- Tuyến giáp là cơ quan nội tiết quan trọng trong cơ thể con người. Tuyến nằm phía trước cổ, phía sau giáp khí quản, có trọng lượng khoảng 20-30 g, hình dạng như con bướm. Tuyến giáp có chức năng tiết các hoóc-môn thyroxine (T4) và triodothyronine (T3) thực hiện nhiệm vụ điều hoà và chi phối 30% hoạt động chuyển hoá của cơ thể, thúc đẩy hoạt động của các tế bào, kiểm soát việc sử dụng năng lượng, cung cấp các chất dinh dưỡng cho tế bào; tăng cường quá trình trao đổi chất; kích thích hoạt động của tim, tăng cường co bóp; tăng cường quá trình tạo nhiệt, gia tăng lưu thông huyết khí; tăng cường sự cân bằng hệ thần kinh.
Cơ chế sản xuất các loại hoóc-môn trong tuyến giáp rất phức tạp, có sự tham gia điều khiển của não bộ. Tuyến yên trong não có chức năng điều hoà việc tiết các hoóc-môn T4 và T3 thông qua quá trình sản xuất các hoóc-môn, đặc biệt là TSH (Thyroid Stimulating Hormone). Thông thường, khi nhận được tín hiệu phát đi từ tuyến giáp thông báo, thiếu hụt hàm lượng các hoóc-môn T4 và T3 trong máu, tức thì tuyến yên trên não bộ não tiết ra TSH kích thích các tế bào tuyến giáp sản xuất hoóc-môn T4 và T3, tạo sự cân bằng các hoóc-môn này trong máu.
2- Vai trò của I-ốt trong hoạt động của tuyến giáp trạng ?
- Khi cơ thể thiếu hụt i-ốt, theo bản năng - tuyến giáp sản xuất lượng hoóc-môn T3 nhiều hơn – tuy nhiên – tuyến yên trên não bộ vẫn nhận được tín hiệu thiếu hụt và tiết ra TSH kích thích tuyến giáp gia tăng tổng hợp hoóc-môn. Nhưng do thiếu i-ốt nên tuyến giáp chỉ tổng hợp ra nhiều hoóc-môn T3….Quá trình tiết hoóc-môn T3 lập lại nhiều lần khiến tuyến giáp làm việc quá sức và dẫn đến rối loạn, trương phình, gây bướu cổ. Như vậy, thiếu hụt i-ốt trong cơ thể là yếu tố chủ yếu gây rối loạn trạng thái cân bằng tổng hợp các hoóc-môn T3, T4 và TSH. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên thế giới có khoảng trên 2 tỷ người sống trong vùng thiếu hụt i-ốt, trong đó có khoảng gần 1 tỷ người mắc bệnh bướu cổ và 55 triệu người bị tổn thương não do thiếu i-ốt.
Ở Việt Nam, thiếu i-ốt đang là vấn đề của sức khoẻ cộng đồng, theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ mắc bướu cổ ở các tỉnh miền núi phía Bắc là 38%, miền núi Trung bộ – 27% và Tây nguyên là 29%.
Thiếu i-ốt trong thời kỳ tuổi thiếu niên không chỉ gây ra bướu cổ mà còn dẫn đến đần độn, chậm lớn, nói lắp, nghễnh ngãng, chậm phát triển trí tuệ.
3- Các bệnh tuyến giáp đối với phụ nữ mang thai
- Khi nói về tầm quan trọng của hoóc-môn đối với phụ nữ mang thai, đa số cho rằng đó là các hợp chất progesteron và estrogen. Nhưng ít người biết rằng, trong quá trình phát triển bào thai, các loại hoóc-môn tuyến giáp của người mang thai đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt trong thời kỳ đầu của bào thai, khi cơ thể thai nhi chưa có khả năng tự tổng hợp các hoóc-môn tuyến giáp, quá trình phát triển não và hệ xương phụ thuộc rất nhiều vào hàm lượng các hoóc-môn tuyến giáp của người mẹ.
Phá vỡ sự cân bằng giữa hoóc-môn T3, T4 và TSH trong máu sẽ gây bệnh suy tuyến giáp hay cường tuyến giáp.
Trong trường hợp suy tuyến giáp là tình trạng trong máu có quá ít các hoóc-môn T3 và T4, đồng thời gia tăng hàm lượng hoóc-môn TSH. Ngược lại, trong trường hợp cường tuyến giáp – hàm lượng các hoóc-môn T3, T4 lại quá nhiều, nhưng hàm lượng TSH trong máu lại thấp.
Bệnh suy tuyến giáp sẽ khiến cho quá trình trao đổi chất bị chậm lại, gây hạ nhiệt độ cơ thể và làm giảm mạch đập của tim, người luôn mệt mỏi, tăng cân, thiếu tập trung và giảm đáng kể khả năng tinh dục. Bệnh cường tuyến giáp lại đẩy nhanh quá trình trao đổi chất – làm gia tăng nhu cầu ô xy và nhiệt lượng, đồng thời nhiệt độ cơ thể gia tăng, tim đập nhanh, tăng huyết áp.
Các hoóc-môn tuyến giáp rất cần cho nhu cầu phát triển bào thai - điều hoà quá trình trưởng thành mô và tổng hợp một số enzym - đặc biệt có tác dụng kích thích sự trưởng thành của hệ thống thần kinh trung ương và não cùng với xương. Tình trạng suy tuyến giáp có thể gây ra bệnh thiểu năng trí tuệ cho trẻ sơ sinh, gây khuyết tật xương và gia tăng nguy cơ gây sảy thai. Tình trạng cường tuyến giáp là một trong những nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp cho phụ nữ mang thai, những bệnh tim-mạch. Trong trường hợp xấu nhất, có thể gây sảy thai hay thai dị dạng.
Theo giáo sư nội tiết Edward Frank thuộc Học viện Y khoa Vacsava (Ba Lan), những phụ nữ có nguy cơ rối loạn cân bằng hoóc-môn tuyến giáp trước khi muốn có con nên đến các bệnh viện để xét nghiệm máu, xác định hàm lượng hoóc-môn TSH. Nếu hàm lượng này ở trong khoảng từ 0,4 đến 0,6 IU/ml có thể an tâm. Ngay trong quý đầu những phụ nữ mang thai cần xét nghiệm máu, để xác định không chỉ hàm lượng TSH, mà cả hàm lượng T3 và T4. Hàm lượng T3 trong khoảng 2,0 đến 4,0 pg/ml và T4 trong khoảng 0,7 đến 2,2 ng/100 ml là bình thường.
4- Chế độ dinh dưỡng tránh rối loạn cân bằng hoóc-môn tuyến giáp
I-ốt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng hoóc-môn tuyến giáp. Y học quan tâm tới nguyên tố này vào đầu thế kỷ XX, khi phát hiện ra rằng nó có tác dụng làm giảm sự phát triển của u tuyến giáp. Năm 1909 bác sĩ người Mỹ David Marine đã tiến hành nghiên cứu liệu pháp điều trị bướu cổ bằng i-ốt. Do sự gia tăng của bệnh tuyến giáp trong lứa tuổi thanh niên tại các đại phương thuộc vùng núi Alp, năm 1919 tại Thuỵ Sĩ người ta đã trộn i-ốt vào muối ăn.
Nhu cầu của cơ thể con người về i-ốt là rất ít, khoảng 150 mcg/ ngày đối với người trưởng thành; 175 mcg/ ngày đối với phụ nữ mang thai và 200 mcg/ ngày cho bà mẹ nuôi con bú. Liều tối đa 1000 mcg/ ngày có thể coi là an toàn. Lượng i-ốt trong 100 g một số thực phẩm như sau : cá thu – 45 mcg; rau cải xoong – 45 mcg; cá lục – 52 mcg; nước mắm cá biển – 950 mcg; rau dền – 50 mcg; cá trích – 53 mcg; nấm mỡ – 18 mcg; bầu dục – 36,7 mcg.
Viện Thực phẩm và Dinh dưỡng Ba lan cho biết, để duy trì sự cân bằng các hoóc-môn tuyến giáp cho phụ nữ mang thai, cần duy trì chế độ dinh dưỡng theo những nguyên tắc:
+ Ăn 5 – 6 bữa / ngày, nhưng mỗi bữa không nhiều đồ ăn, tránh ăn quá no.
+ Ăn nhiều chất đạm như trứng gia cầm, thịt nạc, và cá biển.
+ Các bữa ăn cần nhiều món giầu vitamin A ( cà rốt, ớt ngọt, cà chua, trái cây ); vitamin C ( cam, quýt, chanh ); vitamin B1 ( các sản phẩm bột mì, trứng, mì hạt, cám ) và khoáng chất - đặc biệt là can-xi.
+ Hạn chế tối đa uống các loại đồ uống chứa kofein như cà phê, Coca-Cola, nước tăng lực...
Phạm Quang Thiều
Tri Thức Trẻ