Quanh khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Từ Liêm gần một năm trở lại đây xuất hiện khá nhiều những sân bóng đá được “chuyển đổi” từ những khu đất vốn thuộc các dự án bất động sản. Thị trường ảm đảm, nhiều nhà đầu tư rời bỏ thị trường khiến chủ các dự án này không còn đủ năng lực tài chính triển khai dự án, đành cho thuê làm sân bóng để đỡ lãng phí.
Một số dự án khác, do vị trí không gần trung tâm, không thể cho thuê làm sân bóng thì xoay sang làm dịch vụ nhỏ lẻ hoặc bỏ không cho cây cỏ “tung hoành”. Dự án khu nhà ở, bãi đỗ xe, cây xanh của Doanh nghiệp tư nhân thương mại dịch vụ Vĩ Yến tại khu hồ Miễu (tổ 26, phường Thượng Thanh - quận Long Biên) là một ví dụ.
Tại quyết định giao đất (từ cuối tháng 4-2010), UBND TP Hà Nội đã nêu rõ, sau 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao đất mà doanh nghiệp Vĩ Yến không sử dụng hoặc tiến độ sử dụng chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì UBND TP sẽ quyết định thu hồi đất đã giao theo quy định. Song, tới nay, đã quá 24 tháng kể từ ngày có quyết định giao đất, dự án này vẫn chưa thấy động tĩnh gì đáng kể.
Đi một vòng quanh khu đất rộng hơn 51.718m2, PV chưa thấy dấu hiệu gì của một dự án xây dựng nhà ở. Đa phần diện tích khu đất vẫn được che phủ bởi cây, cỏ dại. Một góc nhỏ được bố trí làm xưởng gỗ dán và xưởng cơ khí. Góc khác đổ cát, phế thải xây dựng tràn lan. Thậm chí, hàng rào và biển báo quy hoạch của dự án tới nay cũng chưa có.
Trao đổi với PV về dự án trên, ông Hoàng Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cho biết, dự án này đã GPMB, bàn giao đất xong từ năm 2010. Ông Hoàng Văn Lực nói: “Từ khi có quyết định giao đất của thành phố, còn bao nhiêu khâu tiếp theo. Người ta phải lo cả đống thủ tục ở Sở NN&PTNT, Cục Đê điều... phải có thời gian mới xong được. Chúng tôi cũng đã yêu cầu họ cắm biển quy hoạch chi tiết dự án để người dân biết nhưng tới nay chưa thấy làm... Hiện nay, san lấp còn chưa xong”.
Chính quyền cơ sở khó can thiệp?
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm chính quyền địa phương khi dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí, ông Hoàng Văn Lực phân bua: “Quyết định giao đất là của thành phố. Dự án cũng không phải do phường làm chủ đầu tư. Chúng tôi đã GPMB xong và bàn giao đất sạch cho họ. Trách nhiệm như thế là xong. Phường chỉ phối hợp hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan tới dân chứ không thể “chen chân” vào đôn đốc dự án. Đây là việc khó cho phường”.
Ông Hoàng Văn Lực nói thêm, doanh nghiệp cũng sát sao nhưng chỉ một thủ tục cũng mất vài tháng. “Nếu có vướng mắc làm dự án chậm thì chủ đầu tư phải báo cáo chứ phường không biết được. Không riêng dự án này đâu, phường này còn dự án có quyết định thu hồi đất từ gần 10 năm nay, từ khi Thượng Thanh còn là xã thuộc huyện Gia Lâm, tới nay vẫn chưa xong vì mắc GPMB” - ông Lực nói.
Đó là theo lời cán bộ cơ sở, còn hành lang pháp luật đã đề cập rất rõ hướng xử lý các dự án bị chậm tiến độ. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN-MT) ông Đào Trung Chính, về xử lý dự án treo, theo khoản 12, Điều 38 - Luật Đất đai, Nhà nước sẽ thu hồi đất trong các trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
Đầu tháng 5-2012, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở TN-MT và các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan tiếp tục kiểm tra, kết luận, xử lý, khắc phục các dự án “treo”, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Trong đó, TP lưu ý trọng tâm là các dự án “treo”. Kết quả kiểm tra phải báo cáo UBND TP trước ngày 30-6. Đây cũng là vấn đề đang được dư luận nhân dân quan tâm. Liên tục các kỳ họp HĐND TP gần đây, vấn đề xử lý dự án “treo” ở Hà Nội đều được đưa ra “mổ xẻ”. Tuy nhiên, với sự “xuống dốc” của thị trường bất động sản, số dự án “treo” lại đang có dấu hiệu tăng lên đáng kể.
Theo Thành Nam
An ninh Thủ đô