Ngày thứ bảy, cô bạn thân kéo tôi sang Võng La (Đông Anh) để xem bằng được mảnh đất đẹp, sau này sẽ nằm sát chân cầu Nhật Tân - Đông Anh. Vốn e dè với những kiểu đất này, nhắc cô bạn thận trọng kiểm tra lại. Tôi alô cho một cán bộ địa chính thì được trả lời: “Đất này cách đây hơn 1 tháng chỉ rao 1 triệu đồng/m2 (giờ 3,5 triệu đồng/m2). Nhưng chắc chắn là không chuyển đổi được”.
Cùng thời điểm, một người quen ở Bắc Ninh gọi: “Có về mua đất không? Dân Hà Nội toàn xe biển đẹp đang kéo ùn ùn về đây này. Đất quy hoạch thuộc về thành phố Bắc Ninh, 3,5 triệu đồng/m2, chưa kể làm sổ đỏ. Giá lên nhanh lắm, trước Tết có 1,5 triệu đồng/m2 thôi. Về mau mà mua...”.
Đất vùng ven sao sốt bất thường vậy? Một đại gia bất động sản cho rằng, giá đất đang sốt như thời của chứng khoán. Nếu mỗi vùng là một mã niêm yết thì biệt thự, nhà liền kề, đất dự án sạch trên các trục đường đẹp là các bluechip. Nhưng do giá lại quá cao, hơn nữa, chủ sở hữu cũng toàn dân số má nên các mã này giờ rất khó ăn.
Đất ven đô, đất vườn, đất ruộng là các penystock (cổ phiếu thị giá thấp). “Quẳng” vài tỷ cho đám cò, tạo khan hiếm giả, rồi tung tin hấp dẫn là mảnh đất vất vưởng lên giá ngay. “Kiểu bong bóng này các nhà đầu tư cần lưu ý nếu không sẽ lãnh đủ” - Một chuyên gia nói.
Tiền ở đâu mà đổ vào thị trường nhà đất Hà Nội nhiều thế? Theo các chuyên gia kinh tế, luôn có sự liên thông giữa các thị trường: chứng khoán, nhà đất và tiền, vàng USD. Những ngày qua, chứng khoán giảm, vàng tăng giao dịch ít, USD xuống, dòng tiền đã âm thầm rút lui khỏi các thị trường kia để chảy sang bất động sản.
Bên cạnh xu hướng cầm cố, thế chấp sổ đỏ (trong chứng khoán gọi là dùng đòn bẩy tài chính) cũng tăng lên đáng kể. Căn nguyên của những cơn sốt đất này thường đến từ “xảo thuật” của giới đầu cơ cùng tâm lý bầy đàn, ham hố lợi nhuận của những nhà đầu tư nhỏ. Lần này, e cũng thế!