Bí ẩn và sự thật về võ sĩ Nhất Long

TPO - Nhất Long thời gian qua đã nổi lên như một hiện tượng và nhiều báo đài của Trung Quốc có lúc đã ca tụng anh như là “đệ nhất võ tăng” của Thiếu Lâm tự nhưng sự thật lại không phải như vậy.

Bỏ nhà đi bụi

Nhất Long tên thật là Lưu Tinh Quân, theo chứng minh nhân dân thì sinh tháng 4/1987 tại Đức Châu – Sơn Đông. Cha mẹ anh từng mong muốn con mình sau này sẽ trở thành một đầu bếp hoặc là một nhân viên đánh máy.

Tuy vậy cha Nhất Long là một người rất mê tiểu thuyết võ hiệp. Từ khi Nhất Long còn nhỏ, cha anh đã thường xuyên nói: Đợi sau này con lớn, ta sẽ mang con đến núi tìm sư phụ để học võ. Những điều đó đã thổi vào tâm hồn Nhất Long những biểu tượng đầu tiên về võ thuật.

Bí ẩn và sự thật về võ sĩ Nhất Long ảnh 1

Nhất Long (cởi trần) trong một lần giao đấu.

Bên cạnh đó, Nhất Long còn có một người chị là Lưu Lệ Na (SN 1972) là huấn luyện viên trong một đội Judo địa phương. Hồi nhỏ Nhất Long thường theo chị đến xem tập Judo. Cậu ta cũng học Judo với người chị này và thường bị đau vì những cú quật của bà chị.

Năm 14 tuổi, Nhất Long rời nhà lên đường ngao du thiên hạ để tầm sư học võ. Nhất Long tự kể rằng cậu đọc thông tin trên các tạp chí võ thuật để tìm thày giỏi. Đầu tiên cậu đến Hà Nam sau đó đi Chiết Giang, Quảng Đông, Hà Bắc, Thượng Hải. Trong thời gian đó, Nhất Long đã học rất nhiều môn phái, từ Thiếu Lâm đến Thái Cực, Vịnh Xuân, đấm bốc, vật, Muay Thái, Jujitsu...

Bí ẩn và sự thật về võ sĩ Nhất Long ảnh 2

Cận cảnh khuôn mặt Nhất Long.

Trả lời trên một số tờ báo, Nhất Long kể rằng trên đường lưu lạc học võ, cậu ta sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập là mãi võ hoặc đấu đài tranh giải. Khi đến Quảng Đông học Vịnh Xuân, Nhất Long không có tiền đã từng ngủ trên những chiếc võng mắc ngoài đường.

Nhất Long kể: “Gian khổ nhất trong những năm học võ là thời gian vào công trường xây dựng làm cửu vạn vận chuyển gạch trong 2 ngày trời. Cũng có lúc tôi đã đi giao cơm hộp thuê cho người ta. Có lần phải mang mười mấy hộp cơm leo lên tầng 25. Tôi coi đó như những bài tập thể lực”.

Cái tên Nhất Long

Vào năm 2008, mọi người vẫn gọi Nhất Long là Lưu Tinh Quân và anh ta đã có chút danh tiếng khi mở võ quán dạy võ ở Ôn Châu. Lúc đó những người bạn của Nhất Long đã giới thiệu cậu ta với một đạo sĩ nổi tiếng trong vùng có hiệu là “Nhất Lai Nhị Khứ”. Vị đạo sĩ đã mời Nhất Long đến đạo quán của ông.

Bí ẩn và sự thật về võ sĩ Nhất Long ảnh 3

Khi đến nơi, đạo sĩ ngắm tướng mạo một lúc và bảo Lưu Tinh Quân nên đổi nghệ danh thì sẽ phát triển mạnh. Tính toán một hồi, đạo sĩ viết ra tờ giấy hai chữ “Nhất Long”.

Ông giải thích: “Thành Long cũng là Long, Lý Tiểu Long cũng là Long. Đó là một cái tên rất phù hợp phải không?”. Nhưng Lưu Tinh Quân lúc đó không ưng ý cho lắm nên đã yêu cầu đạo sĩ xem lại. Đạo sĩ lại tính toán một hồi nữa rồi dứt khoát nói: “Nếu anh muốn thành danh trong võ thuật, anh chỉ có thể lấy tên là Nhất Long”.

Bán tín bán nghi nhưng Lưu Tinh Quân cũng đã dùng tên Nhất Long để đăng ký tham gia cuộc thi Võ Lâm Phong – một chương trình truyền hình thực tế về võ thuật ở Trung Quốc. Nhờ thành công trong cuộc thi này, tên tuổi Nhất Long bỗng chốc nổi như cồn ở Trung Quốc và thậm chí lan ra nhiều nước khác.

Sự thực danh hiệu “Đệ nhất võ tăng”

Nói đến Nhất Long, nhiều người nghĩ ngay rằng anh ta là một võ tăng của Thiếu Lâm, thậm chí có thể là cao thủ trong chùa Thiếu Lâm được cho hạ sơn để quảng bá võ thuật môn này. Tuy vậy, thực tế lại chỉ là một trò sắp đặt.

Trong lúc tên tuổi Nhất Long đang nổi như cồn thì dư luận mạng Trung Quốc cũng đã bắt đầu đặt các nghi vấn về xuất thân Thiếu Lâm của anh ta. Đáp ứng dư luận, phóng viên nhiều tờ báo vào cuộc và họ đã hỏi rõ sự thể từ chính Nhất Long và ông Từ Quảng Chí – đạo diễn chương trình Võ Lâm Phong.

Nhất Long thừa nhận rằng anh ta chỉ là một đệ tử tục gia đã từng học võ ở Thiếu Lâm 2, 3 năm chứ không phải là võ tăng lại càng không phải là “đệ nhất võ tăng” của chùa Thiếu Lâm như lời tung hô của cư dân mạng nước này. Sở dĩ anh ta ăn mặc giống nhà sư và cạo trọc đầu để tham gia chương trình Võ Lâm Phong là vì yêu cầu của chương trình này muốn mỗi thí sinh phải có một đặc điểm khác biệt để khán giả dễ nhớ.

Bí ẩn và sự thật về võ sĩ Nhất Long ảnh 4

Nhất Long được những người đầu cạo trọc mặc áo nhà sư dùng gậy đan vào nhau khiêng lên.

Chính đạo diễn Từ Quảng Chí cũng nói: “Võ Lâm Phong nhằm khai thác các môn võ cổ truyền của Trung Quốc, người xem nhìn vào nó như một biểu tượng môn phái vì vậy đòi hỏi thí sinh phải có một hình ảnh cố định. Thực tế là đã có ít nhiều yếu tố nghệ thuật ở bên trong bởi vì việc bạn nhào nặn ra hình ảnh một tuyển thủ rất quan trọng. Nó sẽ khiến người xem dễ dàng nhớ được người đó”.

Từ Quảng Chí cũng biện bạch: “Nhất Long đã học võ tại chùa Thiếu Lâm và đối với tổng giáo đầu hiện nay là Diên Lỗ cũng có quan hệ rất tốt. Ngoài ra Nhất Long còn có quan hệ tốt với nhiều vị sư phụ khác trong chùa Thiếu Lâm và học được rất nhiều thứ từ họ. Duyên phận của Nhất Long với Thiếu Lâm là như vậy”.

Bí ẩn và sự thật về võ sĩ Nhất Long ảnh 5 Nhất Long (trái) trong một lần giao đấu

Để minh chứng cho những lời tán tụng Nhất Long có phần quá lố, một người phóng viên của mạng Tengxun đã viết: “Khi ký giả lần đầu gặp Nhất Long, anh ấy đang truyền nước, lần gặp này đã đem vị cao thủ võ lâm “thần thoại” này trở về thực tại. Anh ấy cũng chỉ là một người phàm và không phải đã đạt đến cảnh giới bách bệnh không thể xâm nhập như trong tiểu thuyết võ hiệp.

Tác giả đã thấy dòng chữ nguệch ngoạc của bác sĩ trên chai nước đang truyền cho Nhất Long ghi: “Lưu Tinh Quân, amidan sưng to, 500cc đường glucose”. Bởi vì liên tục di truyển bằng tàu xe vất vả, Nhất Long đã bị cảm, sốt cao 38 độ, đành phải vào trong bệnh xá nằm bệt. Thời điểm đó chỉ cách trận đấu tối ngày 22/11 có 8 tiếng”.

Đối với hiện tượng Nhất Long, dư luận mạng Trung Quốc cũng đặt ra 3 giả thiết. Một là sự nổi tiếng của Nhất Long là do sắp đặt chứ không có thực tài. Hai là võ sĩ người Mỹ đánh thắng Nhất Long là một cao nhân ngoài đời. Ba là đằng sau các trận đấu là những thỏa thuận cờ bạc đã được dàn xếp. Điều này cho đến nay vẫn là một chủ đề gây tranh cãi cho cư dân mạng Trung Quốc và chưa có gì để xác quyết giả thiết nào là đúng.

Về phần mình, Nhất Long khẳng định anh ta luôn thi đấu thực sự nhưng anh ta cũng tiết lộ: “Tôi chỉ có một điều là giả đó là năm sinh không phải là 1987 mà là 1985”. Nhất Long cũng sinh đúng ngày Cá tháng Tư nên anh ta nói vui: “Nếu hôm đó tôi mời mọi người đi ăn tối thì mời 10 người sẽ có 9 người không đi”.

Theo Tencent
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.