Dự án Đại Thanh của Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu với giá từ 14,3 triệu/m2. |
Thị trường Hà Nội trong thời gian ngắn đã ghi nhận những diễn biến trái chiều của các dự án. Theo nhiều người khẳng định dù ở thời điểm nào thì những doanh nghiệp (DN) biết nắm bắt thời cơ vẫn có những phương thức làm phù hợp để tồn tại được trên thị trường.
Sự kiện chào hàng một loạt căn hộ giá rẻ của Dự án Đại Thanh của Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu với giá từ 14,3 triệu/m2 cũng góp phần hâm nóng thị trường; chương trình tiếp thị dự án The Sun Garden của Maxland với giá bán từ 1,1 tỷ cho căn hộ đầy đủ nội thất ở vị trí trung tâm Hà Đông kèm theo quà tặng 50 triệu .
Lý giải nguyên nhân hút khách của những chung cư này, theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc, những dự án có tiến độ thi công đúng tiến độ, thời gian thanh toán hợp lý, có thể thanh toán từ 7-8 đợt, mỗi đợt từ 20-30% sẽ tạo được niềm tin cho cho khách hàng. Hơn nữa, bản thân dự án phải có pháp lý hoàn chỉnh, từ quyết định phê duyệt, cấp phép, giấy phép xây dựng…các hợp đồng mua bán giữa người mua và chủ đầu tư khá sòng phẳng, minh bạch.
Đối nghịch với sự hút khách trên, thị trường BĐS vẫn chứng kiến những dự án còn dang dở, “đứt gánh” giữa chừng. Thống kê của một sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội cho thấy hàng loạt các dự án đổ bể như: Dự án AZ Land: AZ Vân Canh, Bright City (đường 32), AZ Lâm Viên, AZ Định Công. Các dự án của Tập Đoàn Sông Đà Thăng Long: U Silk City, các dự án của Sông Đà Thăng Long tại HCM, Nha Trang…Nguyên nhân chính của việc này là do: áp lực về vốn, do chậm giải phóng mặt bằng, do phân khúc sản phẩm không phù hợp thị trường, hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện, thậm chí hạch toán khó có lãi nếu tiếp tục...
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong năm nguyên tắc của thị trường hiện nay là sàng lọc khắc nghiệt, DN nào yếu thì tự rút lui ra khỏi “cuộc chạy đua”, vì thế các DN tìm mọi cách nhằm thích nghi với thị trường để tồn tại. Để tồn tại, việc bán được sản phẩm là then chốt, áp dụng nhiều biện pháp khuyến mại “khủng” để kích cầu, thậm chí có cả tặng xe hơi, ưu tiên giảm lãi suất, cho vay lãi suất ưu tiên dài hạn…
Bản thân chủ đầu tư, các khâu trước đó ký kết với khách hàng phải như cam kết ban đầu. Tuy nhiên, thời điểm thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay, chủ đầu tư đã làm mọi cách để thu hút sự quan tâm của khách hàng, từ hạ giá, tặng quà, đến hỗ trợ lãi suất, trải nghiệm thử…, nhưng vẫn không khiến cho thị trường bất động sản sôi động hơn. Sức mua yếu chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế vĩ mô, các chính sách trong cuộc chiến chống lạm phát và tâm lý đợi chờ theo kiểu “mua theo phong trào”. Thị trường vẫn chưa “ tiêu hoá” được số lượng hàng tồn vừa qua.
Theo phân tích của ông Trương An Dương, Trưởng phòng Nghiên cứu, TP.HCM, công ty Savills Việt Nam: Trong tình hình thị trường căn hộ chung cư hiện nay ở TPHCM cũng như Hà Nội, những chính sách hỗ trợ người mua là rất cần thiết. Nguồn cung vẫn còn khá dồi dào; trong khi đó số lượng người mua đang giảm sút trong thời gian vừa qua mặc dù nhu cầu về chỗ ở vẫn ở mức cao tại 2 thành phố lớn này.
Một số các chính sách liên quan đến thị trường tài chính có thể giúp cải thiện tình hình thị trường trong ngắn hạn như: Các chính sách hỗ trợ lãi suất, thời gian trả nợ mở rộng hơn, và gói cho vay lớn hơn. Chính sách sử dụng các công cụ tài chính này có thể hỗ trợ người mua cuối cùng giải quyết được vấn đề về chỗ ở, qua đó gián tiếp hỗ trợ chủ đầu tư có được nguồn tài chính (từ việc bán căn hộ) để tiếp tục và đảm bảo tiến độ xây dựng.
Tuy nhiên, để có một thị trường phát triển bền vững trong trung và dài hạn, các giải pháp khác về quy hoạch, phát triển và mở rộng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu đô thị vệ tinh và tăng trưởng kinh tế vĩ mô cần được tính đến một cách nghiêm túc.