Bất cập trong việc cấp tiền miễn giảm học phí

Bất cập trong việc cấp tiền miễn giảm học phí
Hàng ngàn sinh viên (SV) các trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) thuộc diện chính sách vẫn chưa nhận được tiền miễn giảm học phí (HP) do cách tính giữa địa phương và trường khác nhau.

Bất cập trong việc cấp tiền miễn giảm học phí

> Mỏi mòn chờ miễn, giảm học phí

Hàng ngàn sinh viên (SV) các trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) thuộc diện chính sách vẫn chưa nhận được tiền miễn giảm học phí (HP) do cách tính giữa địa phương và trường khác nhau.

SV diện chính sách có thể vay vốn tạm thời để đóng HP. Trong ảnh: SV trường ĐH Sài Gòn làm thủ tục vay vốn đầu năm học. Ảnh: Đ.N.T
SV diện chính sách có thể vay vốn tạm thời để đóng HP. Trong ảnh: SV trường ĐH Sài Gòn làm thủ tục vay vốn đầu năm học. Ảnh: Đ.N.T.

Địa phương: trường thu vượt trần

Mặc dù đã hoàn tất thủ tục đề nghị cấp HP tại địa phương từ cuối tháng 12-2010 nhưng đến nay N.Bình - SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vẫn chưa nhận được tiền với lý do mức HP trường thu vượt quá mức trần cho phép của Nghị định 49.

Bình cho biết: “HP học kỳ một của em là 2.350.000 đồng, trong khi đó, theo quy định của Nghị định 49, mức trần HP trình độ ĐH áp dụng cho năm học 2010-2011 nhóm ngành Khoa học xã hội là 290.000 đồng/tháng. Mỗi học kỳ tính năm tháng thì số tiền địa phương chi trả HP là 1.450.000 đồng/học kỳ, chênh 900.000 đồng nên phòng LĐ-TB&XH không giải quyết”.

Nhiều địa phương đang áp dụng mức trần HP tính từng tháng theo thông tư hướng dẫn, trong khi biên lai học phí một học kỳ của các sinh viên, nếu chia theo tháng, sẽ vượt khung nên địa phương rất lúng túng trong việc chi trả.

Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: “Hiện, một số trường công lập thu HP cao hơn mức trần quy định tại Nghị định 49 nên chúng tôi không biết cấp tiền hỗ trợ miễn giảm HP áp dụng theo mức nào: theo biên lai HP hay theo mức trần từng năm quy định.

Ngoài ra, cách tính HP theo tín chỉ khiến chúng tôi không thể xác định được một học kỳ các em học bao nhiêu tín chỉ, mỗi tín chỉ trường thu bao nhiêu tiền. Biên lai HP cũng như trong phần xác nhận của các trường chỉ ghi chung chung số tiền đã đóng”.

Cũng theo ông Hiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính, đề nghị hướng dẫn cụ thể vấn đề trên để giải quyết chế độ cho sinh viên, nhưng gần một tháng nay chưa nhận được trả lời.

Ông Nguyễn Tường Vân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cho hay: “Chúng tôi đã nhận hàng ngàn hồ sơ kèm với biên lai HP nhưng chỉ biết cập nhật do không biết phải chi trả thế nào".

"Ở phần xác nhận của trường, thay vì phải ghi rõ mức HP hằng tháng, các trường lại ghi tổng số tiền. Đối với các SV học tín chỉ cũng vậy, chỉ ghi tổng số tiền mà không ghi rõ tổng HP toàn khóa và số tín chỉ của một học kỳ. Ngành học chỉ ghi mã ngành mà không ghi rõ tên ngành nên rất khó cho những người không làm ở ngành giáo dục như chúng tôi” - ông Vân nói.

Trường: thực hiện đúng quy định

Trong khi các địa phương còn chờ liên Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn mức HP phải chi như thế nào thì nhiều trường ĐH công lập lại khẳng định mức HP đã thu không hề vượt trần.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, giải thích: “HP tín chỉ là HP toàn khóa (bốn năm học) chia cho tổng số tín chỉ toàn khóa. Trường chúng tôi quy định một khóa mỗi sinh viên phải đạt 140 tín chỉ. Một sinh viên có thể học nhiều tín chỉ ở học kỳ này nhưng học kỳ khác học ít hơn, vì thế HP sẽ thay đổi. Không thể tính cứng nhắc mức thu trần của năm 2010-2011 là 2.900.000 đồng rồi chia đôi cho 2 học kỳ được”.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, giải quyết chế độ chính sách, các địa phương phải có sổ theo dõi số tiền chi HP, nếu cộng lại bốn năm học thì sẽ thấy rằng không thể vượt trần được.

Ông Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Nếu chia theo tổng số tín chỉ và tổng số HP theo mức trần quy định thì trường chúng tôi không thu vượt trần. Theo tôi, các địa phương cứ áp dụng theo mức trần của Nghị định 49 theo từng năm học để chi là tiện nhất cho sinh viên.

Biên lai HP là điều kiện cần chứ không phải tiên quyết. Trường chúng tôi không bắt buộc SV phải đóng HP đúng hạn nếu các em có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nếu đã có giấy xác nhận của trường ghi rõ ngành học, năm học thì địa phương chi theo mức trần quy định của ngành học đó, năm học đó và chi đúng thời hạn thì SV có thể đóng HP sau cũng được”.

Hiện một số trường công lập thu HP cao hơn mức trần quy định tại Nghị định 49 nên chúng tôi không biết cấp tiền hỗ trợ miễn giảm HP áp dụng theo mức nào - Ông Nguyễn Thành Hiệp Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Nếu chia theo tổng số tín chỉ và tổng số HP theo mức trần quy định thì trường chúng tôi không thu vượt trần - Ông Nguyễn Anh Đức Trưởng phòng Công tác HS-SV, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Vay tiền đóng HP ở đâu?

Ông Trần Văn Tiên - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM, cho biết: “bốn nhóm đối tượng học sinh, sinh viên được vay tín dụng học tập là học sinh, sinh viên nghèo, mồ côi, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh tật hoặc tai nạn.

Do vậy, nếu các em thuộc một trong bốn nhóm đối tượng trên chỉ cần làm đơn xin vay có xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú và của nhà trường, sau đó liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương nơi cư trú để có thể được vay tiền tạm thời đóng HP”.

Theo Phi Loan
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG