Thọ, bạn văn chương vong niên của tôi, vừa ngập ngừng vừa đặt xuống đất một cái lồng tre hình củ hành thấp tè, trên phủ một cái chóp nón mê. Không nhìn thấy toàn thân, chỉ thấy hai cái chân con chim đỏ hồng lậm dậm dưới đáy lồng, tôi đã biết ngay đó là con cu gáy.
Ngã ba sông Bạch Hạc – Việt Trì, miền cư trú của người Việt mấy nghìn năm trước đây, vùng đất đai thanh quang khoáng đạt quê Thọ là nơi cu gáy thường về hội tụ.
Thọ là nhà giáo đã nghỉ hưu, lại là dân sành chơi chim hoạ mi từ những năm cuối thế kỷ trước ở vùng đồng bào Mông khi còn dạy học trên rẻo cao tỉnh Lao Cai cùng tôi. Và bây giờ thì nổi tiếng là dân bẫy chim, chơi chim gáy sành điệu ở miền đất cổ này.
- Con cu gáy này em nuôi nó đã bốn năm. Nó có tiếng gáy rất hay.Còn đóng vai chim mồi, dụ chim ngoài thì khỏi chê , bác ạ.
Thọ nói tiếp. Rồi khi tôi mừng rỡ gọi bà vợ và thằng cháu nội ra để khoe thì Thọ nhấc cái lồng chim lên và cởi bỏ cái chóp nón phủ trên nóc lồng để chúng tôi cùng nhìn thấy toàn bộ hình hài con chim.
Ôi, con cu gáy Thọ tặng tôi! Con chim đẹp quá! Thân mình hình củ đậu. Đuôi thắt. Chân ngắn, mập, vẩy đóng chữ nhân. Lông tướng hai bên mép trắng như cước. Mặt đỏ, vành lớn.
Hai vây cánh dầy. Và đặc biệt cổ nó đeo một chuỗi vòng cườm xin xít. Chỉ trông bề ngoài tướng mạo thần thái đã thấy nó vừa chân mộc vừa duyên dáng cao sang rồi. Nuôi nó thế nào hả, chú Thọ?
Vợ tôi nhanh nhảu. Thọ vui vẻ:
- Nó rất dễ nuôi. Thủy chung nó vẫn là loại chim đồng quê, ăn thóc ngô mùa vụ, thi thoảng chị cho nó ăn thêm ít vừng hoặc đỗ xanh nữa là đủ!
Thằng cháu tôi thò ngón tay vào khe lồng, chạm vào lưng con chim, kêu:
- Ơ sao nó không gáy, hả ông?
Thọ cúi xuống, nhân tiện ụp cái chóp nón lên nóc lồng, khe khẽ:
- Nó còn sợ đấy! Còn nó mà gáy thì hay tuyệt. Có khi nó làm cháu mải nghe mà quên cả học bài ấy chứ. Giọng của nó trầm, nên gọi là giọng thổ, một loại giọng quý hiếm. Nó lại gáy liền một lúc những bốn tiếng cơ. Nên dân chơi chim gọi nó là con giọng thổ mổ tứ.
Thế là từ nay ngoài con Tép chó nòi Tây Ban Nha, con mèo Bông lông trắng như tuyết, chúng tôi có thêm con cu gáy Việt Trì.
Yêu quý các con vật là một đặc tính tự nhiên của con người – nhất là thằng cháu nội của tôi, đứa nhỏ còn chưa vong thân, xa cách cội nguồn.
Đi học về là lập tức nó sán đến cái lồng ngắm nghía trò chuyện với con chim. Mặc dầu bà nó đã bảo không nên, nhưng nó vẫn lùng bắt cào cào châu chấu về lén lút đút vào lồng cho con cu gáy ăn. Và nó là người sốt ruột nhất trong ngóng đợi tiếng gáy của con chim.
Cuối cùng thì chính tôi cũng sốt ruột. Vì đã ba ngày qua, rồi một tuần lễ qua rồi mà con chim vẫn chưa hề cất một tiếng gáy gọi là. Tôi vội gọi điện cho Thọ.
Thọ đáp: Xem có con chó con mèo nào lảng vảng ở nơi treo lồng chim không? Tôi bảo: Được rồi, tôi sẽ nhốt con mèo Bông và xích con chó Tép lại. Thọ dặn tiếp: Vậy, chủ nhật này bác đem lồng chim ra công viên Thủ Lệ; tìm một bãi sỏi nhỏ, đặt xuống đấy cho nó nhặt ăn vài viên sỏi, để nó gần gụi với thiên nhiên.
Tôi làm theo lời Thọ dặn. Quả nhiên, năm ngày sau con chim bắt đầu cất tiếng gáy. Ôi, con chim cu đã cất tiếng gáy! Hồi hộp quá! Đó là lúc bình minh vừa hé. Tôi nhổm dậy, bảo cả nhà nằm im, thật im lặng để tận hưởng cho hết thanh sắc kỳ lạ của tiếng chim gáy trong khoảng không gian trong trẻo lặng tờ buổi sớm mai.
Cu cu cu cu… cú! Cu cu cu cu… cú! Chà, tiếng gáy của con chim cu nhà tôi! Bốn âm cu giọng trầm ấm phát ra tròn trĩnh, nuột nà, ngọt ngào, đều đặn, tới âm cuối thì vuốt dài thêm chút đỉnh để rồi bất thình lình hất lên một âm sắc cao vênh, tạo nên một chuỗi hợp âm ngân nga như tiếng chuông đồng. Chao ôi, cái tiếng gáy giọng thổ mổ tứ quý hiếm ấm ngọt, dịu hiền và sâu lắng của con chim!
Từ đó con chim cu gáy rất đều. Đặc biệt, nó gáy rất lâu vào hai buổi, lúc sáng bửng và quãng trưa xế chiều; toàn là những khi tôi vừa thức giấc, tâm trí còn đang mênh mang ở trong cõi giới mơ mòng.
Tiếng chim! Trên đời này thử hỏi còn có âm thanh nào kỳ diệu hơn tiếng chim? Nếu vậy thì cũng có thể nói, chẳng thể nào tìm đâu ra được tiếng con chim nào gù đầm ấm, hậu tình lưu dấu vào vọng tưởng sâu xa của con người như con cu gáy của tôi.
Ôi, con cu gáy giọng thổ mổ tứ của tôi! Tiếng gáy của nó là tiếng vàng tiếng bạc. Là chuỗi châu báu ngọc ngà. Là tiếng hát thiết tha của một nghệ sĩ đồng quê. Nó đưa ta về đồng ruộng, xóm thôn, mùa màng. Nó khiến ta rưng rưng một nỗi luyến nhớ xa xôi.
Ôi, tiếng gáy của con chim cu, ca sĩ tài tử trứ danh của tôi! Chính là trong những phút đang xao lòng vì tiếng chim, tôi bỗng thấy lòng mình chợt lặng đi và một ý tưởng ngờ ngợ chợt thấp thoáng hiện hình.
Con chim dâng hiến tiếng gáy của nó cho tôi hiển nhiên là nó cũng có bầu bạn, bầy đàn, bản quán quê hương và cuộc sống thân quen. Và hãy tưởng tượng xem một ngày nào đó nó phải chia lìa xa cách tất cả. Vậy thì sao tiếng nó gù lại không phải tiếng lòng xót xa luyến tiếc nhớ nhung?
Nghĩ vậy, nhưng trong tâm trạng một kẻ quen được hưởng thụ, tôi lại vội gạt ngay đi. Bởi chợt nhớ tới một tích chuyện cổ xưa. Chuyện xưa kể rằng, có hai người đang đi thì trông thấy một đàn cá tung tăng bơi lội dưới nước.
Một người nhìn đám cá, bảo: Bơi lội thế kia hẳn là đàn cá đang vui vẻ lắm! Nghe vậy, người bạn anh này mới bắt bẻ lại rằng: Anh có phải là cá đâu mà biết rằng chúng đang vui vẻ? Nói câu ấy anh chàng tưởng mình đã nắm chắc chân lý. Nào ngờ, người kia lập tức vặn lại rằng: Vậy anh cũng có phải là tôi đâu mà biết là tôi không biết nỗi vui của cá?
Chà! Vậy thì tôi có phải là con cu gáy đâu mà dám chắc rằng nó gáy hót thế là nó đang buồn rầu hay vui vẻ? Suy ngẫm từ đó mà ra, để thấy rằng phương pháp luận của chúng ta, của nhiều bộ môn khoa học, nhất hạng là các bộ môn khoa học xã hội nhân văn, về căn bản vẫn là chủ quan, rất chủ quan, đại chủ quan, chứ đâu có phải là vô tư, khách quan như vẫn tự biện hộ.
Nhưng, nói vậy cũng không phải là để phê phán. Vì phương pháp luận chủ quan thì có gì là xấu? Không có nó thì làm sao có được thiên tài, có được những sáng tác văn học, nghệ thuật kiệt xuất, bất hủ?
Tiếng hót của con chim gáy gây ấn tượng kỳ lạ với thằng cháu tôi. “Cháu không học được, ông ạ”. Cậu chàng thú nhận. Nó là thằng bé nhậy cảm. Nhiều lúc đang ngồi ở bàn học hoặc đọc sách, nghe thấy con chim gáy, nó liền đánh rơi bút, buông sách, ngẩn ngơ tâm trí cả buổi liền.
Tôi bảo cháu xuống tầng trệt học, đọc để cách trở, không nghe thấy tiếng chim hót nữa. Vẫn không được. Tiếng gáy của con chim cu vẫn dư vang, đồng vọng trong tâm trí nó. Là bởi vì, có những ngày con chim bỗng gáy nhiều, gáy dồn dập hơn lệ thường. Nhiều hôm nó phá cách, không phải chỉ hai buổi sáng, chiều mà gáy liên tục suốt ngày.
Đến mức bà vợ tôi phải kêu là sốt cả ruột và đã có lúc phải chạy lại, đập tay bồm bộp vào nóc lồng, quát nó im đi. Và bấy giờ thằng cháu tôi mới như phát hiện ra điều bí ẩn, bỗng chợt kêu: “Ông ơi, sao mình ác thế! Ai lại bắt con chim ở trong cái lồng chật quá thế! Vừa khổ cho nó mà mình thì không được trông thấy hình vóc nó thế nào, ông ạ”.
Quả thật nghe thằng cháu nói bây giờ tôi mới để ý tới cái lồng chim. Thì ra từ ngày Thọ tặng tôi con chim, con chim vẫn phải ở trong cái lồng chật hẹp ấy. Lồng đan bằng dây thép, nhang nhác hình củ hành, theo kiểu thượng thu hạ thách.
Đáy lồng tròn, nhỏ chỉ bằng cái khay nước, thót dần lên, tính ra chiều cao từ đáy lên tới đỉnh chỉ nhỉnh hơn gang tay tí chút. Đã thế nóc lồng lại phủ một mảnh ni lông và úp xụp một cái mê nón cũ. Thành ra đúng là nhìn ngang thì chỉ thấy đôi chân và cái chóp đuôi của con chim thôi.
Và như vậy thì con chim cu có giọng gáy vàng gáy bạc của tôi có khác gì một tù nhân bị giam hãm trong một xà lim chật chội, ngột ngạt. Nó chỉ có thể lậm dậm đôi bàn chân nhỏ xíu và quay ngang quay ngửa gọi là, đến một khoảng không vừa đủ để vỗ nhịp đôi cánh cho đỡ mỏi cũng còn khó nữa là nhẩy nhót, bay liệng!
*
Còn có một người đàn ông nữa thông cảm với hoàn cảnh tù túng khổ sở của con chim cu và bị tiếng gáy của nó hút hồn. Người đó là ông Tùng, một nhà sinh vật học về hưu, hàng xóm kề cận của gia đình chúng tôi.
Ông Tùng năm nay đã ngoại bảy mươi, diện mạo vóc dáng đẹp cao sang, tính tình đôn hậu, vui vẻ. Ngư, thư, thụ, điển. Cá, sách, cây, chim, ông đều thích. Nhưng thích nhất là chơi chim. Và hiểu biết của ông về chim có thể sánh với một điểu học gia. Về việc bẫy chim mi, từ cách làm lưới bằng lông đuôi ngựa, tới kiểu bẫy lồng sập, đến lối đón lõng chim ở các búi cây lúp xúp, ông đều thành thạo.
Ông bẹp môi bằm bặp giả y hệt tiếng mái xuỳ kích động con chim mi trong các cuộc tỉ thí, ông gọi cuốc bằng khẩu thuật tài tình của chính ông. Nhà ông có hàng chục loại chim và ông đã dậy con yểng, con khiếu nói được giọng người.
Ông vẫn hay sang chơi với gia đình chúng tôi. Nhờ ông, chúng tôi biết thêm nhiều điều về các giống chim. Chẳng hạn, vàng anh có tiếng hót lúc tuyệt diệu như sáo thổi, lúc rít như tiếng mèo hoang, nên còn được gọi là mèo rừng. Chim ri bé hạt tiêu đáo để lắm. Chúng ở đâu là thiết lập lãnh địa riêng bất khả xâm phạm ở đó.
Chim bá tích hương sống ở rừng Tai ga vùng Xibêri, để tích trữ lương thực cho mùa đông, mỗi con phải tha về tổ bảy mươi ngàn hạt bá tích và cất giấu rất khéo. Chim én mùa đông đi tránh rét, có đêm nó bay liền tù tì được 500 kilômét đường xa. Còn hoạ mi trống có con mái bên cạnh thì xông vào cuộc chọi với khí thế xung thiên.
Ông Tùng sang nhà tôi chơi. Ông mê liền con cu gáy Thọ cho tôi. Nghe nó gáy, ông bảo: Quả là cậu chàng này có tiếng quý hiếm thật! Cu có con gáy giọng thổ, giọng còi. Giọng thổ có thổ con tiếng gọn ghẽ, thanh thoát, thổ khàn không ngân nga, thổ đồng nghe như chuông và thổ pha, nửa khàn nửa đồng.
Ông nói, con cu gáy của chúng tôi thuộc loại thổ đồng tiếng gáy vừa ngân nga như chuông vừa rền như sấm xa. Con này đầu nhỏ mỏ đinh, mình bắp chuối, tướng mạo, hình vóc, lông vũ đều đạt chuẩn. Hai vẩy cánh dầy chịu rét tốt lắm.
Ông bảo: Người chơi chim cả đời mà không có được con chim vừa ý đâu. Chim quý có khi đem cả con trâu đến đổi cũng chẳng được. Còn ở bên châu Âu có tập quán rất lạ là khi nghe tiếng con cu gáy trầm bổng, người ta vội tìm lấy đồng bạc nắm chặt nó vào lòng bàn tay, như vậy cả năm ấy sẽ gặp điều may mắn.
Rồi thông cảm với cảnh ăn ở chật chội của con cu gáy giọng thổ mổ tứ của chúng tôi, ông Tùng vác sang nhà tôi một cái lồng hình quả hồng, to như cái chuông chùa, nan vót kỹ, quang dầu bóng nhoáng.
- Cái lồng này này nguyên là của con vẹt tôi nuôi - Ông Tùng nói – nhưng tôi thả nó đi rồi! Vẹt là loài chim cổ đại, sống dai và thích nghi rất giỏi với các điều kiện sống. Nó là loài chim thông minh, nhậy cảm! Nhưng cái đáng ghét nhất của nó cũng lại là ở chỗ đó!
Đầu năm, tôi ở cạnh nhà bán lòng lợn tiết canh, nó toàn bắt chước tiếng con lợn rít khi bị chọc tiết. Vừa rồi, cạnh nhà tôi ông láng giềng đem con bécgiê về. Thế là nó lại giả giọng con này, suốt ngày hót ông ổng như tiếng chó sủa.
Giá mà biết được bác Khang nuôi con cu gáy này thì tôi chả thả nó đi làm gì, để nó bắt chuớc tiếng cu gáy thì phải biết. Nhưng mà thôi, ta cho con cu gáy chuyển sang cái lồng rộng này đi, cho cậu chàng bay nhảy hót gáy thoải mái.
Chúng tôi thận trọng mở cửa cái lồng cũ, rồi đưa con cu gáy sang cái lồng mới. Đóng cửa lồng mới xong, ông Tùng cười vui: Nào bây giờ mỗi người tìm một đồng bạc chuẩn bị nghe nó hót rồi nắm lại xem có đúng như dân châu Âu nói không?
*
Cái lồng chim mới được mắc vào cái cành khế thấp nhất ở ngoài sân. Đồng bạc 5.000 đồng đặt vào lòng bàn tay. Và tất cả chúng tôi, kể cả ông Tùng điểu học gia, đều dán mắt vào con cu gáy trong lồng. Bây giờ thì chúng tôi tha hồ thoả thuê ngắm nó. Bây giờ thì chú chim cũng tha hồ mà sởn sơ thoải mái.
Chú đi đi lại lại dưới đáy lồng. Chú nhẩy lên cái cắng bắc ngang lồng. Chú vỗ hai vẩy cánh phàm phạp. Chú rung cái đuôi bó thắt. Chú mổ choanh choách từng hạt đỗ trong cái ang sành. Chú rúc mỏ vào trong lồng cánh rỉa ráy từng hồi dài.
Chú ngúc ngoắc cái cổ đầy cườm, nghé nghiêng bốn phía rồi ngước lên cao, nhìn qua nan lồng, nơi trời xuân tươi mởn tràn trề một sắc xanh lam. Và chỉ thế thôi, trong khi chúng tôi đợi chờ. Chúng tôi đã đợi chờ! Đợi chờ đến nóng cả hai con mắt!
Chỉ thế thôi, nghĩa là chú không hót không gáy. Chú im phắc trong khi vẫn động đậy thân mình. Chú như kẻ bị triệt khẩu! Chú phớt lờ mong mỏi chờ đợi của chúng tôi. Chú trở thành một chú chim câm!
Sao chú lại trở thành chú chim câm nhanh thế?
Thế nào mà vừa mới chuyển từ cái lồng chật hẹp sang chiếc lồng cao rộng thoáng đãng, chú chim gáy ca sĩ giọng thổ mổ tứ của tôi lại biến thành một chú chim câm? Chú đã biến thành một chú chim câm thật rồi, mặc thằng cháu tôi vừa đập tay vào nan lồng vừa xuỳ xuỳ thúc giục vừa nịnh nọt khẩn cầu: Hót đi chim ơi. Hót đi chim ơi! Đưa mắt sang ông Tùng cầu cứu, tôi nhận ra mặt ông đang ở vào trạng thái sững sờ bất khả tri.
- Thọ ơi! Cứu nguy khẩn cấp! Cứu nguy khẩn cấp! Con cu gáy giọng thổ mổ tứ không biết gáy nữa rồi!
Hết cách, tôi vội gọi điện cho Thọ. Và kỳ lạ chưa, vừa nghe tôi nói việc chuyển đổi lồng cho con chim cu, Thọ đã bật cười rổn rảng:
- Thế thì rõ rồi. Nghệ sĩ một khi được sống nơi nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng hơn đồng loại thì còn gì là cảm hứng sáng tạo nữa.
- Thế là thế nào?
Tôi hoang mang giật giọng hỏi Thọ. Thọ hạ giọng:
- Thử vận dụng một tí vào nghề văn của bác xem có ổn hay không thôi. Còn với loài chim này thì em giải thích như sau để bác nghe xem có thủng không nhé! Với con cu gáy khác thì có thể không phải thế. Nhưng với con giọng thổ mổ tứ em nuôi này là phải vậy đấy.
Bác có thấy cái lồng em nhốt nó không? Chật hẹp, ụp sụp, tối tăm. Nghĩa là ta phải chủ động tạo ra một hoàn cảnh sống, một nơi ăn chốn ở luôn luôn gây cho nó cảm giác bí bức, khổ sở. Và chính là vì hoàn cảnh ấy mà nỗi nhớ trời xanh tự do, nhớ bầy, nhớ bạn, nhớ ruộng đồng của nó mới càng trở nên bức xúc và thế là một khi đã phẫn thì phải phát, nghĩa là nó bó buộc phải cất thành tiếng, thành lời, thành giọng ca!
Tôi chưng hửng và ngất ngư cả người. Lại chợt nhớ tới tích chuyện hai người bạn và đàn cá đã nói ở trên. Vậy thì Thọ đã thật sự là chim rồi nên mới hiểu chim đến tận đáy lòng như thế!
Và như thế có thể tin chắc rằng những âm thanh nuột nà vàng ngọc của con cu gáy đã từng làm mê mẩn hồn ta, chỉ là kết quả của một cuộc đoạ đầy, hành xác con chim của con người, chỉ đơn thuần là tiếng lòng thổn thức của một kẻ bị giam hãm tù đầy, bị ly cách khỏi đồng loại thôi!
Đó tuyệt đối không phải là tiếng hót tự nhiên của con chim được bay nhẩy dưới trời xanh, trên đồng ruộng, đó không phải là tiếng ca cất lên từ cuộc sống tự do vui vẻ với bầy đàn. Ôi, một tiếng chim mà thăm thẳm nỗi đời!
Thằng cháu tôi xem ra còn chưng hửng hơn tôi. Cu cậu vừa cụt hứng vừa bẽ bàng thế nào. Nó là đứa bé đa cảm. Và thế là một sớm mùa xuân tinh mơ, nó đánh thức tôi: “Ông ơi, ông dậy cháu bảo cái này”. Tôi chống tay ngồi dậy, đi ra sân. Cái lồng chim giống cái chuông treo trên cành khế còn đó, nhưng cửa lồng đã mở toang và lòng lồng rỗng không!
- Cháu thả con cu gáy rồi ông ạ!
Thằng cháu tôi nói, mắt rưng rưng lệ. Thì ra là thế cái tiếng nói nơi đầu nguồn nhân cách trong trẻo của thằng cháu tôi. Nó đã hiểu đã ngộ ra một điều hệ trọng bằng trực cảm hồn nhiên của tuổi thiếu niên vô tư. Nó không cầm lòng được khi thấy con chim gáy phải sống trong tình cảnh ngục tù.
Sự sung sướng, vui vẻ của ta rất không nên có trên nỗi đau tủi của kẻ khác. Ta là con người và hơn tất cả mọi sinh thể, ta có năng lực và tấm lòng rộng mở tới vô cùng. Và do vậy, từ đây ta đâu còn có thể vô tư lự hưởng thụ tiếng hót của con cu gáy.
Là bởi vì, từ đây, tiếng hót của con cu gáy giọng thổ mổ tứ với ta chỉ còn là tiếng khóc than ai oán của một số phận đơn côi trong ngục thất, chịu án cách ly với đồng loại mà thôi! Ta không thể ỷ vào bất cứ một mục đích nào để biện hộ cho một hành vi trói buộc vô nhân tính được!
- Ông à, ông có giận cháu không?
Thằng cháu tôi bước lại bên tôi, thỏ thẻ hỏi. Tôi khe khẽ lắc đầu. Rồi ông cháu tôi cùng ngước lên bầu trời. Trời xuân bát ngát một màu xanh lam. Đó là nơi bay lượn của muôn loài chim, những ca sĩ có cánh, có tiếng hót kỳ diệu không sinh vật nào sánh nổi!