Bí ẩn xác chết trôi sông và cơn cuồng ghen của người chồng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nghi ngờ vợ có người đàn ông khác, Ngô Văn Lộc đánh chết vợ rồi ra vườn mận định đào lỗ chôn xác nhằm phi tang nhưng không thành nên hắn đã mang xác vợ vứt xuống con rạch để xác trôi theo dòng nước.

> Kiều nữ và tội ác
> Bạn trai lăng nhăng, thiếu nữ cuồng ghen giết 'tình địch'
> Kẻ cuồng ghen lập 'danh sách đen' người tình của vợ để sát hại

Nạn nhân Trần Thị Ngâu và hung Thủ Ngô Văn Lộc (từ trái sang phải)
Nạn nhân Trần Thị Ngâu và hung Thủ Ngô Văn Lộc (từ trái sang phải).

Vụ mất tích kỳ lạ

Sự tìm kiếm của gia đình tưởng chừng như vô vọng thì bất ngờ đến 4 giờ 30 ngày 30-7-1999 (tức sau bốn ngày bà Trần Thị Ngâu, SN 1943 mất tích), người dân địa phương phát hiện xác bà nổi lên trên rạch Cái Ngang, đoạn thuộc ấp 4, xã Trung An, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Nhận tin báo, Cơ quan CSĐT phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự và CA huyện Châu Thành khám nghiệm hiện trường. Tử thi được phát hiện đang trong giai đoạn bị phân hủy, trên người chỉ còn mặc chiếc quần lót; ở đầu, mặt, cổ và tay trái có nhiều vết thương. Giám định pháp y kết luận: nạn nhân chết do bị tác động ngoại lực gây sát thương ở vùng đầu...

Theo Cơ quan CSĐT, đây là vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ thù tức cá nhân hay ghen tuông. Điều đáng lưu ý là nơi phát hiện xác nạn nhân chỉ là hiện trường phụ có nhiều khả năng thủ phạm đã giết chết nạn nhân ngay trong nhà rồi sau đó đem xác vứt xuống sông nhằm đối phó với cơ quan công an.

Từ nhận định trên, Cơ quan CSĐT tập trung lực lượng truy tìm những nơi có khả năng thủ phạm lựa chọn để thực hiện hành vi sát hại bà Ngâu. Song song đó, một tổ điều tra viên do đồng chí Phan Tấn Ca làm tổ trưởng (nay là Phó Phòng CSĐTTP về TTXH - CA tỉnh Tiền Giang) khẩn trương thu thập mọi thông tin liên quan đến gia đình bà Ngâu.

Được biết, bà Ngâu lập gia đình với Ngô Văn Lộc (là thương binh bậc 2/4, SN 1933, ngụ ấp 4, xã Trung An, huyện Châu Thành, Tiền Giang) từ năm 1972 và hai vợ chồng có tất cả sáu người con gồm bốn trai, hai gái (đứa lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 13 tuổi).

Từ năm 1986, bà Ngâu bị bệnh lao phổi nặng nên tự ly thân, cắt đứt quan hệ với chồng đồng thời cất nhà ở riêng cùng đứa con gái nhỏ tên Nga tại quê mẹ ở ấp Phước Hòa, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Còn năm người con khác thì vẫn sống với ông Lộc ấp 4, xã Trung An, TP.Mỹ Tho.

Làm việc với Cơ quan CSĐT, các con của bà Ngâu là Trần Thị Nga, Trần Văn Chót và Trần Văn Hồng cho biết: Mặc dù đã ly thân nhưng bà Ngâu vẫn thường về thăm nhà và các con, đôi khi bà về nhà ông Lộc ở đến 4 - 5 ngày. Nhiều lần ông Lộc yêu cầu bà Ngâu dọn về đây chung sống nhưng bà không chịu.

Khoảng 7 giờ ngày 27-7-1999, bà Ngâu cùng Nga về nhà ông Lộc. Khoảng một tiếng sau, Nga đến nhà bạn cùng xóm chơi, Hồng thì đi làm phụ hồ, còn Chót nằm võng ở trước nhà. Bà Ngâu lui cui thu dọn mớ quần áo cũ của Nga mang ra sau đốt, còn ông Lộc cắt rau lang ngoài vườn. Lát sau, Chót cũng chạy đi chơi quanh xóm... Lúc này ở nhà chỉ còn lại ông Lộc và bà Ngâu.

Được khoảng 10 - 15 phút sau, Chót và Nga cùng trở về nhà thì không thấy mẹ đâu nên hỏi thì ông Lộc trả lời với vẻ giận dữ: “Bả bỏ về mà không nói cho tao biết gì hết, tao cứ tưởng bả về với mày (Nga) rồi!”... Nghe vậy, các con bà Ngâu liền chạy qua nhà mẹ ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành tìm mà cũng không thấy.

Trước đó, hàng xóm là bà Bùi Thị Xuân (hay còn gọi là bà Năm Công) sang nhà tìm bà Ngâu nhưng cũng chỉ gặp được ông Lộc và Chót. Bà Xuân gặng hỏi, ông Lộc bực dọc trả lời: “Bả bỏ đi theo ông khác rồi!”.

Ngoài ra, các con bà Ngâu còn cho biết thêm: Trước khi bị mất tích, bà Ngâu từng nói với các con: “Bây giờ tao chỉ có ba con đường lựa chọn: một là tự vẫn, hai là uống thuốc rầy, ba là đi tu, chứ tao không muốn người ta bêu riếu hai chồng” (do ông Lộc nổi ghen nghi ngờ bà Ngâu có tình ý với người đàn ông khác nên không chịu trở về sống chung).

Một điều đặc biệt nữa khiến các điều tra viên lưu ý là bà Ngâu không hề biết bơi và không có bất kỳ lý do gì để bà phải đi ra sông rạch để gặp nạn, trong khi trong nhà ông Lộc vẫn có sàn nước và phòng tắm đầy đủ. Thế thì ai đã nhẫn tâm sát hại người đàn bà ốm yếu, bệnh tật, trong người không có thứ tài sản gì quý giá?

Giết vợ chỉ vì thói cuồng ghen

Theo một người dân ở địa phương từ năm 1993 vợ chồng ông Lộc thường xuyên xảy ra cự cãi, sau đó bà Ngâu trở về nhà mẹ ruột ở xã Phước Hòa cất nhà ở riêng. Đến cuối năm 1993, khi mắc bệnh nặng, bà mới trở về nhà để được chồng con lo điều trị bệnh...

Ngoài ra, ngày 13-7-1997 ông Lộc có sang nhà nhờ người hàng xóm này viết đơn với nội dung ông hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì về việc vay tiền xóa đói giảm nghèo của bà Ngâu với số tiền 25 triệu đồng.

Ngoài ra, một hộ dân lân cận cũng cho biết: ngày bà Ngâu bị mất tích, khi trời vừa khuất dạng ông này có nghe tiếng chó sủa inh ỏi từ phía sau vườn nhà ông Lộc giáp ranh với những hộ xung quanh. Tiếng chó sủa kéo dài khoảng một giờ rồi ngưng bặt...

Tập hợp những nguồn tin liên quan đến vụ án, đến 17 giờ ngày 30-7-1999 Cơ quan CSĐT đã có đủ chứng cứ để ra lệnh bắt khẩn cấp Ngô Văn Lộc (chồng bà Ngâu) về hành vi “giết người”, đồng thời khám xét nơi ở của ông Lộc.

Kết quả đã phát hiện ở vách buồng ngủ, trụ và thanh giường dính nhiều vệt máu khô, trên cây thang tre vướng hai sợi tóc ướt, bị đứt dính vào nhau. Quan sát nền đất thấy có vết tro than củi màu trắng quét vương vãi và vẫn còn dấu vết cạo trên bề mặt. Ngoài ra, ở bờ ao sau nhà có nhiều bước chân người tại lối đi cặp mé vào các con mương trong vườn trồng đu đủ của ông Lộc.

Sau khi bị bắt giữ, Ngô Văn Lộc khai: Sau khi bà Ngâu trở về nhà, y khuyên bà quay lại chung sống nhưng bà vẫn cương quyết không chịu. Lúc này, đàn heo sau nhà vừa sổng chuồng, Lộc chạy ra lùa vào chuồng và kêu vợ ra đứng canh chừng để ông ta sửa lại chuồng heo, nhưng bà Ngâu thẳng thừng từ chối: “Cha con ông ăn thì cha con ông tự làm đi, tôi không làm đâu...”. Do vậy, giữa ông Lộc và bà Ngâu phát sinh cự cãi.

Khi bị bà Ngâu dùng phuộc xe đạp đánh mạnh vào đầu, sẵn cơn nóng giận, ghen tuông và trên tay đang cầm cây dầu vuông, Lộc hùng hổ rượt bà Ngâu chạy vào buồng rồi giáng mạnh vào đầu vợ cho đến khi chết hẳn.

Tiếp theo, y kéo xác vợ ra vườn mận, dùng tàu lá chuối và dừa nước đậy lên đồng thời xóa dấu vết tại hiện trường. Sau cùng, Lộc định đào lỗ chôn xác nhằm phi tang nhưng không ngờ các con đi chơi về sớm phát hiện mẹ mất tích bèn đổ xô đi tìm.

Đến 17 giờ ngày 28-7-1999, lợi dụng lúc các con đi tìm mẹ, Lộc mang xác vợ ra vứt xuống con rạch tại phần đất tiếp giáp với nhà mình và đẩy cho xác trôi theo dòng nước đang chảy xiết. Riêng thanh gỗ gây án, Lộc dùng búa chẻ nhỏ rồi quăng vào bếp đốt thành tro.

Ngày 11-11-1999, Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã khởi tố Ngô Văn Lộc về hành vi “giết người”. Ngay sau đó, kẻ thủ ác bị pháp luật trừng trị bằng mức án tù chung thân. Nhưng với sự dày vò của tòa án lương tâm, sau khi chấp hành án tù được vài năm, Ngô Văn Lộc đã chết trước khi về với cộng đồng.

Theo Nguyễn Hiếu
Công an TP.HCM
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG