Bất ổn nguồn cung thịt heo, gia cầm
Đầu tháng 8, giá một số loại thực phẩm chăn nuôi như thịt heo, gia cầm giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong cuộc họp “Bàn các giải pháp bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi” do ngành nông nghiệp tổ chức ngày 2.8 tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Ảnh: minh họa - Internet |
Theo thống kê của cục Chăn nuôi, tổng khối lượng thịt các loại sản xuất sáu tháng đầu năm nay trên cả nước đạt khoảng 1,68 triệu tấn, trong đó có tới 99,8% sử dụng nội địa. Ông Nguyễn Thanh Sơn, cục phó cục Chăn nuôi cho rằng, với nguồn cung nêu trên, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh cuối năm 2010 và tình hình sản xuất chăn nuôi giữa các vùng miền không đều nên thời gian qua, xuất hiện sự thiếu hụt nguồn cung cục bộ, dẫn đến tình trạng giá cả tăng quá cao.
Thấy lãi không dám ham
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đồng tình rằng, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi không được kiểm soát triệt để gây rủi ro cao là nguyên nhân chính gây ra thiếu hụt nguồn cung. Trong suốt năm 2010, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng, tiêu chảy trên heo, cúm gia cầm trên gà vịt. Số đàn heo, gia cầm giảm sút nghiêm trọng. Theo thống kê đàn heo nái ở phía Bắc giảm 20%, còn tổng đàn thương phẩm trên cả nước giảm hơn 3%.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai, tình hình dịch bệnh xảy ra triền miên khiến đầu tư vào chăn nuôi thường gặp rủi ro quá cao, hậu quả là có đến 80% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ trống chuồng trại. “Sản lượng thịt của các công ty, trang trại không thể đủ cung cấp nhu cầu tiêu dùng, vì chăn nuôi ở các hộ gia đình nhỏ lẻ vốn chiếm hơn 70% sản lượng thịt”, bà Hồng nói vậy và cho rằng, giá cả tăng thời gian qua thì chỉ những công ty, trang trại lớn có đủ tiềm lực sống chung với dịch bệnh, giữ lại đàn mới được hưởng lợi.
Sự yếu kém trong quản lý dịch bệnh từ phía cơ quan chức năng còn khiến chăn nuôi bị đánh giá là ngành đầu tư có rủi ro cao nhất. Người chăn nuôi phản ảnh, thời gian qua, họ khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì bị đánh giá sử dụng đồng vốn kém hiệu quả. Ông Châu Nhật Trung, giám đốc công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, cho biết với giá bán hiện nay, thì người chăn nuôi khi bán mỗi con vịt thu về lợi nhuận khá cao, lên tới 13.000 đồng. Tuy mức lời cao nhưng ít ai dám đầu tư nuôi mới vì môi trường chăn nuôi không an toàn, giá cả bấp bênh, nguy cơ trắng tay là rất cao. “Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng, chỉ có những người nào trót đâm lao với nghề chăn nuôi mới dám làm chứ không ai đánh liều bỏ vốn ra để đầu tư nuôi mới”, ông Trung nhận xét.
Nguồn cung bất ổn
Thịt heo, gia cầm đang có xu hướng giảm giá, theo phân tích từ giới chuyên môn là do thị trường đang trùng vào tháng ăn chay (tháng 7 âm lịch), nghỉ hè nên sức mua giảm. Từ đầu tháng 9 tới, khi nhu cầu tiêu thụ trở lại bình thường, giá tăng sẽ tái diễn.
Ông Châu Nhật Trung cho rằng, tình hình tái đàn và giá thành đầu vào trong chăn nuôi trong ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Hiện nay, theo ông, người chăn nuôi đang phải mua giống gà công nghiệp hay vịt một ngày tuổi với giá quá cao, lên đến 26.000 – 27.000 đồng, giống heo cũng ở mức gấp bốn năm lần heo thịt. Như vậy thì một vài tháng tới, trong trường hợp người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư cũng không thể hy vọng sản phẩm có giá thấp.
“Lãi suất, giá thức ăn, con giống, điện, nước, lương công nhân và nhất là dịch bệnh chưa có gì là đảm bảo để người chăn nuôi đổ tiền vào chăn nuôi”, ông Chung Kim, chủ trại heo ở Bình Dương nói.
Theo Hoàng Bảy
Sài Gòn Tiếp Thị