Bị đuổi việc vì làm mất 13 cái xoong

Bị đuổi việc vì làm mất 13 cái xoong
Sự việc hi hữu trên xảy ra tại Trung tâm Quản lý tâm thần tỉnh Thái Nguyên. Thậm chí khi tòa tối cao hủy quyết định buộc thôi việc và viên chức ấy đã về hưu thì giám đốc sở chủ quản vẫn tiếp tục ra một quyết định buộc thôi việc khác.

Bị đuổi việc vì làm mất 13 cái xoong

Mất việc vì gọi thực khách là 'các nàng béo'
> Hàng vạn nhân viên ngân hàng mất việc

Sự việc hi hữu trên xảy ra tại Trung tâm Quản lý tâm thần tỉnh Thái Nguyên. Thậm chí khi tòa tối cao hủy quyết định buộc thôi việc và viên chức ấy đã về hưu thì giám đốc sở chủ quản vẫn tiếp tục ra một quyết định buộc thôi việc khác.

Ông Phạm Văn Mạnh
Ông Phạm Văn Mạnh. Ảnh: Thái Anh
 

Rạng sáng 6-2-2008, trong ca trực bảo vệ tại Trung tâm Quản lý tâm thần tỉnh Thái Nguyên thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Văn Mạnh (57 tuổi) đã sơ hở để kẻ gian vào bếp lấy cắp 13 cái xoong. Sau khi sự việc xảy ra, ông Mạnh đã mua xoong nồi mới trả cho nhà bếp.

Quyết định thôi việc áp dụng Bộ luật hình sự

Trung tâm Quản lý tâm thần tỉnh Thái Nguyên đã họp kiểm điểm ông Mạnh. Ngày 7-8-2008, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định số 508 kỷ luật ông Phạm Văn Mạnh với hình thức buộc thôi việc. Điều đáng ngạc nhiên là ngoài áp dụng điều 15, 16 pháp lệnh cán bộ công chức, quyết định này còn nêu chuyện ông Mạnh vi phạm điều 117 Bộ luật hình sự về tội lây nhiễm HIV cho người khác.

Sau khi ông Mạnh làm đơn khiếu nại, giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã ra quyết định 665 thay thế, không áp dụng... Bộ luật hình sự cho ông Mạnh nữa nhưng vẫn buộc ông Mạnh thôi việc.

Ông Mạnh khởi kiện tại TAND tỉnh Thái Nguyên, án sơ thẩm tuyên ông thua kiện. Ông Mạnh kháng cáo. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội tuyên hủy quyết định 665 do nhận định quyết định này áp dụng điều 15, 16 pháp lệnh cán bộ công chức là không chính xác vì ông Mạnh không chây lười trong công tác, không trốn tránh thoái thác nhiệm vụ...

Giám đốc sở chống lệnh tòa

Mặc dù đã có quyết định của tòa tối cao, nhưng tháng 11-2011 bà Nguyễn Thị Hằng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH, vẫn tiếp tục ký thêm quyết định số 667 thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Mạnh, và vẫn áp dụng điều 15,16 pháp lệnh cán bộ công chức. Khi ký quyết định này, giám đốc sở quên mất rằng... ông Mạnh đã nghỉ hưu từ tháng 9-2009.

Ông Mạnh lại tiếp tục kiện. Lần này tháng 6-2012, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên hủy quyết định 667. Đến phiên giám đốc Sở LĐ-TB&XH kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 12-12, đại diện sở trình bày khi làm mất xoong nồi, ông Mạnh không thành khẩn nhận lỗi, lại có nhiều đơn thư tố cáo các lãnh đạo sở sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ... Ông Mạnh cho rằng sở muốn đuổi việc ông tới cùng vì ông đã tố cáo các hành vi sai trái của các lãnh đạo sở, lãnh đạo sở cố tình quy kết ông tội lây nhiễm HIV cho người khác là bôi nhọ và xúc phạm danh dự nhân phẩm của ông...

Tòa phúc thẩm nhận định: ông Mạnh đã nghỉ hưu ngày 8-9-2009. Cho nên quyết định kỷ luật buộc thôi việc số 667 tháng 11-2011 của giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên không phải là đối tượng để khởi kiện vụ án hành chính, lẽ ra TAND Thái Nguyên phải trả lại đơn khởi kiện cho ông Mạnh. Tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án hành chính của TAND tỉnh Thái Nguyên, đình chỉ vụ án, trả lại đơn khởi kiện và tiền tạm ứng án phí cho ông Mạnh...

Sau phiên phúc thẩm, ông Mạnh mệt mỏi cho biết: “Tôi tốn không ít tâm sức, tiền bạc để theo đuổi vụ kiện tụng này vì muốn lấy lại danh dự cho bản thân và gia đình. Bao nhiêu năm ròng rã, cuối cùng vụ việc chẳng đi đến đâu. Giờ có thắng kiện cũng không thể bù đắp được những điều tiếng bị đuổi việc, rồi còn tội lây nhiễm HIV cho người khác”.

Ngày 17-12, bà Nguyễn Thị Hằng lại nói việc sở ra các quyết định kỷ luật buộc thôi việc ông Mạnh là hoàn toàn khách quan, không có việc mâu thuẫn nội bộ hay muốn trù úm cá nhân ông Mạnh. Theo bà Hằng, trong quá trình công tác, ông Mạnh có nhiều sai phạm nhưng do cấp dưới tham mưu chưa chuẩn nên sở đã đưa ra các quyết định kỷ luật chưa chính xác?!

Theo Tâm Lụa
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG