Bị Mỹ ép, Iran dọa bỏ thỏa thuận hạt nhân

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AP)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AP)
TPO - Tổng thống Iran hôm nay tuyên bố sẽ dừng xuất khẩu urani thừa và nước nặng như quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, và đặt ra thời hạn 60 ngày để các bên thống nhất điều khoản mới trước khi nước này khôi phục hoạt động làm giàu urani cấp độ đủ để sản xuất vũ khí.

Bài phát biểu của Tổng thống Hassan Rouhani đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt. Ông Rouhani nói rằng Iran muốn đàm phán điều khoản mới với những đối tác còn lại trong thỏa thuận, nhưng cũng thừa nhận tình hình hiện nay rất ảm đạm.

“Chúng tôi cảm thấy thỏa thuận hạt nhân cần một cuộc phẫu thuật và những liều thuốc giảm đau trong năm qua không còn tác dụng nữa. Cuộc phẫu thuật này là nhằm cứu vãn, chứ không phải phá hủy thỏa thuận”, ông Rouhani nói.

Theo thỏa thuận năm 2015, các biện pháp cấm vận được dỡ bỏ để đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân. Mỹ sau đó rút khỏi thỏa thuận này và tăng cường trừng phạt Iran, khiến nước này càng sa vào khủng hoảng kinh tế.

Iran vừa gửi thư đến lãnh đạo Anh, Trung Quốc, EU, Pháp và Đức thông qua các đại sứ ở Tehran để nói về quyết định của mình. Tất cả các nước ký kết này đều khẳng định vẫn ủng hộ thỏa thuận. Một bức thư cũng được gửi tới Nga. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dự kiến gặp người đồng cấp Nga trong ngày 8/5 để bàn chuyện này.

“Nếu 5 nước tham gia đàm phán và giúp Iran giành được lợi ích trong lĩnh vực dầu khí và ngân hàng, Iran sẽ quay lại với những cam kết trong thỏa thuận”, ông Rouhani nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Iran cũng cảnh báo sẽ “phản ứng mạnh” nếu các lãnh đạo châu Âu tìm cách tăng cường trừng phạt Iran thông qua Hội đồng Bảo an LHQ.

Ông Rouhani còn nói rằng nếu thời hạn 60 ngày trôi qua mà không có hành động nào, Iran sẽ dừng nỗ lực do Trung Quốc đi đầu để thiết kế lại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak. Những lò phản ứng như vậy có thể sản xuất plutoni ở cấp độ vũ khí.

Vẫn chưa có phản ứng nào từ Mỹ. Nhưng Nhà Trắng cuối tuần qua tuyên bố sẽ điều một tàu sân bay và một máy bay ném bom đến vịnh Ba Tư để đối phó với thứ mà họ gọi là mối đe dọa mới từ Iran.

Các nước phương Tây từ lâu đã lo rằng chương trình hạt nhân của Iran có thể cho phép nước này chế tạo vũ khí hạt nhân. Còn Iran luôn nói chương trình của họ phục vụ mục đích hòa bình. Năm 2015, Iran đạt được thỏa thuận với các cường quốc thế giới.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Iran chỉ được giữ lại không nhiều hơn 300kg urani cấp độ thấp. Lượng đó tương đương 10.000kg urani làm giàu cấp độ cao.

Tuần trước, Mỹ chấm dứt các thỏa thuận cho phép Iran trao đổi urani làm giàu lấy urani vàng chưa tinh chế với Nga, cũng nhu việc bán nước nặng cho Oman. Mỹ cũng chấm dứt miễn trừ cấm vận mua dầu đối với các nước vẫn đang mua dầu của Iran. Tiền bán dầu là một nguồn thu chủ chốt của chính phủ Iran.

Hiện tại, thỏa thuận giới hạn mức Iran có thể làm giàu urani là 3,67%, đủ để chạy một nhà máy điện hạt nhân thương mại. Urani cấp độ vũ khí cần được làm giàu lên xung quanh mức 90%. Tuy nhiên, khi một quốc gia có thể làm giàu urani lên khoảng 20%, các nhà khoa học nói rằng thời gian để đạt được tỷ lệ 90% giảm xuống một nửa. Trước đây Iran từng đạt được mức làm giàu 20%.


Theo Theo AP
MỚI - NÓNG