Khởi nghiệp từ thứ bỏ đi
Anh Nguyễn Hữu Huy Hào (SN 1995) lớn lên ở Cà Mau, nơi có nhiều công ty chế biến thủy hải sản. Tình trạng nước xả thải từ các công ty này khiến sông, kênh, rạch tích tụ bùn thải tanh nồng khó chịu đã ám ảnh, thôi thúc anh theo học ngành Xử lý môi trường, ĐH Cần Thơ. Năm 2016, trong một buổi thực nghiệm ở trường, anh hiểu hơn cách xử lý nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản và nhận thấy bùn thải sau xử lý vẫn có ích cho nông nghiệp. Anh liền lên ý tưởng và kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn học Phan Hồng Mức (chuyên ngành Kinh tế, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ) để biến bùn thải thành bùn vi sinh. “Sau 2 tháng nghiên cứu, chúng tôi đã điều chế thành công hơn 600kg thành phẩm. Quá trình tái tạo bùn vi sinh trên lý thuyết trải qua ba bước, gồm tách nước, khử UV và bổ sung vi sinh. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế là cả quá trình gian nan”, anh nói.
Anh Hào đã trải qua cả chục lần thất bại trước khi có thành phẩm. Anh vừa đi học vừa tranh thủ thời gian đi lấy mẫu bùn, phân tích trong phòng thí nghiệm. “Không ít người nói tôi khùng. Những người học cùng ngành tập trung nghiên cứu nước thải, còn tôi hàng tuần mượn phòng nghiên cứu của trường và mang theo bịch bùn nồng nặc tanh hôi. Nhưng lúc đó, tôi chỉ tập trung cố gắng thực hiện ý tưởng của mình thật tốt”, anh kể.
Sản phẩm bùn sinh học của anh Nguyễn Hữu Huy Hào và người đồng hành từng ra về tay trắng trong chương trình truyền hình Shark Tank năm 2017. Mô hình còn sơ khai, công ty nhỏ, còn lơ mơ về quy mô thị trường, ước mơ chưa đủ lớn… là những nhận xét và lý do các “cá mập” từ chối rót vốn cho nhóm của anh. Tuy nhiên, qua chương trình, ý tưởng và sản phẩm của công ty non trẻ đã được giới thiệu rộng rãi, thu hút được các đơn vị có nguyên liệu bùn thải và các nguồn vốn đầu tư bên ngoài, anh kể.
Năm 2017, anh Hào tung ra thị trường đất sạch hữu cơ NaTa, rồi có các đại lý ủy quyền. Ban đầu, doanh thu chỉ ở mức 40-50 triệu đồng/tháng. Những tháng cuối năm 2017, doanh thu đã đạt 60-70 triệu đồng/tháng (tính riêng bán sản phẩm sau chế biến). Mô hình của anh còn thu lợi từ phía công ty có bùn thải. Đến nay, hệ thống đại lý bán lẻ và nhà phân phối NaTa có mặt khắp các tỉnh, thành phố phía Nam (TPHCM, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long…).
Dưa lưới, dâu tây trên đất nhiễm phèn, mặn
Trên nền đảng đất sạch hữu cơ NaTa tự sản xuất, năm 2018, anh Hào “lấn sân” nông nghiệp công nghệ cao. Anh xây dựng nhà kính và trồng dưa lưới trên vùng đất nhiễm phèn, mặn và biên độ nhiệt cao, không ổn định của Cà Mau. Trồng dưa trên đất nhiễm phèn, mặn là điều ít người nghĩ tới. Theo anh Hào, dù kiên trì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng ngay cả khi đã rút ra nhiều bài học thì mô hình dưa lưới của anh vẫn có thời điểm đồng loạt hỏng cả ngàn mét vuông. “Từ lúc chia sẻ ý tưởng trồng dưa lưới đến thực hiện, nhiều người cho rằng tôi ảo tưởng, ngay cả nhà cung cấp giống bên Nhật cũng không tin cây có thể sống. Nhưng tôi luôn tin thành công sẽ đến”, anh kể.
Anh Nguyễn Hữu Huy Hào tiên phong thử nghiệm trồng dưa lưới, dâu tây trên đất nhiễm mặn, phèn ở Cà Mau Ảnh: NVCC |
Đến nay, anh Hào không chỉ là người đầu tiên trồng thành công dưa lưới trên đất phèn, mặn mà còn sở hữu nhiều trang trại ở Cà Mau. Qua những vụ mùa bội thu, sản phẩm dưa lưới từ nông trại của anh không chỉ đáp ứng nhu cầu ở địa phương, đi vào siêu thị Co.opMart, Co.opFood khu vực miền Nam mà còn vươn sang Malaysia và Singapore. Theo anh, trung bình mỗi tấn dưa lưới xuất sang Malaysia thu lời 60-70 triệu đồng.
Thành công với mô hình dưa lưới, anh Hào có thêm động lực để tiên phong thử nghiệm và trồng thành công các loài cây mới ở Cà Mau như ớt chuông, dâu tây… Anh còn xây dựng mô hình nông trại kết hợp du lịch thu hút khách tham quan, trực tiếp thu mua sản phẩm ngay tại vườn.
“Thử nghiệm thành công với những mô hình dưa lưới, dâu tây là minh chứng mạnh mẽ nhất về chất lượng và hiệu quả của đất sạch hữu cơ NaTa với nhiều loại cây trồng, điều kiện vùng miền. Từ đó tạo niềm tin và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm đất sạch hữu cơ và nông sản của chúng tôi”, anh Hào nói. Anh cho rằng, chính việc tự chủ nguồn dinh dưỡng, đất trồng là điểm mạnh và tạo nên sự khác biệt trong cách làm nông nghiệp của anh so với cách làm truyền thống.
Sau nhiều năm phấn đấu trên nền tảng đất sạch từ bùn thải, anh Hào đã sáng lập và điều hành bốn doanh nghiệp, trong đó có các lĩnh vực dịch vụ xử lý bùn thải, trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng được hệ thống Cà Mau Farm ở Cà Mau, Bạc Liêu và Cần Thơ, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên địa phương. Anh được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2020.