Bí mật tọa độ 66o33’7” Bắc

Bí mật tọa độ 66o33’7” Bắc
TP - Cũng không bí mật lắm đâu, nhận bao thư đỏ rực là biết của ai rồi. Năm nay, nhờ có người thân du học Phần Lan mà các con tôi nhận được thư của ông già Noel xịn gửi từ làng Rovaniemi ghi rõ toạ độ 66033’7” Bắc thuộc Lapland- một tỉnh phía bắc Phần Lan vốn được thế giới nhận định là quê hương của Santa Clause.

> Giáng sinh và những điều ít biết
> Hà Nội rực rỡ hình ảnh đón Giáng sinh

Nhìn thư Santa Clause viết bằng tiếng Hà Lan, tôi nhắn tin ngay cho đứa cháu “bao nhiêu?”, mãi cậu mới nhắn lại “khoảng 7- 8 Euro cả tem, đến làng Rovaniemi chơi nên cháu gửi ngay ở Bưu điện của Santa. Nếu muốn, cô cũng có thể yêu cầu online qua trang web chính thức của Santa, họ sẽ gửi thư về tận nhà cho các con cô”.

Tôi nhớ khoảng chục năm trước ở Hà Nội rộ phong trào nhân viên cửa hàng, siêu thị... diện trang phục ông già Noel đỏ chót phóng vèo vèo trên phố giao quà. Làm Santa ở Việt Nam thực ra dễ, nói tiếng Việt thôi. Ở Bỉ khó hơn vì mỗi vùng một ngôn ngữ, cho nên bé Nina 5 tuổi cứ lên Brussels là trách Santa “Ông ấy toàn nói tiếng Pháp, con không hiểu”.

Mẹ cô bé sợ con gái sớm nghi ngờ Santa không biết tuốt nên lại gần rỉ tai ông già Noel: “Ông biết tiếng Hà Lan chứ, làm ơn nói vài câu với con gái tôi”. May quá, ông già Noel gật đầu và chuyển ngữ.

Có lần, tôi hỏi bạn gái người Bỉ rằng “khi nào cậu biết Santa Clause không có thật? 15 tuổi à?”, cô tỏ vẻ giận theo kiểu làm gì... già đến mức ấy vẫn tin. Nhìn chung, trẻ em phương Tây từ 12 tuổi trở lên bắt đầu biết quà của Santa Clause xuất hiện trong nhà thực ra là quà của bố mẹ. Nhưng con trai bạn tôi mới 8 tuổi, khôn sớm, giả vờ ngây thơ “Chắc năm nay con viết thư xin Santa cái Ipad”.

Bà mẹ hoảng hốt, chữa ngay: “Ông già Noel ở làng quê xa xôi chỉ tặng những món quà thủ công thôi, con xin đồ điện tử xịn thế ông làm gì có mà cho”.

Những ngày trước Giáng sinh thì lo quà của Santa, ngay sau Noel tiếp tục chạy quà cho Tết dương lịch. Chóng mặt. Quà cáp cảm ơn đáp lễ cũng phải chuẩn bị chứ có chúc Tết suông đâu. Siêu thị biết thời buổi khó khăn nên bày sẵn những gói quà tặng giản đơn: một chai vang, lọ dầu oliu, gói hạt óc chó, hộp bánh gộp lại trong một giỏ chỉ từ 12 Euro. Nhưng một gói quà như thế để tặng nhân viên từ năm ngoái nhiều công ty cũng cắt đi rồi.

Người ta thường nói chuyện cổ tích chính là để dạy cho những người chưa biết đọc bài học về đạo đức. Nhưng biết chữ rồi, trưởng thành rồi còn mấy ai tin cổ tích nữa, cũng như trẻ em lớn lên sẽ biết ông già Noel chẳng hề đến nhà lúc nửa đêm, chỉ có bố mẹ lặng lẽ đọc thư rồi mua quà đặt trước lò sưởi.

Tôi được biết mới đây 17 hộ dân sống trong một chung cư ở Koksijde thuộc Bỉ bất ngờ tìm thấy tờ bạc mệnh giá 20 Euro trong hòm thư của mình, chắc một người hảo tâm nào đó âm thầm gửi tặng. Ấy thế mà những người may mắn này lại có chung quan điểm “Lẽ ra phải mừng vì được cho, nhưng chúng tôi vẫn cảm giác đó chỉ là khoản tiền lẻ vặt vãnh thôi mà”.

20 Euro cũng như không. Thế muốn bao nhiêu? Quá nhiều lại chính là không đủ. Chekhov có truyện Vé trúng số quá hay, hai vợ chồng nọ mới đọc báo và tưởng tượng mình trúng số thôi mà nỗi căm ghét nhau đã dâng ngập lòng rồi.

Rất may, tôi vẫn kiên trì và đã tìm thấy câu chuyện nhuốm màu cổ tích có thật mùa Giáng sinh này. Với nhan đề Bí mật của Santa, tờ Flanders Today tuần vừa rồi hân hoan thông báo cảnh sát đã bắt quả tang một người đàn ông (không tiết lộ danh tính) 39 tuổi, cư dân cũ của Koksijde đang nhét tiền vào hòm thư ở hai tòa chung cư thuộc vùng này.

Người đàn ông này sống cùng cha già, mới đây được thừa kế khoản tiền lớn từ bất động sản của mẹ. Anh khai với cảnh sát rằng đã suy nghĩ kỹ và quyết định cha con anh không cần khoản tiền này, họ chọn cách cho đi. Anh bí mật cho những người sống ở chung cư đơn giản bởi các tòa nhà này có nhiều hòm thư đặt cạnh nhau, nhét tiền nhanh và dễ hơn.

Điều cảnh sát tuyên bố có thể khiến những người được tặng tiền thoải mái hơn, cứ tiêu đi đừng sợ, không phải tiền lấy trộm của người giàu chia cho người nghèo kiểu Robin Hood đâu.

Đến đây, bạn đọc có thể cho rằng bí mật về Santa chẳng bất ngờ, còn theo bình luận của báo phương Tây thì câu chuyện này kém hấp dẫn nhưng lại không hề kém giá trị hơn ngòi bút của O. Henry. Hãy cứ tin ở Santa như O. Henry tin vào chiếc lá cuối cùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG