hoặc khí nhà kính như CO2, an toàn cho môi trường và đời sống con người. Sản phẩm than sinh học chất lượng cao của BIFFA đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài có yêu cầu khắt khe về môi trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, UAE,…

Biến gỗ keo thành 'thuốc bảo vệ thực vật sinh học' ảnh 1
 

Trong quá trình sản xuất than sinh học chất lượng cao, ngoài việc thu hồi sản phẩm than, Công ty BIFFA còn chú ý đến việc xử lý khói thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp thu hồi có chọn lọc theo giải nhiệt phân, sau đó ngưng tụ và hóa lỏng khói thải trong công nghệ mới của Công ty không những giải quyết được vấn đề này mà còn có tạo thêm sản phẩm mới: giấm gỗ sinh học (wood vinegar). Đây là một sản phẩm mà các nước tiên tiến như Nhật Bản thường sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật rất an toàn về mặt sinh học. Ngoài việc giúp xua đuổi côn trùng, sâu bọ, nấm hại, tuyến trùng rễ,… chế phẩm giấm gỗ sinh học còn được sử dụng trong xử lý môi trường chứa nhiều chất thải hữu cơ như khử mủi hôi tại chuồng trại chăn nuôi hoặc các khu vực rác thải sinh hoạt.

Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất than sinh học chất lượng cao và giấm gỗ sinh học từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn và keo)” kết thúc năm 2019 sau 2 năm thực hiện, với dây chuyền công nghệ cho phép sản xuất  khoảng 2.000 tấn than sinh học chất lượng cao, 500.000 lít giấm gỗ sinh học mỗi năm, và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận kết quả. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình sản xuất không chỉ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty BIFFA, mà còn giải quyết một phần đầu ra cho kinh tế lâm nghiệp từ cây nguyên liệu rừng trồng, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu (Nhật Bản, Hàn Quốc). Bên cạnh đó, sản phẩm giấm gỗ sinh học thu hồi từ khói thải của quá trình sản xuất than không chỉ hạn chế tác động có hại đến môi trường của quá trình sản xuất, mà còn góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường nông nghiệp và gia tăng giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp an toàn.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.