Bầu cử Thái Lan: Cuộc tái đấu giữa những đối thủ cũ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 14/5, người dân Thái Lan đi bỏ phiếu với tỷ lệ dự kiến đạt kỷ lục. Kết quả được nhận định sẽ nghiêng về các đảng đối lập, thử thách quyết tâm của phe ủng hộ quân đội sau hai thập kỷ biến động chính trị.
Bầu cử Thái Lan: Cuộc tái đấu giữa những đối thủ cũ ảnh 1

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đi bỏ phiếu ở Bangkok ngày 14/5. (Ảnh: Reuters)

Khoảng 52 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu để chọn giữa các đảng đối lập tiến bộ hoặc những đảng liên minh với giới tướng lĩnh bảo hoàng muốn duy trì hiện trạng đất nước sau 9 năm quân đội dẫn dắt hoặc hậu thuẫn chính phủ.

Ủy ban bầu cử ước tính tỷ lệ đi bầu đạt hơn 80%. Các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 5h chiều và kết quả không chính thức sẽ có vào khoảng 10h tối.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hai đảng đối lập gồm Pheu Thai và Move Forward sẽ giành thêm ghế, nhưng không có gì bảo đảm một trong hai sẽ nắm chính phủ vì những quy định mà quân đội áp dụng từ khi lên nắm quyền sau đảo chính năm 2014.

“Tôi hy vọng đảng mà tôi lựa chọn sẽ thực hiện những gì họ nói lúc vận động tranh cử”, doanh nhân Nicharee Tangnoi, 29 tuổi, cho biết. Cô cho rằng chính phủ hiện nay “đã làm hết sức và tôi hy vọng chính phủ tiếp theo sẽ làm những gì đã hứa”.

Ở những điểm bỏ phiếu tại thủ đô Bangkok, những ứng viên thủ tướng đã bỏ lá phiếu của họ, trong đó có Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và ứng viên Paetongtarn Shinawatra của Pheu Thai.

“Người dân cần thay đổi”, bà Paetongtarn nói sau khi bỏ phiếu. Bà bày tỏ “hy vọng cao” vào một chiến thắng vang dội.

Cuộc bầu cử một lần nữa trở thành cuộc đua giữa một bên là Pheu Thai và gia đình tỷ phú Shinawatra với bên kia là phe quân đội và lực lượng bảo thủ đang nắm quyền lực lớn tại các thể chế chủ chốt, sau khi đã lật đổ 3 trong 4 chính phủ của phong trào dân tuý.

Mầm mống xung đột bắt đầu từ năm 2001, khi nhà tư bản mới nổi Thaksin Shinawatra lên nắm quyền nhờ chương trình hành động vì người nghèo và doanh nghiệp, khiến ông trở nên mâu thuẫn với giới tinh hoa lâu đời của Thái Lan.

Những người gièm pha ông Thaksin trong tầng lớp trung lưu coi ông là một kẻ mị dân lạm dụng vị trí để xây dựng cơ sở quyền lực và làm giàu cho gia đình. Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Bangkok khi ông đang làm thủ tướng nhiệm kỳ 2.

Cuộc đảo chính năm 2006 khiến ông Thaksin bị quân đội lật đổ và phải sống lưu vong ở nước ngoài. Chính phủ của bà Yingluck, em gái ông, cũng chịu chung số phận sau 8 năm. Giờ đây, con gái út của ông – Paetongtarn, 36 tuổi, đang tiếp tục sự nghiệp chính trị của gia đình.

Cách tiếp cận dân tuý của Pheu Thai và các đảng tiền nhiệm đã thành công đến mức phe đối lập chế nhạo là mua phiếu bầu, nhưng khiến đảng Palang Pracharat được quân đội hậu thuẫn và United Thai Nation của ông Prayuth cũng đưa ra những chính sách tương tự.

Thủ tướng Prayuth vận động bằng cách nhấn mạnh sự liên tục, với hy vọng có thể lôi kéo những cử tri trung lưu bảo thủ đã mệt mỏi với những cuộc biểu tình trên đường phố và biến động chính trị.

Một số nhà phân tích cho rằng cuộc chiến giành quyền lực ở Thái Lan không chỉ là trận đấu thù hận giữa gia tộc Shinawatra và các đối thủ có ảnh hưởng, mà thể hiện những dấu hiệu của sự thay đổi thế hệ và mong muốn có một chính phủ tiến bộ hơn.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.