Bất lực trước báo cáo “dắt mũi” thị trường bất động sản?

Nhiều số liệu làm loạn thị trường BĐS, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý. ẢNh: Như Ý.
Nhiều số liệu làm loạn thị trường BĐS, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý. ẢNh: Như Ý.
TP - Trong khi Bộ Xây dựng vẫn đang xây dựng hệ thống thông tin bất động sản (BĐS) thì các doanh nghiệp đua nhau tung các báo cáo “nghiên cứu thị trường” thiếu kiểm chứng. Những số liệu vênh nhau, thông tin mang tính chất thổi giá đang làm loạn thị trường, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Quan trọng nhưng vẫn chờ

Sau nhiều năm “thai nghén” nhưng đến nay, hệ thống thông tin về thị trường BĐS trên cả nước do Bộ Xây dựng chủ trì vẫn chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Xây dựng gửi công văn cho các địa phương về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Đây là động thái mới nhất của cơ quan chủ quản về việc xây dựng hệ thống thông tin này thay cho những báo cáo chưa được kiểm chứng trên thị trường hiện nay.

Theo Bộ Xây dựng, cơ quan này đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm kết nối đến sở xây dựng các địa phương phục vụ quản lý, vận hành khai thác hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Cụ thể, các địa phương phải bố trí ngân sách hằng năm cho việc: Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; thu thập, cập nhật, bổ sung các thông tin, dữ liệu; tính toán, công bố các chỉ tiêu thống kê tại địa phương; Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS địa phương.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đôn đốc sở xây dựng các tỉnh khẩn trương thực hiện:  Lập kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và bố trí cán bộ phù hợp để sẵn sàng thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS tại địa phương. Công bố trên cổng thông tin điện tử của sở xây dựng các thông tin: Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhà ở và thị trường BĐS do địa phương ban hành theo thẩm quyền; Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; Các dự án nhà ở đang thực hiện đầu tư xây dựng; Các sàn giao dịch BĐS tại địa phương. 

Tại cuộc họp báo quý II/2017 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho rằng, hệ thống thông tin thị trường BĐS rất quan trọng. Cơ quan Nhà nước dựa vào hệ thống thông tin để đánh giá, còn doanh nghiệp cần để giao dịch, mua bán. Bộ Xây dựng hằng tháng đều có báo cáo cho bộ trưởng từ nguồn địa phương gửi về. Theo ông Ninh, hiện pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin, vấn đề người sử dụng thông tin phải biết chọn lọc, vì có những báo cáo không giống nhau và chưa chuẩn xác.

Ông Ninh cho biết thêm, để xác định vai trò thông tin, Chính phủ ban hành Nghị định 117 (2015) về hệ thống quản lý thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Theo đó, thông tin phải chính thống; xã, phường, quận, huyện phải liên thông với nhau, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Bộ Xây dựng phải tiến hành đầu tư hệ thống hạ tầng khá tốn kém khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, cần khảo sát, đấu thầu, thi công, đào tạo cán bộ nhân viên… Cần 1-2 năm nữa mới có thể bước đầu thực hiện được vấn đề này. 

Mỗi tháng có 10 báo cáo

Hiện mỗi tháng có đến gần 10 báo cáo thị trường BĐS được tung ra trên các phương tiện truyền thông. Nhiều báo cáo được các báo chính thống dẫn lại, trong đó có các báo cáo của các công ty đa quốc gia như CBRE, Savills, John Lang Lasalle Vietnam (JLL)… Thậm chí, các đơn vị này còn công khai tổ chức họp báo hàng quý công bố thông tin chính thống cho báo chí. Tuy nhiên, lọc lại báo cáo thị trường đầy đủ nhất của các công ty này trong thời gian gần đây, có nhiều điểm vênh đáng kể.

Cụ thể, Báo cáo thị trường BĐS Hà Nội quý 3/2017 của CBRE cho biết, thị trường ghi nhận bán được tổng cộng 5.440 căn. Số căn bán được đa số đều của các dự án mới ở vị trí thuận tiện, được đầu tư bài bản về thiết kế, hạ tầng tiện ích, chất lượng sản phẩm cũng như chính sách bán hàng hấp dẫn. Trong khi đó, theo nghiên cứu của JLL, cùng thời điểm, lượng mở bán tại thị trường căn hộ Hà Nội có 6.000 căn hộ được chào bán. Chỉ riêng lượng căn hộ mở bán tại thị trường Hà Nội, 2 đơn vị này đã vênh nhau đến hàng trăm căn hộ. 

Cũng trong tháng 10, khi các đơn vị đã họp báo công bố thị trường quý 3/2017, Savills Việt Nam lại nhanh nhảu gửi báo chí bản công bố báo cáo mới nhất về thị trường căn hộ Việt Nam với chủ đề “Làn sóng lớn” trước khi họp báo. Savills dùng những ngôn từ đánh giá quá lạc quan, như: “Giá nhà tại Việt Nam đang cao gấp 25 lần so với thu nhập trung bình của người dân. Điều này mở “cửa sáng” cho phân khúc căn hộ vừa túi tiền, dưới 900 USD/m2 là rất lớn, bởi nó sát với khả năng chi trả của người dân”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, các báo cáo thị trường của các doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích kinh doanh trực tiếp của họ. “Trong các báo cáo của họ đều ghi không chịu trách nhiệm về những con số (trong báo cáo) và không chịu trách nhiệm nếu có hậu quả xảy ra. Trừ khi các công ty này thoát khỏi lăng kính kinh doanh môi giới của mình thì mới có sự trung thực trong nghiên cứu. Bộ Xây dựng phải chủ trì xây dựng hệ thống thông tin thị trường, mọi giao dịch, thế chấp dự án phải được cập nhật một cách tự động liên tục và không bị can thiệp thay đổi con số. Có như vậy thị trường mới thật sự minh bạch, doanh nghiệp mới có thông tin phát triển đúng hướng”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện pháp luật không cấm doanh nghiệp trao đổi thông tin. Vấn đề là người sử dụng thông tin phải biết chọn lọc, vì có những báo cáo không giống nhau và chưa chuẩn xác.

MỚI - NÓNG