Phản ánh tới báo Tiền phong, anh Võ Toàn (30 tuổi, ở thôn 1 xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) cho biết, anh được phân công là thành viên của Tổ giám sát cộng đồng đối với công trình đường giao thông thuộc tổ 8, thôn 1 xã Tiên Lãnh. Tuy nhiên chiều ngày 4/6 khi anh đang tham gia giám sát thi công tại công trình thì bị chủ thầu hành hung, phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương phần đầu, ngực và bụng.
“Không thể chấp nhận được việc chủ thầu ngang nhiên đánh người thay mặt dân giám sát công trình như vậy. Trong khi chúng tôi được giao làm nhiệm vụ giám sát chỉ với mong muốn công trình được thi công đảm bảo chất lượng. Đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ vụ việc để bảo vệ người dân”.
Anh T., người dân tham gia trong tổ giám sát cộng đồng
Theo đơn phản ánh, lúc 7 giờ sáng anh đến công trình thì thấy tài xế xe múc đang điều khiển xe múc cát sỏi ở bãi tập kết cũ tại nhà ông Huỳnh Ngọc Hà lên xe và chở đi đâu không rõ. Sau khi tài xế làm xong quay về làm việc tại bãi tập kết vật liệu mới để đổ trộn bê tông, anh Toàn có nhắc nhở tài xế xe múc đổ đúng khối lượng vật liệu theo bảng khối lượng của xã đưa ra.
Tuyến đường bê tông nông thôn đoạn qua tổ 8 thôn 1 xã Tiên Lãnh |
“Khoảng 3h chiều, ông Võ Hồng Vỹ là chủ thầu gọi tôi viết giấy cam đoan không quay phim, chụp hình tại bãi cát sỏi cũ (không đạt chất lượng đã bỏ - PV). Tôi khẳng định không quay phim chụp hình, nhưng ông Vỹ cùng em trai liên tục đánh vào đầu, ngực và mặt tôi. Lúc đó anh Tám cùng là thành viên tổ giám sát can ngăn nhưng cũng bị đánh. Tôi bỏ chạy vào nhà người dân gần đó, rồi gọi báo công an, và được người nhà đưa đi bệnh viện”, anh Toàn kể.
Theo anh, việc anh bị đánh có lẽ do trước đó anh phản ánh việc chủ thầu dùng vật liệu thi công không đảm bảo dẫn đến công trình xuất hiện các vết nứt. Anh yêu cầu được trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích để có căn cứ xử lý các đối tượng về hành vi đánh người đang làm nhiệm vụ.
Ông Tống Phước Sừng, 60 tuổi, ở thôn 1 xã Tiên Cảnh, là bố vợ anh Võ Toàn, cho hay ông cùng người dân rất vui mừng và hết sức ủng hộ việc làm đường để việc đi lại thuận tiện hơn. Riêng nhà ông ngoài hiến đất, 50 cây cau, còn góp thêm 4 triệu đồng để thực hiện giải tỏa phía bên kia cầu Đá Hang.
“Con rể tôi là Võ Toàn dù là hộ nghèo cũng góp tiền 1 triệu đồng, và tham gia vào tổ giám sát cộng đồng. Nhưng không hiểu sao chủ thầu đánh nó khi đang trên công trường làm nhiệm vụ, đến nỗi nhập viện. Người nó thì yếu, vợ đi làm ăn xa, con nhỏ gửi cho tôi trông còn nó nhập viện cũng nằm một mình dưới đó không ai chăm được”, ông Sừng bức xúc.
Anh Võ Toàn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: Hoài Văn |
Được biết, trước khi xảy ra vụ việc, người dân địa phương tham gia giám sát thi công công trình đã phản ánh đến chính quyền việc chủ thầu sử dụng vật liệu thi công không đảm bảo.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Sang - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết, đã nhận được thông tin và chỉ đạo công an vào cuộc làm rõ việc như đơn phản ánh. “Sau khi nắm thông tin, tôi đã chỉ đạo công an vào cuộc làm rõ vụ việc, ai sai thì xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Sang khẳng định.
Lãnh đạo xã thông tin thêm, đây dự án đường bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Dân tham gia giải phóng mặt bằng hiến cây hiến đất, nhà nước đầu tư bê tông. Tuyến đường liên thôn này chiều dài 1km, vốn đầu tư 890 triệu đồng. Đơn vị thi công là nhóm hộ ông Võ Hồng Vỹ, là người địa phương. Hiện công trình đã triển khai được 40%. Liên quan việc người dân phản ánh chất lượng vật liệu thi công không đảm bảo đối với 70 mét đường đã thi công, ông Sang cho hay chính quyền xã đã làm việc và yêu cầu đơn vị thi công khắc phục.