Bất ổn tại Trường ĐH Mỹ thuật, trách nhiệm thuộc về ai?

Bất ổn tại Trường ĐH Mỹ thuật, trách nhiệm thuộc về ai?
TP - Không miễn giảm học phí cho sinh viên, trong khi sinh viên là con em cán bộ, giảng viên được miễn giảm 100%; tài sản công đem bán không theo thủ tục thanh lý... là những vấn đề đang tồn tại khiến nhiều cán bộ giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM bức xúc.

Nhiều khuất tất

Tháng 12 - 2010, chiếc máy in tại xưởng in của trường “không cánh mà bay”, Ban giám hiệu và Đảng ủy đều không rõ nguyên do. Tuy nhiên, khi Ban giám hiệu kiểm kê tài sản, mới biết giám đốc nhà in đã đem máy “đi gửi” (?). Từ việc này, đã làm rõ năm 2005, xưởng in đã bán một máy dao nhưng không làm thủ tục thanh lý và nộp tiền vào ngân sách.

Trước thực tế sinh viên thiếu phòng học, Bộ VH-TT&DL đã cấp ngân sách để xây thêm nhà học cho sinh viên (cải tạo sân thượng thành tầng 11 tại tòa nhà 10 tầng số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM) với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng.

Người được giao trách nhiệm thi công dự án là ông Lê Văn Đàn, Phó hiệu trưởng nhà trường đã tự ý thi công bất chấp quy định phải có giấy phép của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hệ quả dự án bị đình trệ, sinh viên không có phòng học, trường phải lãnh thêm mức phạt 35 triệu đồng về vi phạm xây dựng và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Trong năm 2009, các khoản thu như lệ phí luyện thi, thuê hội trường, thuê căng tin không được thể hiện qua sổ sách kế toán. Theo kết luận của kiểm toán năm 2009, tổng số tiền thu được của Công đoàn trường là trên 705 triệu đồng, nhưng để ngoài sổ sách.

Đáng nói hơn, sai phạm này đã được nhắc nhở từ những năm trước nhưng nhà trường vẫn tái phạm, và nhiều khoản nợ và khoản chi đến hàng tỷ đồng cũng không rõ nguồn gốc.

Nhiều cán bộ, giảng viên còn không đồng tình về việc lãnh đạo trường tự ý vận dụng chế độ ưu đãi đối với giáo viên các trường năng khiếu, nghệ thuật để chi phụ cấp ưu đãi 50% cho các cán bộ thuộc khối hành chính và các phòng chức năng. Tổng số tiền chi trả trái quy định lên đến trên 369 triệu đồng.

Không miễn giảm học phí cho sinh viên

Kết luận của kiểm toán nhà nước ngày 26-10-2010 đã chỉ rõ những vi phạm của trường ĐH Mỹ thuật TPHCM ở nhiều vấn đề. Nghiêm trọng nhất là các chế độ chính sách, miễn giảm học phí cho sinh viên đều bị nhà trường phớt lờ hoặc làm trái quy định của Chính phủ.

Nhà trường chưa bố trí kinh phí để bồi dưỡng nghề cho sinh viên học các ngành về mỹ thuật, trong khi Quyết định 82/2005 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ “mỗi sinh viên theo học các chuyên ngành mỹ thuật được hưởng mức 30% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng...”.

Tuy nhiên, nhà trường lại miễn giảm học phí cho những đối tượng trái quy định của Nhà nước. Cụ thể, năm 2009, trường đã miễn giảm 100% học phí cho 8 sinh viên là con em của cán bộ giáo viên trong trường, với số tiền lên đến 17,6 triệu đồng, miễn 30% học phí cho 3 sinh viên là con em cán bộ trong ngành, số tiền 1,98 triệu đồng.

Năm 2009, nhà trường tuyển 31 học viên cao học, thu học phí vượt khung 2 triệu đồng/học viên (thu vượt 62 triệu đồng) so với quy định hiện hành. Ngoài ra, tổng số tiền thu vượt về lệ phí tuyển sinh trong năm 2009 được xác định là 73 triệu đồng.

Việc sử dụng các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước cũng có nhiều bất hợp lý. Dự án “Tăng cường trang thiết bị hỗ trợ công tác giảng dạy” (từ năm 2008 đến năm 2009) với 125 máy vi tính phục vụ đào tạo thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, 1 máy chủ, 10 máy tính xách tay, 9 máy chiếu 3M với tổng mức đầu tư gần 6,2 tỷ đồng do Bộ VH-TT&DL phê duyệt.

Tuy nhiên, trước đó năm 2006, trường đã được Nhà nước đầu tư 5 phòng máy với 122 máy tính, 5 máy chủ, máy chiếu và máy tính xách tay. Nếu tính cả 2 dự án, trường có đến 247 máy vi tính, nhưng chỉ có khoa Mỹ thuật ứng dụng là có nhu cầu, tổng số sinh viên của khoa chỉ có 153 sinh viên.

Th.S Trương Phi Đức, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM nói với PV Tiền Phong: “Tôi nhận nhiệm vụ Phó hiệu trưởng phụ trách từ tháng 3-2010. Tôi làm đúng theo những gì Kiểm toán Nhà nước kiến nghị. Có thể trước đây việc quản lý tài chính quá lỏng lẻo, nên từ khi tôi làm quản lý siết chặt mọi khoản chi và cắt giảm những khoản chi sai quy định, dễ đụng chạm đến một số người…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.