Bầu Đức: "Tồn tại hay không tồn tại"

Bầu Đức: "Tồn tại hay không tồn tại"
TP - Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) ở TPHCM đang đóng băng thì ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai quyết định phá băng bằng cách, mở bán căn hộ Hoàng Anh -Thanh Bình trên khu đất vàng quận 7 với giá trên dưới 20 triệu đồng/m2, rẻ hơn 30-50% so với dự án khác cùng địa bàn.

> Căn hộ ‘đại chiến’

Động thái của bầu Đức tạo nên một cú sốc lớn trên thị trường BĐS, thu hút sự quan tâm của khách hàng.

 ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai.

Cạnh tranh bằng thiết kế

Thống kê từ bộ phận bán hàng dự án căn hộ Hoàng Anh- Thanh Bình cho hay: Từ ngày khai trương nhà mẫu và mở bán căn hộ (3-10) đến nay, hàng trăm lượt khách hàng đến tham quan mỗi ngày.

Thứ 7, CN vẫn nườm nượp người. Hơn 300 căn hộ đã được khách hàng giữ chỗ. Những người giữ chỗ chủ yếu là những người trẻ, có thu nhập cao vừa hoặc ổn định, có nhu cầu về nhà ở thật sự.

“Đã đến lúc BĐS trở về với giá trị thực của nó, và dự án Hoàng Anh- Thanh Bình là một ví dụ”, chị Ánh Hồng, một khách hàng trẻ đến tham quan nhà mẫu nói.

Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức thì chia sẻ chân tình với PV: “Thời vàng son bán căn hộ theo giá kỳ vọng vài ba nghìn đôla mỗi m2 đã qua rồi. Bây giờ doanh nghiệp địa ốc đừng ngồi mơ bán giá trên trời”.

Ông Đức cam đoan, dù giảm giá nhưng chất lượng căn hộ của HAGL vẫn không giảm. Được biết, hiện quỹ đất của Hoàng Anh Gia Lai còn cho 16 dự án với tổng diện tích lên đến 2 triệu m2 sàn xây dựng. Dự kiến trung bình mỗi năm doanh nghiệp này sẽ đưa ra thị trường 2.000 căn hộ có giá cạnh tranh trải đều khắp địa bàn TPHCM.

Ông Đức phân tích, để có căn hộ giá cạnh tranh như hiện nay, đầu tiên phải thiết kế sản phẩm diện tích trung bình, vì vậy doanh nghiệp đã có thêm loại diện tích nhỏ (70-75 m2 thay vì 95 m2).

Kế đến là phải tính toán làm sao để bán giá “mềm” hơn so với các dự án cùng vị trí. Sau đó đàm phán cơ chế cho vay thông thoáng với ngân hàng, giúp khách hàng giảm gánh nặng tài chính, dù có ít tiền mặt nhưng thu nhập ổn định vẫn có được nhà.

Chẳng hạn như mua căn hộ 1,4 tỷ đồng, nếu phải đóng trước 30% giá trị căn hộ nhưng không đủ tiền mặt, khách hàng có thể được vay 70% khoản tiền này dưới sự bảo lãnh của chủ đầu tư.

Hiện phương án cho vay này đã được Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chấp thuận. Cụ thể, ở dự án Hoàng Anh- Thanh Bình, khách hàng chỉ đóng trước 30% giá trị hợp đồng, 40% tiếp theo trả trong 30 tháng, 25% còn lại nộp khi giao nhà và 5% sẽ tất toán khi xong giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.

Giá tốt nhờ ưu thế riêng

Việc mở bán căn hộ Hoàng Anh- Thanh Bình với giá gây sốc, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức khẳng định đây không phải là động thái phá giá của tập đoàn, mà đó là chiến lược kinh doanh riêng của doanh nghiệp.

Khách hàng đến giao dịch tại khu nhà mẫu dự án Hoàng Anh - Thanh Bình. Ảnh: Võ Huy.
Khách hàng đến giao dịch tại khu nhà mẫu dự án Hoàng Anh - Thanh Bình. Ảnh: Võ Huy..

Ông cho rằng, mỗi doanh nghiệp có phương án kinh doanh riêng, cách sử dụng đồng vốn cũng khác nhau nên chiến lược bán hàng chắc chắn cũng không giống nhau.

Theo ông Đức, Với giá này, thật ra HAGL vẫn có lãi, nhưng lãi không nhiều như trước.

Ông Đức phân tích: Nhờ lợi thế sẵn có, tập đoàn có các công ty con chuyên về gỗ, đá, xây dựng… Những đơn vị này chỉ hạch toán hòa vốn khi cung cấp vật tư, thi công cho dự án.

Thí dụ như đá granite, giá thị trường hiện nay khoảng 700.000 đồng/m2, nhưng công ty con của HAGL chỉ cung cấp với giá thành khoảng 90.000 đồng/m2.

Hơn nữa, thế mạnh của tập đoàn là có quỹ đất mua với giá rẻ từ cách đây nhiều năm. Cụ thể, khu đất vàng, nơi dự án căn hộ Hoàng Anh - Thanh Bình tọa lạc, với trị giá hàng ngàn cây vàng đã được tập đoàn mua gom năm 2008 với giá rẻ hơn nhiều so với các chủ đầu tư khác ở vị trí chung quanh.

“Nếu nguồn gốc đất là đấu giá, đấu thầu, vật liệu xây dựng mua sòng phẳng như các doanh nghiệp địa ốc đang làm thì không thể có giá căn hộ như chúng tôi”, bầu Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp BĐS phải xem vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” chứ không thể chăm bẵm vào “lợi nhuận bao nhiêu”.

Điều quan trọng hiện nay là bán được hàng để giảm áp lực nợ vay, cũng như xoay vòng đồng vốn. Và điều quan trọng bậc nhất là, việc giảm giá cũng như phương thức thanh toán linh hoạt đã chạm đúng nỗi lòng khách hàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG