Các PV Tiền Phong may mắn được có mặt trên hầu hết các lực lượng bảo vệ pháp luật cũng như theo tàu đánh cá ngư dân ra Hoàng Sa trong những ngày nóng bỏng. Đêm Hoàng Sa tháng 5, có thấy được một vùng biển xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 rực sáng, nhấp nháy ánh đèn mới hiểu được, chưa bao giờ biển Đông “nóng” như thế. Cũng năm qua, nhiều hội thảo quốc tế về biển Đông, thu hút hàng chục chuyên gia trong nước và quốc tế, với những cái nhìn sâu sắc và khách quan nhất…
ĐNa 90152 - vật chứng lịch sử
Gọi điện cho vợ chồng chị Huỳnh Thị Như Hoa và anh Đặng Văn Nhân (chủ con tàu ĐNa 90152) vào những ngày cuối năm. Anh chị đang bận tối mắt với dự án đóng mới con tàu thay thế tàu cũ. “Công việc cũng hòm hòm, cái lo nhất vẫn là tiền”, chị Hoa nói. Cả hai vợ chồng chị Hoa - Nhân nổi tiếng vì “đứa con” (câu chị Hoa dùng nói về con tàu ĐNa 90152) của họ bị tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa. Con tàu này, sau đó được lai dắt về Đà Nẵng, là một “vật chứng lịch sử”, sẽ lưu truyền mãi đời sau.
Ngày 2/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đến thăm xác con tàu ĐNa 90152 được vớt lên sau khi bị đâm chìm ở Hoàng Sa, đã ân cần dặn dò, biểu dương sự cố gắng của chị Hoa, anh Nhân cùng hàng ngàn ngư dân. Chủ tịch nước cho rằng, con tàu ĐNa 90152 là một bằng chứng vô cùng quan trọng, tố cáo sự ngang ngược của Trung Quốc. “Ngư trường Hoàng Sa không những bị thu hẹp mà còn rất mất ổn định, vì thế, bà con ngư dân cần tiếp tục kiên trì. Bám giữ ngư trường không chỉ là phát triển kinh tế, mà đó là chủ quyền dân tộc”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Trong 10 ngày PV Tiền Phong có mặt ở Hoàng Sa trên con tàu ĐNa 90039, mặc dù khác tổ đội đánh bắt với ĐNa 90152, nhưng cả hai tàu của vợ chồng anh Nhân - chị Hoa là 90152 và 90508 luôn sát cánh với chúng tôi. “Cặp đôi” này cùng với hàng chục tàu khác của Đà Nẵng, Quảng Ngãi thường xuyên bị “trâu xanh, trâu đen” (tàu ngụy trang của Trung Quốc) của Trung Quốc tấn công. Anh Nguyễn Đình Sinh - thuyền trưởng tàu ĐNa 90508, kể: Tàu anh bị “trâu đen” mang số hiệu 71075, là một tàu cá rất lớn của Trung Quốc, màu đen, mũi tàu được trang bị lưỡi lê nhọn, hai bên mạn đính thảm răng cưa tua tủa tấn công. Tàu 71075 có chức năng chuyên đâm va, húc. Nó đã vồ hụt tàu ĐNa 90508 mấy lần nên tức tối đâm tàu ĐNa 90235 của anh Trương Văn Hay rồi sau đó, “tiện thể” lao tới đâm luôn tàu ĐNa 90406. “Đó là chuỗi hành động điên cuồng khi nó không làm sao đâm được tàu tui nên đã thực hiện những cú đâm va rất mạnh với ĐNa 90235 và ĐNa 90406” - anh Sinh kể. Sau 2 cú đâm, tàu ĐNa 90235 bị vỡ mạn, gãy cọc và sập giàn, còn tàu ĐNa 90406 bị sập giàn và vỡ bộ giàn đèn 6 bóng. Tàu ĐNa 90508 cũng chính là con tàu đã giải cứu 10 ngư dân ở tàu ĐNa 90152 bị chìm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm con tàu ĐNa 90152.
Cùng sát cánh bên nhau trong những ngày căng thẳng, tàu ĐNa 90152 luôn là một trong những tàu can đảm, dẫn đầu đoàn tiến sát vào giàn khoan nhằm hạ lưới đánh bắt hải sản. Ngày 15/5 cũng là ngày thứ 4 của cuộc hải trình đánh bắt của chúng tôi, và cấp độ đẩy đuổi, đâm húc từ các tàu Trung Quốc bắt đầu tăng dần.
Thuyền trưởng ĐNa 90039 Nguyễn Văn Còn B lúc đó nhận định, với cấp độ va húc tăng dần, khả năng va chạm mạnh là rất dễ xảy ra. “Những ngày qua, nếu chúng ta không nhanh nhẹn thì đã có tàu bị chìm trước sự hung hăng của họ rồi”.
Vì lý do công tác, chúng tôi di chuyển từ tàu cá sang lực lượng kiểm ngư, chỉ vài ngày sau thì tàu ĐNa 90152 bị đâm chìm. Sau này, ông Nguyễn Văn Còn B kể, khi biết được phóng viên đã chuyển tàu, mức độ đâm va của họ mãnh liệt hơn rất nhiều với sự xuất hiện của hàng chục “quái vật” với lê phá băng gắn phía trước. Và rồi, đúng như dự báo của ông Còn B, tàu ĐNa 90152 đã bị đâm chìm tại chỗ.
Con tàu ĐNa 90152 bây giờ nằm ở âu thuyền Thọ Quang, tả tơi rách nát và là vật chứng lịch sử với hàng trăm cuộc viếng thăm, chứng kiến của lãnh đạo trung ương, địa phương, các chuyên gia, ký giả trong ngoài nước.
Các học giả quốc tế trước con tàu “vật chứng lịch sử” ĐNa 90152.
Biển Đông - Toan tính và tham vọng
Biển Đông năm qua không chỉ “nóng” ở Hoàng Sa mà còn là tâm điểm chú ý trong nhiều hội thảo quốc tế. “Biển Đông trở thành một đấu trường cạnh tranh gián tiếp giữa các cường quốc. Trung Quốc tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình để cho thế giới thấy được những hiện hữu của một siêu cường” - GS Leszek Buszynski (nghiên cứu viên cấp cao, ĐHQG Úc), nhận định tại Hội thảo quốc tế biển Đông lần 6 trung tuần tháng 11/2014 tại Đà Nẵng, do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 200 học giả, chuyên gia.
Ngư dân Việt vẫn vươn khơi bám biển.
Theo GS Buszynski, dầu khí ở biển Đông là lợi ích hàng đầu của Trung Quốc. Vị thế chiến lược của biển Đông cùng với cá, dầu khí còn đem lại lợi thế tuyệt đối cho nước nào độc tôn. Sau khi chiếm được phía bắc, Trung Quốc sẽ tập trung vào eo biển Malacca ở phía nam, nơi lưu thông của 80% lượng dầu nhập khẩu tới Trung Quốc cho các nhà máy lọc dầu.
Chiến lược bao vây biển của Trung Quốc là nỗ lực biến biển Đông thành lãnh hải của Trung Quốc, điều này tiện cả đôi đường về phát triển kinh tế biển và tăng cường sức mạnh hải quân. Để thể hiện điều này, Trung Quốc bắt đầu gia tăng áp lực đối với các nước ASEAN mà tiêu biểu là vụ Hải Dương 981 (2014) và vụ chiếm bãi cạn Scarborought từ tay Philippines vào năm 2012.
Xin mượn câu nói của thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B ngày trở về sau chuyến hải trình ra vùng biển giàn khoan: “Chúng tôi chỉ mong được yên bình, nhưng nếu biển Đông vẫn tiếp tục sóng gió, ngư dân vẫn quyết không từ bỏ”.