Bạo lực gia đình: Những ám ảnh từ tình thân

TP - Ngày càng nhiều phụ nữ nhận ra mình là nạn nhân của bạo lực. Nhưng rất ít người dám sẻ chia, lên tiếng. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng bạo lực gia đình gia tăng.
Bạo lực khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Tham dự triển lãm “Sẻ chia”; “Người đàn ông tôi yêu” tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện éo le ghi nhận được nhiều thông điệp mà nhà tổ chức muốn chuyển tới bạn trẻ.

Ám ảnh từ tình thân!

Một phụ nữ 48 tuổi tại Hà Nội, đau đớn, tủi nhục sau nhiều lần cùng con trai thoát chết dưới những trận đòn roi tàn bạo của chồng. Chị kể, khi biết mình bị bệnh tim, chồng không quan tâm mà còn chửi rủa là bệnh do bố mẹ chị đẻ ra và nhất định không ký vào đơn để chị phẫu thuật tim. Sau khi mổ, chồng không một lần thăm nom, chăm sóc chị. “Anh ta đánh tôi ghê lắm, còn vác dao đuổi cả thằng lớn vì dám bênh tôi”, chị nói.

Y.H 21 tuổi ở Hải Phòng luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh của cha mẹ mình. Cha mẹ đã gây lên nỗi bất hạnh cho cô: “Họ chỉ là không thể vứt bỏ cháu như vứt bỏ con mèo ốm mà thôi. Có lẽ cháu chết đi thì mọi người sẽ hạnh phúc”, chia sẻ tại triển lãm.  Tuổi thơ H. luôn ám ảnh đáng sợ với hình ảnh người cha nhúng chiếc áo đồng phục trắng của H. vào phân rồi bắt cô mặc đến trường. Giờ đây, trưởng thành H. vẫn không thể quên và sợ hãi với chính người cô gọi bằng cha mẹ. “Cháu khiếp sợ bố và cảm giác lại ập về mỗi khi có gì đó gợi nhớ đến ông ấy”.

Bà Đ.T.G 69 tuổi ở Hà Nội than thở sau những tháng ngày sống cùng con dâu: “Chị ấy tát tôi rất đau, ba ngày sau vẫn còn rớm máu. Tôi không dám nói với bất kỳ ai. Đến khi không thể chịu đựng được, tôi uống thuốc ngủ tự tử và nằm đó hơn hai ngày. Sau đó tôi nghe kể lại, anh chị ấy không đưa tôi đi viện mà kệ tôi nằm đấy”.

N.B.L, cô gái 23 tuổi tại Hà Nội may mắn trở về Việt Nam sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc kể lại: “Nhà tôi ở ngoại thành, vì sinh 7 chị em gái nên mẹ tôi hằng ngày bị bố tôi và bà nội chửi mắng, đánh đập. Mẹ tôi định từ bỏ cuộc sống nhưng thương con, mẹ đành gắng gượng. Tôi cố học để thoát cảnh đó và đã thi đỗ trường cao đẳng ở Hà Nội. Tôi nói với bố mẹ sẽ vừa học vừa làm thêm nên được đồng ý. Vì quá nóng vội để tìm được công việc kiếm được nhiều tiền nên tôi bị bạn lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm”.

Theo thống kê của các bệnh viện, trung tâm phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện; hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Theo Báo cáo nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam, 58%  phụ nữ Việt Nam từng bị ít nhất một hình thức bạo hành như đánh đập, phân biệt đối xử, cưỡng hiếp, xâm hại tình dục... Trong đó, bạo hành gia đình là hình thức phổ biến nhất nhưng ít bị tố giác và báo cáo đầy đủ nhất.

Thay đổi khi dám sẻ chia

Anh T. con trai bà N. tính vũ phu, khi nổi nóng thường đánh vợ. Chị H., lại nói nhiều nên vợ chồng thường xuyên bất hòa. “Tôi và mọi người trong gia đình không hài lòng vì mỗi khi cãi nhau con dâu thường bất cần, nổi nóng nó gọi chồng là thằng, hễ cãi nhau là luôn đòi chia tay”. “Từ Ngôi nhà Bình yên, nhận thức của vợ chồng nó đã thay đổi. Vợ biết nhịn chồng và con trai tôi cũng biết kiềm chế hơn, không đánh vợ, tự giác làm việc nhà. Con dâu và nhà chồng đã hòa đồng hơn. Khi tôi phê bình, góp ý, cháu không cãi nữa. Mẹ con chúng tôi nói chuyện vui vẻ, cởi mở”… Sau một thời gian tạm lánh ở Ngôi nhà Bình yên, con dâu bà đã quay về đoàn tụ cùng chồng. Bà N., Thủy Nguyên (Hải Phòng) chia sẻ câu chuyện của gia đình mình.

“Từ năm ngoái đến giờ tôi đã mạnh dạn hơn rất nhiều khi được tiếp xúc với mọi người, vì mười mấy năm liền tôi ở nhà chồng không được đi đâu và không được quan hệ xã hội, nhiều khi chỉ biết làm việc cho gia đình chồng. Bây giờ tôi có việc làm ổn định rồi, tôi có thể tự quyết cho bản thân”, chị T.N.L 30 tuổi, Hà Nội chia sẻ.

Chị P.T.T 24 tuổi tại Yên Bái nói về sự thay đổi của mình sau khi gia nhập Ngôi nhà Bình yên. Tôi đã được học Tin học trong thời gian ở đây. Khi hồi gia, tôi đã được Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ 1 máy tính. Trở về nhà tôi đã tự đi quảng cáo “chiêu sinh” dạy học máy tính, mỗi khóa học 15 ngày. Tôi đã mang máy đến tận nhà dạy, thu 400.000 đồng/khóa, đồng thời được chủ nhà nuôi cơm. Hoặc mở lớp dạy tại nhà thì thu học phí là 300.000 đồng/khóa. Tôi đã có 8 học sinh, bình quân mỗi tháng tôi thu nhập từ 500.000 đồng-700.000 đồng/tháng nhờ việc dạy
vi tính.

Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) là nơi dành cho những phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình có môi trường sống tốt hơn để họ sớm ổn định về thể chất và tinh thần sau thời gian phải chịu đựng những hành vi bạo lực của người thân gây ra.