Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo ThS. Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, những năm gần đây, toàn ngành đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tin học hóa trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; thực hiện việc hoàn thiện và liên thông các phần mềm nghiệp vụ, cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia, đáp ứng yêu cầu quản lý dữ liệu tập trung, đảm bảo việc chia sẻ, kết nối dữ liệu trong toàn hệ thống.
BHXH Việt Nam cũng đa dạng hóa các hình thức giao dịch trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tối đa hóa các điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động, người lao động và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
“Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hiện nay, số lượng TTHC về BHXH, BHYT đã giảm đáng kể so với trước kia. Cụ thể, đã giảm trên 70% số lượng, từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 28 thủ tục (năm 2017); đến tháng 5/2019 còn 27 thủ tục. Về số giờ thực hiện TTHC, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới - WB, BHXH Việt Nam đã giảm số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp từ 335 giờ (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2018)”, ThS. Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Về ứng dụng CNTT, theo ông Bình, BHXH Việt Nam đã tăng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Trong khi đó, về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, ngành đã chủ động thay đổi các hình thức tiếp nhận hồ sơ phù hợp với yêu cầu của xã hội như: giao dịch điện tử; giao dịch tại trụ sở cơ quan BHXH; giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí chuyển phát hồ sơ); Cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 27 TTHC.
Đồng thời, BHXH Việt Nam thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế để chia sẻ các thông tin về doanh nghiệp; với Bộ Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh để sử dụng bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT; với Bộ Tư pháp trong việc cung cấp thông tin đăng ký kê khai và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; thông tin về khai tử khi đối tượng hưởng chế độ tuất...
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về an sinh xã hội
Liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế về an sinh xã hội (ASXH), theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, thời gian qua, không chỉ thực hiện tốt vai trò là Chủ tịch Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) nhiệm kỳ 2018-2019, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, từng bước đạt được các mục tiêu trong Chiến lược đã được Chính phủ giao, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết 28-NQ/TW.
“Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương - tham gia các diễn đàn, tổ chức An sinh xã hội của khu vực như ASSA, cũng như thế giới - ISSA, ILO, World Bank… đang ngày càng được thúc đẩy”, ông Ánh cho hay.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc, BHXH Việt Nam đã chú trọng triển khai công tác đào tạo nhân lực, bao gồm cả đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, kiến thức quốc tế về ASXH (phối hợp với Đại học Waikato, New Zealand); thiết lập hệ thống cán bộ thông tin đối ngoại trong toàn ngành… Đây là những biện pháp nhằm từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế của ngành BHXH và sẽ được thực hiện một cách tích cực hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, từ yêu cầu thực tiễn hội nhập của đất nước, tổ chức thực hiện BHXH, BHYT nói chung, trong đó có công tác hội nhập quốc tế của ngành BHXH nói riêng đòi hỏi phải được tăng cường mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn. Chẳng hạn như việc Việt Nam thực hiện nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do - FTA với các quốc gia, khu vực trên thế giới, sẽ tác động đến cung, cầu hàng hóa, ảnh hưởng thị trường lao động. Bên cạnh đó là những thay đổi nhanh chóng do sự phát triển của công nghệ, dẫn đến thay đổi tính chất việc làm, phát sinh quan hệ lao động kiểu mới…
“Những vấn đề này đòi hỏi công tác xây dựng, hoàn thiện các chính sách An sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng, phải được thực hiện nhanh hơn, đồng bộ hơn; công tác tổ chức thực hiện phải ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hơn. Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là yêu cầu tất yếu với n gành BHXH”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh kết luận.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, toàn hệ thống đang khẩn trương xây dựng “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH” phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích, hiện đại. Ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2019, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai tiếp: Dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; Hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung (BigData); Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội…
“Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hiện nay, số lượng thủ tục hành chính về BHXH, BHYT đã giảm đáng kể so với trước kia. Về số giờ thực hiện TTHC, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới - WB, BHXH Việt Nam đã giảm số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp từ 335 giờ (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2018)”.
ThS. Nguyễn Hòa Bình