Thiếu tự tin vì chân tay mốc, nứt như “thửa ruộng”
Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Đông, chị Nguyễn Thị Hoa (ở Đại Mỗ, Hà Nội) than thở:
Năm nào cứ đến mùa đông làn da tôi lại khô ráp, trông như bị mốc nhưng chưa năm nào tôi bị ngứa như năm nay. Mấy hôm rét đậm, khắp người tôi bong vảy trắng như da rắn còn ngày nắng ấm thì da lại bị khô nứt.
Chị Phạm Thị Lan (ở Triều Khúc, Hà Nội) cũng buồn phiền vì làn da tay chân khô mốc như da rắn của mình. Nhìn đôi bàn tay của chị, một người mới ngoài 20 tuổi, bạn bè không khỏi bị sốc vì da tay chị nhăn nheo, thô ráp.
Chỉ cần lấy tay xước nhẹ lên da cũng hiện rõ đường mốc trắng, kẻ những đường rạn nứt như “thửa ruộng” khiến chị mất tự tin khi đi ra ngoài.
ThS.BS Đinh Doãn Thạch – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Hà Đông) cho hay, bệnh nhân bị các bệnh da liễu đến khám thường gia tăng vào mùa đông.
Nhiều trường hợp da trông xù xì, sờ vào thô ráp và đôi khi bong hàng lớp các tế bào da chết trông như da bị mốc. Một số bệnh nhân bị ngứa nên đã gãi làm xuất hiện các tổn thương da.
Giải thích nguyên nhân dẫn tới “da rắn” mùa đông, ThS.BS Đinh Doãn Thạch cho biết, thời tiết là một trong tác nhân hàng đầu tác động lên da do nhiệt độ giảm, ánh sáng và độ ẩm, gió xuống thấp tác động lên da khiến da bị đứt liên kết keratine, da bị thiếu dinh dưỡng, bong vẩy sừng.
Tùy cơ địa từng người mà da có các mức độ khô nặng, nhẹ khác nhau. Những người vốn thuộc cơ địa da khô thì sẽ bị nặng hơn so với những người có làn da bình thường.
Đặc biệt, những người mắc bệnh da cá sẽ càng nặng hơn do chức năng tiết mồ hôi và chất nhờn trên da giảm rõ rệt so với người bình thường.
Khi trời trở lạnh thì vảy cá sẽ lộ ra rõ rệt hơn - da đóng vảy như da cá. Nhẹ thì da khô ráp, róc vảy mỏng. Nặng thì toàn thân da khô ráp, nổi vảy giữa các khe ngang dọc như da rắn, màu nâu xám.
Nếu người bệnh gãi, chà xát mạnh rất dễ bị trầy xước, nhiễm khuẩn. Bệnh thường giảm bớt khi thời tiết nắng ấm.
Các bệnh về da có điều kiện phát tác trong thời tiết giá lạnh (ảnh minh họa). |
Cách trị “da rắn”
ThS.BS Đinh Doãn Thạch cho rằng, nếu biết cách chăm sóc da hợp lý sẽ hạn chế được nhiều khả năng da bị khô mốc và mọi người có thể thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Tắm đúng cách: Mọi người không nên tắm nước quá nóng vì sẽ làm giảm lớp mỡ trên da khiến da khô hơn. Cũng không nên tắm bằng nước lạnh, tắm bằng nước ấm là tốt nhất.
Ngoài ra, cần lưu ý thời gian tắm nên ngắn hơn ngày hè vì nếu kéo dài thời gian tắm sẽ làm lớp bã nhờn bảo vệ da mất đi khiến da càng khô, nứt nẻ và nhanh lão hóa.
Khi tắm cần nhẹ nhàng, không chà xát kỳ cọ mạnh. Có thể tắm bằng nước chanh hòa loãng hoặc pha chút muối khi tắm.
- Uống đủ nước: Những ngày trời hanh khô cần uống nhiều nước hơn. Mỗi sáng dậy nên uống 200-300ml nước. Ngày 2-3 lần lấy khăn thấm nước ẩm ủ lên mặt chừng 1-2 phút để da bớt bị khô và căng. Ăn nhiều hoa quả, rau xanh.
- Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Khi đi ra đường để hạn chế tiếp xúc với gió hanh gây khô nên mặc quần áo đủ ấm, đeo găng tay thường xuyên. Mùa đông cũng nên dùng loại kem chống nắng có chứa SPF để bảo vệ da.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Việc dùng kem dưỡng ẩm sẽ giúp dưỡng ẩm cho da rất tốt. Ngay khi da còn ẩm, nên thoa ngay kem dưỡng ẩm vào những vùng da dễ bị khô, nứt nẻ để tăng cường độ ẩm và kích thích phục hồi da.
Có thể dùng kem làm ẩm da như: Lacticare, A Derma exomega cream hàng ngày. Nếu bị viêm đỏ, mẩn ngứa bạn có thể dùng một đợt kem mỡ steroid 5-15 ngày.
Theo BS Nguyễn Thành – nguyên Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương), việc lựa chọn kem dưỡng ẩm và sử dụng chúng cũng cần phải lưu ý.
Kem dưỡng ẩm bản chất là loại rất có ích với da khô nhưng nếu dùng không đúng cách hoặc mua phải loại kem giả, chất lượng kém thì tác dụng đôi khi ngược lại.
Người dùng có thể bị kích ứng. Bôi quá nhiều, quá dày sẽ gây bít lỗ chân lông, làm bí da dẫn đến hiện tượng da sần sùi.
Để tránh nguy hại cho da, khi chọn kem dưỡng phải chọn sản phẩm của hãng đã có uy tín, không chứa chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo mùi; không dùng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc; không tự ý dùng thêm những loại thuốc bôi chống khô da để tránh gây dị ứng cho da.
Tốt nhất, hãy đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại kem giữ ẩm tốt phù hợp với từng loại da và loại chuyên biệt dành trị da khô mốc, nứt nẻ.