Senkaku/Điếu Ngư là "liều thuốc thử" cho sự kiên nhẫn của Nhật Bản và Trung Quốc. |
Thay cho nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng trong năm 2012, Thủ tướng mới của Nhật Bản Shinzo Abe liên tiếp đưa ra giọng điệu hiếu chiến liên quan tới tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu ngư. Sau mỗi lần chiến đấu cơ hay tàu chiến được điều tới Senkaku/Điếu Ngư, thì ngay lập tức xuất hiện các cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến từ cả hai phía.
Tuy nhiên, vẫn có những lý do để tin rằng xung đột hoàn toàn có thể tránh được. Có thể kể đến bảy lý do sau khiến viễn cảnh chiến tranh khó có thể thành hiện thực:
1. Chiến tranh là kịch bản ác mộng của lãnh đạo Trung Quốc
Trung Quốc có thể chiến thắng Nhật Bản, nhưng cũng không loại trừ khả năng họ thua trận. Khi mà Trung Quốc vừa mới bước vào thời kỳ trỗi dậy mạnh mẽ đáng tự hào trong lịch sử dân tộc, chắc chắn lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn mạo hiểm đưa lịch sử Trung Quốc tới một giai đoạn xung đột tàn khốc với cựu thù “đầy cay nghiệt” Nhật Bản.
2. Phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế
Dù thắng hay thua trận, chiến tranh Trung-Nhật sẽ là thảm họa đối với cả nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới. Nền kinh tế lao đao của Nhật Bản đang “hô hấp” bằng 117 tỷ USD tiền kích thích sẽ tiếp tục bị giáng đòn đau nếu các doanh nghiệp Nhật Bản bị tẩy chay khỏi thị trường màu mỡ Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ mất đi tới 5 triệu việc làm cho công nhân tại các nhà máy của Nhật Bản tại Trung Quốc.
3. Quân đội Trung Quốc chưa thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nhanh chóng hiện đại hóa, nhưng chưa hẳn đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tại thời điểm hiện tại. Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Lương Quang Liệt gần đây cho PLA Daily biết, Trung Quốc cần thành lập thêm các đơn vị tinh nhuệ cần được để bảo vệ các lợi ích của mình. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình mới đây vẫn còn kêu gọi PLA cần cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu.
4. Trung Quốc chưa yên bề chính trị
Các vị trí lãnh đạo dân sự và quân đội Trung Quốc vẫn đang được sắp xếp, quá trình chuyển giao quyền lực từ tháng 11-2012 vẫn chưa hoàn tất. Trong khi các lãnh đạo mới còn mải gây dựng ê-kíp cho mình, họ sẽ tìm mọi cách để tránh các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại – trong đó “xương” nhất là khả năng phát động chiến tranh chống Nhật Bản.
5. Mức độ can thiệp của Mỹ
Phái diều hâu Trung Quốc cho rằng, Mỹ sẽ không bao giờ thay mặt Nhật Bản hay một đồng minh châu Á nào khác để can thiệp vào các tranh chấp tại châu Á. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng này. Một khi khả năng Mỹ can dự lên cao, thì xung đột Trung – Mỹ sẽ khó lường.
6. Chính sách tránh đối đầu quân sự của Trung Quốc
Trung Quốc luôn nói rằng họ ủng hộ các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, và thực tế họ đã nói sao làm vậy. Trung Quốc đã không sử dụng tàu hải quân mà chỉ phái các tàu tuần tra phi vũ trang hoặc vũ trang hạng nhẹ tới các điểm tranh chấp.
Các hãng truyền thông dân tộc chủ nghĩa và một số sỹ quan quân đội Trung Quốc từng nhiều lần kêu gọi chủ chiến với Nhật Bản, nhưng Bắc Kinh đã không hề để ý tới chúng. Việc một khinh hạm Trung Quốc mới đây hướng ra đa vào tàu Hải quân Nhật Bản được cho là một hành vi leo thang mang tính khiêu khích đầy nguy hiểm, nhưng một lần nữa Trung Quốc đã kiểm soát được giới hạn, không để gây ra đụng độ vũ trang với lực lượng của Nhật Bản.
7. Trung Quốc hòa nhập với thế giới
Trung Quốc đã mất nhiều thời gian để chứng tỏ rằng họ không phải là nguy cơ đối với hòa bình thế giới. Nếu Trung Quốc gây nên tranh chấp với Nhật Bản, thì chắc họ sẽ vấp phải phản ứng không hề có lợi từ dư luận khu vực, bởi nhiều nước Đông Á khác cũng đang còn căng thẳng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhưng cả hai đều không hứng thú với một cuộc chiến lúc này.
Tương tự các chạm trán nhỏ như tại Kashmir hay biên giới Thái Lan – Campuchia, các xung đột nhỏ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ không leo thang tới một cuộc chiến toàn diện.
Đỗ Tuấn
theo The Diplomat