Bí quyết tìm việc trực tuyến

Bí quyết tìm việc trực tuyến
Thời hiện đại, người tìm việc không chỉ nhờ vào sơ yếu lý lịch, mà còn có thêm nhiều cách khác để khoe diễn sức mạnh, tài năng, nhằm nổi bật đúng cách trước mắt nhà tuyển dụng và nhận công việc mình cần.

Mạng xã hội (MXH) có ích cho doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, MXH còn là nơi hữu hiệu để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Teresa Basich tại Los Angeles, Hoa Kỳ, tham gia MXH Twitter và kết nối với những chuyên gia trong ngành cô đang tìm việc. Mọi người trở thành bạn bè, cùng chia sẻ câu chuyện gia đình, câu chuyện làm ăn. Từ Twitter, cô học thêm về tiếp thị trên MXH và quản lý cộng đồng.

Bên cạnh đó, Basich còn tạo blog để giới thiệu sơ yếu lý lịch và chia sẻ những suy nghĩ, đánh giá của cô về ngành nghề, việc làm. Basich tiết lộ: “Tôi tạo mạng lưới kết nối với bạn ảo và chia sẻ ở nhiều cấp độ thân sơ khác nhau”. Lang thang trên MXH 1 năm như vậy đã đẩy đưa Basich đến công việc trong mơ của chị là trở thành giám đốc tiếp thị cho công ty kỹ thuật truyền thông xã hội.

Hãy bảo đảm sơ yếu lý lịch thể hiện năng lực của bạn: có năng lực giải quyết những vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải.
Zack Grossbart, chuyên gia huấn luyện làm việc nhóm ảo, cho biết: “Người tìm việc có nhiều lợi thế. Họ không chỉ nhờ vào bản sơ yếu lý lịch nhàm chán, mà còn có nhiều cách tiên tiến và hợp thời khác để phô diễn đầy đủ tài năng, sức mạnh và những phẩm chất linh hoạt khác”.

Bí quyết tìm việc trực tuyến:

1. Số lượng không bằng chất lượng

Bạn soạn một bản sơ yếu lý lịch đồ sộ rồi photo nhiều bản để phân phát nhiều nơi? Cách đó khiến bạn an tâm rằng không vào chỗ này thì cũng vô chỗ khác. Nhưng, hãy nghĩ đến việc: số lượng không bằng chất lượng. Giám đốc tuyển dụng Skip Freeman khuyên: “Thay vì gửi 200 đơn xin việc, bạn sẽ thành công hơn nếu tập trung chi tiết để gửi 20 đơn vào 20 nơi bạn tâm đắc nhất”.

Đừng ngại mất thời gian lang thang và lùng sực trên mạng để tìm danh sách vài công ty bạn tâm đắc nhất, những vị trí bạn đủ khả năng đảm đương và nắm chắc phần thắng khi ứng thí.

Dùng công cụ tìm kiếm Google hay bất cứ nguồn nào có thể để tìm hiểu sâu hơn về công ty và tập thể nhân viên tại nơi bạn đang để mắt. Mỗi công ty, bạn chỉ tập trung vào một vị trí mình muốn nhất, đừng gửi thư xin việc tràn lan nhiều phòng ban.

Đối với thư xin việc viết tay, đừng viết duy nhất một bức có nội dung chung chung, mà phải viết những bức thư miêu tả thành tựu cá nhân đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của từng công ty và vị trí riêng biệt.

Trong thư xin việc cũng như sơ yếu lý lịch, hãy làm bật lên giá trị của mình bằng cách giới thiệu rõ mình có thể làm gì để giúp công ty tiết kiệm, đem thêm doanh thu về cho công ty.

2. Chỉnh sửa sơ yếu lý lịch hằng ngày

Dù không cần người, nhưng nhà tuyển dụng cũng thường xuyên lướt web để tìm những ứng cử viên sáng giá cho tương lai nhân sự.

Để lọt vào mắt xanh của những chuyên gia nhân sự hàng đầu các tập đoàn, bản sơ yếu lý lịch bạn giới thiệu trên mạng phải là công trình được thực hiện kỹ lưỡng với những từ khóa hấp dẫn và được cập nhật hằng ngày.

Hãy bảo đảm sơ yếu lý lịch thể hiện năng lực của bạn: có năng lực giải quyết những vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải. Miriam Salpeter, chuyên gia về tìm việc và MXH, cho biết: “Mỗi việc làm là câu trả lời giải pháp cho một vấn đề. Mọi nhà tuyển dụng đều tìm kiếm người có thể giải quyết khó khăn cụ thể họ đang gặp phải”.

Hãy tìm xem sơ yếu lý lịch và đơn xin việc của những người cùng ngành. Họ có hạng mục nào câu gì hay hay mà bạn có thể bổ sung vào cho lý lịch của mình thêm phong phú?

Hãy nghĩ đến tựa đề của nó. Dĩ nhiên, nó là sơ yếu lý lịch, là bảng thành tích, kinh nghiệm làm việc. Nhưng, cộng chung tất cả, bạn hãy đặt cho gói xin việc đó một cái tên thật oách, thu hút và có ý nghĩa rõ ràng. Ví dụ như cái tựa “Người năng động đang tìm việc” nghe quá chung chung, còn tựa “Kỹ sư dự án ý tế”: đơn giản, rõ ràng, cụ thể.

Điều này nghe có vẻ dư thừa, nhưng đừng sai lầm đến mức ghi trong sơ yếu lý lịch địa chỉ e-mail và số điện thoại công ty cũ. Bên cạnh đó, địa chỉ e-mail tìm việc là địa chỉ e-mail cá nhân, nhưng cũng cần nghiêm túc, chứ cái tên ví như embenhinhanh@gmail.com, chắc chắn gây mất thiện cảm của nhà tuyển dụng.

3. Có thể bắt liên lạc dễ dàng qua mạng

Những nhà tuyển dụng thế hệ mới luôn mong mỏi có thể hiểu thêm về ứng cử viên thông qua các công cụ trực tuyến. Hãy bảo đảm bạn xuất hiện trên những trang mạng nghề nghiệp như LinkedIn và ZommInfo.

LinkedIn là trang MXH về việc làm số một thế giới hiện tại. Có mặt trên LinkedIn còn quan trọng hơn nộp đơn vào bất kỳ trang quảng cáo tìm việc nào. Trên đó, bạn có một tài khoản riêng để mặc sức phô diễn tài năng, giao lưu kết nối đồng nghiệp, và tìm thấy nhiều thông tin tuyển dụng bổ ích.

Vào Twitter, bạn có thể làm quen với những thành viên thuộc công ty bạn muốn xin vào làm.

Ngày xưa, bạn nộp sơ yếu lý lịch và hứa: Tôi sẽ làm tốt công việc được giao. Nhưng ngày nay, bạn phải thông qua những bài viết, phát biểu ý kiến, hình ảnh và video phô diễn tài năng thực thụ (khả năng diễn thuyết, bài thuyết trình PowerPoint chuyên ngành…) thì mới thu hút chú ý của nhà tuyển dụng.

4. Dọn sạch những “bụi bẩn” kỹ thuật số

Theo thống kê, 79% các tập đoàn hàng hàng đầu Hoa Kỳ và thế giới dò tìm thông tin ứng cử viên trên mạng. Điều đó có nghĩa là bạn hãy thận trong khi phát tán thông tin. Đừng gia nhập những webitse có thể khiến bạn mất điểm. Thậm chí, khi vào Facebook, thì cũng đừng quá nhăng nhít mà hãy bảo đảm nó “sạch và chuyên nghiệp”. Theo khảo sát của Microsoft, 70% nhà tuyển dụng từ chối ứng cử viên vì những gì họ tìm thấy trên mạng gây khó chịu.

Hãy xóa những hình ảnh tiêu cực và hãy thêm những hoạt động tích cực trên mạng như viết blog, comment blog nghề nghiệp, trả lời câu hỏi nghề nghiệp trên diễn đàn…

5. Mở cửa với Mạng xã hội (MXH)

Cơ hội và mối quan hệ đang ở ngay trước mũi bạn. Internet và MXH là nguồn quan hệ tuyệt vời. Chỉ duy nhất một đường kết nối tốt cũng có thể dẫn bạn đến công ty trong mơ, nghề nghiệp trong mơ.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG