Bẫy "câu like" và 1001 kiểu lừa đảo trên mạng xã hội

Bẫy "câu like" và 1001 kiểu lừa đảo trên mạng xã hội
Bạn trẻ giả chết, nhảy múa khoả thân giữa đồng ruộng để thu hút sự chú ý; kẻ gian lợi dụng mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, trục lợi bất chính.

Thiếu nữ "giả chết câu like" 


Vừa mới đây, vụ việc thiếu nữ Hà Nội xinh xắn có nickname T.B giả chết để câu Like đã khiến dân mạng một phen "choáng váng". Ở mức độ này, chưa từng có kẻ ham nổi tiếng nào dám thử, ấy vậy mà một cô gái sinh năm 1997 lại liều lĩnh nhờ bạn giúp đỡ để thực hiện kế hoạch giả chết bằng cách đăng status "tiếc thương vô hạn" lừa mọi người. 

Bẫy "câu like" và 1001 kiểu lừa đảo trên mạng xã hội ảnh 1

Thiếu nữ giả chết để thu hút sự chú ý 

Ngay sau khi vụ giả chết vỡ lở, cô gái tỏ ra hối lỗi và xin tha thứ. Tuy nhiên, những người bị cô lừa tỏ ra hết sức phẫn nộ, nhất là những người thân, bạn bè. Cộng đồng mạng chỉ trích cô gái cạn nghĩ, đồng thời cũng lên án giới trẻ ngày nay vì quá ham thích sự nổi tiếng nên có những hành động không đúng với luân thường đạo lý. 

Theo dõi vụ việc này, bạn Thuỳ Dương, sinh viên năm cuối ĐH Luật bình luận rằng: "Bản thân cô gái này lần sau có chuyện thật nói cũng chẳng ai tin. Thực ra là do chúng ta quá dễ tin người hay vì sức hút của sự nổi tiếng quá lớn đối với nhiều bạn trẻ mà hàng trăm người bị lừa vậy nhỉ? Cho nên mới nói, mạng xã hội là ảo, đừng nên tin những gì bạn không tận mắt thấy, tận tai nghe". 

Khoả thân giữa đồng ruộng 

Một thanh niên có nickname T.D tự tung clip trình diễn đồ lót giữa đồng ruộng khiến cộng đồng mạng "mắt tròn mắt dẹt". Giải thích cho hành động khác người của mình, T.D tự tin cho rằng mình là "ông hoàng đồ lót" nên biểu diễn cho mọi người thưởng thức.

Anh chàng giới thiệu mình là sinh viên trường ĐH SKĐA TP.HCM và đang sinh sống tại Phan Thiết. Trước đó, trên Facebook của anh chàng này cũng đăng tải đầu những hình ảnh mát mẻ, gợi dục. Cư dân mạng cho rằng, anh chàng này chỉ đang cố lôi kéo sự chú ý của mọi người, câu Like theo cách quái gở. 

Thế nhưng dù chửi bới T.D, cộng đồng mạng vẫn đang góp phần quảng bá cho thanh niên này bằng cách chia sẻ clip, hình ảnh của anh ta trên nhiều diễn đàn. Mặt khác, những dân mạng sành sỏi cho rằng, chiêu quảng cáo bản thân của T.D chẳng qua là học đòi từ một số hình mẫu "bệnh hoạn" đã từng xuất hiện trên mạng trước đó, đã đến lúc những chiêu trò này phải bị dẹp bỏ. 

Bịa chuyện man rợ 

Tháng 9 năm ngoái, thông tin vụ cướp ghê rợn được đẩy lên mạng xã hội Facebook, có kèm theo cả hình ảnh hiện trường làm bằng chứng. Chủ nhân tin tức này khẳng định tận mắt chứng kiến vụ việc lúc 22 giờ ngày 31/8, tại ngã sáu Phù Đổng, một phụ nữ tấp xe máy vào lề nghe điện thoại đã bị hai thanh niên đi xe Wave đỏ dùng mã tấu chặt rớt tay để cướp điện thoại iPhone. Bảo vệ một quán cà phê gần đó đã nhặt bàn tay ướp vào nước đá rồi chở nạn nhân đi cấp cứu.

Bẫy "câu like" và 1001 kiểu lừa đảo trên mạng xã hội ảnh 2

Vụ bịa chuyện cướp chặt tay ở Sài Gòn từng gây ồn ào trên mạng nhưng thực chất chỉ là lừa đảo

Vụ việc nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn người quan tâm, chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội để cảnh báo người thân, bạn bè. Sự việc trở nên lùm xùm buộc cơ quan điều tra đã phải vào cuộc để xác minh thông tin. Thế nhưng khi công an đến khu vực được cho là xảy ra vụ cướp cũng như đến các bệnh viện trong TPHCM để tìm hiểu thì mới hay chẳng có vụ cướp nào như vậy.

Đến lúc này, mọi người mới "té ngửa" vì biết rằng không hề có chuyện như vậy xảy ra. Dẫu vậy, trong khoảng thời gian chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra, nhiều người đã sống trong tâm lý hoang mang và tiếp tay giúp kẻ lừa đảo tung tin thất thiệt.

Lừa đảo trục lợi

Không chỉ bịa chuyện gây tin đồn nhảm, các đối tượng tung tin còn lợi dụng lòng trắc ẩn của dân mạng để góp quỹ ủng hộ hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người bệnh sắp chết... Hiện nay, trên Facebook có rất nhiều fan page hay cá nhân lấy cư cách là tổ chức, nhà hoạt động từ thiện để đưa ra những lời mời hợp tác, kêu gọi các Mạnh Thường Quân tài trợ cho những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. 

Trong số này, rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm thực sự, song cũng không ít kẻ núp bóng từ thiện để làm điều khuất tất. Như trường hợp của Đ.P. Nguyên là một kẻ thường xuyên lên mạng lập nhiều nick ảo, tự giới thiệu có bố là người Australia, mẹ người Việt và bị bỏ rơi từ bé.

Nguyên tự tô vẽ bản thân đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên và trở thành một giám đốc công ty chứng khoán ở Hà Nội. Nguyên đã lấy lòng được nhiều người khi giới thiệu có sở thích yêu động vật và đang nuôi một số trẻ em khuyết tật.

Sau đó, kẻ lừa đảo này tự đăng thông tin bị bệnh u não lên mạng xã hội, cho biết mình cần tiền để sang nước ngoài trị bệnh. Do cả tin, nhiều người ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt kiều ở nước ngoài tự nguyện hỗ trợ 240 triệu đồng để Nguyên chữa bệnh. 

Hành vi lừa đảo này bị lật tẩy ở trong Nam, Nguyên đã chuyển ra Hà Nội để tiếp tục lừa đảo thông qua các hoạt động từ thiện. Khi thực hiện vụ thứ hai nhằm chiếm hơn 12 triệu đồng của nạn nhân là L.N.A (trú tại Mê Linh, Vĩnh Phúc) thì Nguyên đã bị cơ quan công an bắt quả tang.

Vụ lừa đảo của Nguyên là một trong số những vụ lừa đảo qua mạng bị phanh phui, còn rất nhiều những vụ lừa đảo mà nạn nhân là những người tốt, có lòng trắc ẩn nhưng lỡ dại mất tiền mà chẳng biết kêu ai khi thủ phạm đã cao cạy xa bay.

Cũng giống như vụ của Nguyên, trên mạng xã hội có rất nhiều câu chuyện thương tâm, tai nạn kinh hoàng như vụ bị chặt tay cướp iPhone nhưng tính chất xác thực của những câu chuyện lại rất thấp. Do đó, điều cần nhất với người sử dụng mạng xã hội là phải luôn tỉnh táo, hiểu rõ những người mà mình giao tiếp và tránh trở thành công cụ cho kẻ gian lợi dụng.

Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, tội phạm trên mạng, người dùng mạng xã hội có thể báo cáo lên cơ quan chức năng, chiếu theo một số luật sau:

Tại Việt Nam, theo Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Theo Điều 37 Bộ luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như sau: Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG