Bệnh thời đại

TP - Nhiều người đã gọi căn bệnh mất ngủ, hay chứng khó ngủ là “bệnh thời đại” và rất không may, Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc chứng này rất cao.

Theo các bác sỹ, mất ngủ là hệ quả từ sự tác động của nhiều vấn đề xã hội, dẫn đến căng thẳng tâm lý, thiếu dinh dưỡng và hậu quả của chứng mất ngủ không hề nhỏ chút nào mà rõ nhất là các căn bệnh liên quan tim mạch như huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim…

Mất ngủ có thể là hậu quả trực tiếp từ những áp lực trong cuộc sống, sự bất an, ô nhiễm môi trường, lạm dụng chất kích thích… Cuối năm 2012, trường đại học hàng đầu nước Anh là Warwick University công bố một nghiên cứu toàn cầu về bệnh mất ngủ cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh này ở các nước đang phát triển đang tăng lên bằng với các nước phát triển và có liên hệ chặt chẽ với những phiền muộn, bất an của xã hội.

Các nhà khoa học đã xem xét chất lượng giấc ngủ của khoảng 24.400 phụ nữ và 19.500 đàn ông từ 50 tuổi trở lên ở các nước Ghana, Tanzania, Kenya, Nam Phi, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.

Họ đã nghiên cứu mối liên hệ tiềm tàng giữa chứng mất ngủ và các vấn đề nhân khẩu học, chất lượng sống, sức khỏe thể chất và tâm thần. Mối liên hệ rõ ràng nhất được phát hiện chính là sự liên can của sự bất an xã hội với chứng mất ngủ. Trong các nước nói trên, Bangladesh, Nam Phi và Việt Nam có tỷ lệ dân số gặp vấn đề về giấc ngủ đặc biệt cao, thậm chí còn vượt qua các nước phương Tây. Tuy nhiên, Indonesia và Ấn Độ lại cho thấy họ có tỷ lệ người mất ngủ tương đối thấp.

Cụ thể, Bangladesh là nước có tỷ lệ mắc chứng mất ngủ cao nhất trong các nước được khảo sát với 43,9% phụ nữ, gấp hơn hai lần tỷ lệ ở các nước phát triển, trong khi tỷ lệ này ở nam giới Bangladesh là 23,6%. Người dân Bangladesh cũng cho thấy họ có mức độ phiền muộn và lo lắng cao nhất.

Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ dân số gặp vấn đề về giấc ngủ rất cao, 37,6% đối với phụ nữ và 28,5% đối với nam giới.

Để chữa trị các chứng bệnh liên quan đến sự rối loạn giấc ngủ, các chuyên gia y tế chắc chắn đã có những phác đồ điều trị. Nhưng theo như các nghiên cứu, mất ngủ-căn bệnh mang tính thời đại khó có thể giải quyết tận gốc nếu căn nguyên của bệnh-các vấn đề mang tính xã hội, tính thời đại- chưa được xử lý tận gốc.

Khi cuộc sống của người dân còn nhiều lo toan, sức ép từ cuộc sống quá lớn, sự bất an lan tràn thì nhiều người dân sẽ còn “mất ngủ” dài dài theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.