"Văn mẫu" giải trình 8 phiên tăng
Mới nhất, hôm nay (10/2) VNG đã có giải trình về việc cổ phiếu liên tục tăng trần. VNG cho rằng hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu. Giải trình này tương tự "văn mẫu" nhiều doanh nghiệp đã dùng trước đây.
Ngày 5/1, VNZ chính thức niêm yết trên UPCoM. Toàn bộ thời gian giao dịch của tháng 1, VNZ “nằm in”, không có thanh khoản, giá neo ở mức 240.000 đồng/cổ phiếu.
Tình hình bắt đầu thay đổi từ tháng 2, khi VNZ ghi nhận thanh khoản 100 - 300 cổ phiếu/ phiên. Qua 8 phiên tăng trần liên tiếp, đến nay, VNZ tăng giá gấp 3,7 lần, lên mức 893.400 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong thời gian ngắn, thị giá VNZ tăng tới 654.000 đồng/cổ phiếu.
Phiên giao dịch hôm nay (10/2), VNZ ghi nhận thanh khoản cao nhất, cũng chỉ 300 cổ phiếu, chia thành 3 lệnh. Ba lệnh này khớp ngay đầu phiên sáng, đều được đặt ở giá trần.
Qua 8 phiên tăng trần liên tiếp, đến nay, VNZ tăng giá gấp 3,7 lần. |
Thị giá kỷ lục hiện nay biến VNZ thành cổ phiếu giá cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Trước đó, vị trí này thuộc về CTCP Khoáng sản Bình Định BMC), với mức giá 847.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận vào năm 2007.
Thị giá "đắt đỏ" nhất sàn chứng khoán, nhưng P/E (giá trên thu nhập của cổ phiếu) đang âm nặng. P/E của VNZ hiện âm 33,7. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) cũng âm hơn 23.000 đồng.
Lỗ 5 quý, giá vẫn vọt tăng
Được biết, CTCP VNG (trước đây là Vinagame) thành lập từ năm 2004. Hiện, VNG là công ty Internet và công nghệ hàng đầu Việt Nam, chuyên phát hành trò chơi trực tuyến; cung cấp các sản phẩm công nghệ như dịch vụ đám mây, cổng thanh toán điện tử (ZaloPay) hay nền tảng di động Zalo...
Vốn hóa của VNG đạt 25.600 tỷ đồng, đã vượt ngưỡng tỷ đô (1,09 tỷ USD). Theo đà leo giá của VNZ, tài sản của các cổ đông cũng tăng vọt hàng nghìn tỷ đồng.
Tài sản của ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập VNG hiện đã tăng gấp 3,7 lần, lọt nhóm nghìn tỷ trên sàn chứng khoán. Với việc sở hữu 3,53 triệu cổ phiếu (tương ứng 12,3 cổ phần đang lưu hành), tài sản cổ phiếu của ông Minh đạt trên 3.100 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với thời điểm trước ngày 1/2.
Tài sản của VNG Limited, cổ đông ngoại duy nhất của VNG (sở hữu 61,12% cổ phần) cũng tăng vọt, lên hơn 15.600 tỷ đồng.
Chuỗi tăng giá ấn tượng của VNZ diễn ra trong bối cảnh VNG vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 không mấy tích cực. Quý 4/2022, VNG lỗ thêm hơn 547 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021 (267 tỷ đồng). Đây là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của VNG. Lũy kế cả năm, VNG lỗ sau thuế hơn 1.315 tỷ đồng, tăng gần 19 lần so với số lỗ tính tới năm ngoái (71 tỷ đồng).
Theo giải trình của VNG, nguyên nhân lỗ sau thuế tăng mạnh do công ty thúc đẩy quảng cáo sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, đầu tư mở rộng và phát triển các thị trường mới. Ngoài ra, chi phí khác tăng cao do ghi nhận lỗ từ thanh lý tài sản (máy chủ, linh kiện, phụ tùng, thiết bị công nghệ thông tin), loại bỏ một số sản phẩm trò chơi không đạt kết quả hoạt động như kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VNG đạt hơn 9.092 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 3.079 tỷ đồng là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm 1/3 tổng tài sản. So với đầu năm, khoản này giảm 2.000 tỷ đồng.
VNG tăng đầu tư vào các công ty liên kết, đơn vị khác, từ gần 400 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.484 tỷ đồng vào cuối năm. Đáng chú ý, chỉ duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là có lãi trong năm, còn lại các công ty Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Beijing Youtu, Telio, Funding Asia đều thua lỗ.
Trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của VNG cũng tăng mạnh, cuối kỳ là gần 2.720 tỷ đồng, tăng 1.180 tỷ đồng so với đầu năm.
Khoản trích lập dự phòng của VNG tăng mạnh. |