Thẻ tín dụng được bảo mật như thế nào?
Hiện nay, nhằm bảo vệ quyền lợi, phòng tránh những rủi ro cho khách hàng trong việc sử dụng thẻ tín dụng, hầu hết các ngân hàng đều đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng những phương pháp bảo mật tiên tiến mang đến sự an tâm tuyệt đối cho khách hàng. Tiêu biểu, là công nghệ thẻ Chip EMV - loại Chip điện tử với bộ xử lý như một máy tính công nghệ cao, có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật tuyệt đối.
Điển hình, sản phẩm thẻ quốc tế Nam A Bank được xây dựng trên nền tảng công nghệ chip EMV với độ an toàn bảo mật cao, cùng với tiện ích xác thực giao dịch thẻ trực tuyến 3D Secure giúp tối đa hóa bảo mật cho chủ thẻ Nam A Bank Mastercard khi giao dịch trực tuyến. Trong quá trình giao dịch, chủ thẻ được yêu cầu nhập Mật khẩu OTP do Nam A Bank cung cấp qua SMS/ Email đăng ký của khách hàng để hoàn tất bước thanh toán sau khi nhập các thông tin thẻ cơ bản. Nếu nhập không chính xác hoặc đóng cửa sổ này, giao dịch thanh toán sẽ mặc nhiên không thành công.
Khách hàng nên làm gì để bảo vệ thẻ tín dụng của mình?
Bên cạnh việc áp dụng những công nghệ bảo mật hiện đại, tiên tiến, các Ngân hàng còn thường xuyên thông tin đến khách hàng những lưu ý, giải pháp trong quá trình sử dụng thẻ để phòng tránh rủi ro. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là khách hàng cần giữ thẻ cẩn thận như giữ tiền trong túi, luôn mang theo thẻ và không bao giờ đưa thẻ cho người khác sử dụng, hoặc chia sẻ thông tin về thẻ như số thẻ, ngày hết hạn, số PIN, số CVV (ba chữ số ở mặt sau thẻ), mã OTP.
Khách hàng không nên đưa thẻ cho nhân viên tùy tiện mang đi “cà” nơi khác, vì như vậy chủ thẻ không giám sát được quá trình thanh toán nên có thể thông tin về số thẻ, ngày hết hạn, mã số bí mật phía sau thẻ bị lộ mà không biết
Khi thanh toán online, ngoài các trang uy tín có độ an toàn cao, khách hàng không nên truy cập các trang thương mại điện tử lạ, cần kiểm tra xem trang web đó có phải là trang web được bảo mật hay không. Dấu hiệu để nhận biết một trang web được bảo mật chính là địa chỉ URL trên thanh địa chỉ của trình duyệt được bắt đầu bởi cụm https:// và có một biểu tượng ổ khóa trên thanh địa chỉ. Một số trang web mua hàng có thêm các tính năng như “Verified by VISA” hay “Mastercard SecureCode”, đây là biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ cho chủ thẻ.
Nghi ngờ thẻ tín dụng bị “hack”, phải làm gì?
Đối với các chủ thẻ Nam A Bank, nếu nhận được tin nhắn thông báo trừ tiền qua điện thoại di động hoặc Email khi không thực hiện giao dịch hãy liên hệ ngay Hotline 1900 6679 để yêu cầu khóa thẻ và cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch lạ đó: thời gian, địa điểm, số tiền, tên người bán,… hoặc chủ động khóa thẻ trên ứng dụng Nam A Bank Mobile Banking. Sau đó, khách hàng cần đến Chi nhánh/ Phòng giao dịch Nam A Bank gần nhất làm các thủ tục để Ngân hàng tiến hành tra soát, xử lý.
Song song đó, Nam A Bank cũng chủ động liên hệ với khách hàng để xác nhận nếu Chủ thẻ có phát sinh các giao dịch thanh toán online từ 5 triệu đồng trở lên, các giao dịch lớn hơn 50% hạn mức tín dụng. Ngoài ra, khi phát hiện các giao dịch lạ từ tài khoản của khách hàng, Nam A Bank sẽ lập tức liên hệ với Chủ thẻ để khóa thẻ nhằm đảm bảo an toàn, tránh phát sinh các giao dịch lạ tiếp theo.
Trong trường hợp phát hiện giao dịch lạ trong tài khoản, khách hàng phải lập tức thông báo với ngân hàng để được khóa thẻ và hỗ trợ
Có thể nói, thẻ tín dụng đã trở thành công cụ tiện ích của người tiêu dùng thông minh. Cùng với nhu cầu sử dụng thẻ ngày càng gia tăng sẽ luôn tồn tại những rủi ro, do đó, các chủ thẻ tín dụng cần lưu ý những thông tin bảo mật trên cũng như không nên “lơ là” chiếc thẻ tín dụng của mình để vô hình tạo ra kẽ hở dẫn đến thông tin tài khoản bị đánh cắp. Và đặc biệt, luôn nhớ khi xảy ra sự cố phải thật bình tĩnh liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ xử lý.