Lận đận một câu hát
Trong ba chặng của một canh hát quan họ (Lề lối, Giọng vặt và Giã bạn) thì Lề lối là chặng hát đầu tiên bao gồm những bài bắt buộc có kỹ thuật chuẩn mực nhất, khó hát nhất.
Từ trái sang: Học trò Đình Vũ và các nghệ sĩ Tự Lẫm - Lệ Ngải - Minh Phức trên bìa album “La rằng”
Xưa kia trong các cuộc chơi quan họ, muốn được coi là biết hát phải ít nhất biết và đối đáp được 5 câu (cách gọi khác tương ứng với bài) trong giọng Lề lối. Nghệ sĩ Tự Lẫm cho biết “có nơi còn hát 10 cặp, tức là 20 câu, thậm chí nhiều hơn”.
Trong ít nhất 5 câu Lề lối này, nếu La rằng giữ vai trò như một câu mẫu, giống như âm thanh mẫu cho người hát vừa “xông” giọng vừa bắt nhập vào kỹ thuật hát thì Hừ la có vị trí số một về kỹ thuật hát cần sự điêu luyện và tinh tế.
Cho nên trong các canh quan họ, dù dài hay ngắn thì Hừ la không thể thiếu, thậm chí luôn được xếp đầu tiên trong thứ tự các câu giọng Lề lối.
Thế nhưng, đã vài chục năm nay Hừ la không còn được hát nữa, nghệ nhân già trẻ khắp Bắc Ninh - Bắc Giang không ai biết hát. Cho nên kể cả “tổng chiến dịch” lớn cho quan họ trở thành di sản thế giới cũng không thể giúp Hừ la hồi sinh. Gần như nó đã đi theo cùng thế hệ nghệ nhân vàng của quan họ thế kỷ 20 như cụ Sôi, cụ Ty…
Sau mùa hội hát năm trước, tôi được nhà thơ Nguyễn Quang Hưng rủ cùng thực hiện album La rằng cho các nghệ sĩ Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải và học trò Đình Vũ.
Kinh phí hạn hẹp, chúng tôi mỗi người phải dồn chỗ nọ sang chỗ kia để có thể cùng Đình Vũ hoàn thành món quà tri ân các bậc tiền bối, cuối cùng album La rằng mãi trước mùa hội hát năm nay mới thực hiện xong.
Mười câu quan họ cổ có thể nói là những câu độc gần như không được biết đến, hát chuẩn mực không nhạc đệm đã nằm gọn gàng trong album. Đủ tạo “chấn động” nho nhỏ trong cộng đồng văn nghệ sĩ và người yêu quan họ. Hôm ra mắt không rình rang nhưng hội đủ: Nhà văn Đỗ Chu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Phan Hách, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ…
Tuy thế 10 câu quan họ được giới thiệu chưa phải những câu độc và quý nhất mà ba nghệ sĩ đang lưu giữ. Bấy lâu nay ở Bắc Ninh vẫn rỉ tai rằng còn người có thể hát được câu hát quý Hừ la, đó chính là hai liền chị Minh Phức - Lệ Ngải.
Lệ Ngải người làng Ngang Nội, là con gái cố nghệ nhân lừng danh Nguyễn Đức Sôi và là chị em họ hàng với Minh Phức. Hai nghệ sĩ được học nhiều nghệ nhân giỏi của Kinh Bắc và một đời gắn bó với những câu quan họ nên còn nhớ được Hừ la là điều không khó hiểu.
Dẫu thế, nói thế nào thì hai nghệ sĩ vẫn nhất quyết chưa phải thời điểm để hát. Minh Phức bảo: “Cứ giữ lấy, ở nhà vẫn hát i ỉ một mình để ôn lại vì sợ lâu ngày không luyện thì quên mất những chỗ luyến láy hay”.
Chuyện không chịu “tung” câu hát quý có lẽ một phần bởi cả ba nghệ sĩ vốn một đời vì những câu quan họ cổ này chưa vừa lòng với cách họ được ứng xử. Nghe nói, vì những chuyện như thế mà nghệ sĩ Tự Long (con trai vợ chồng nghệ sĩ Tự Lẫm - Minh Phức) không muốn bố mẹ hoạt động nghệ thuật. Nhà văn Đỗ Chu nói: Cùng với Thanh Hiếu ở Bắc Giang, Tự Lẫm, Minh Phức và Lệ Ngải là những nghệ sĩ quan họ có tài nhưng cuộc đời nghệ thuật nhiều gian truân.
Như trong cổ tích
Sau khi album La rằng ra mắt, tôi được một người yêu quan họ chia sẻ với lời yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật: Thực ra Hừ la vẫn còn sống, thậm chí hàng chục năm qua cả hai câu hát Hừ la vẫn được cất lên. Thú vị hơn, nơi tổ chức các canh cổ hơn cả canh hát ở Bắc Ninh ngày nay lại cách Kinh Bắc cả trăm cây số về phía biển.
Chuyện rằng, trước đây có gia đình ở Đình Bảng gửi con gái tới một gia đình gia giáo ở Ném Đoài để học chữ nghĩa. Nhanh nhẹn thông minh, cô còn được học hát quan họ.16 tuổi bắt đầu hát canh cùng liền anh liền chị Ném Đoài. Gia đình có ý gả chồng, do không muốn, cô đã nương nhờ cửa Phật.
Dù thoát khỏi cõi tục nhưng bà vẫn nhớ những câu hát thấm đượm tình nghĩa cùng với nề nếp sinh hoạt nghiêm ngặt quy củ của quan họ, bà vẫn tiếp tục hát. Bà còn truyền dạy cho đệ tử, họ tiếp tục truyền cho thế hệ sau.
Bà giờ chừng 84, vẫn duy trì hằng năm hai lần hát canh vào 27 tháng Chạp và mồng 10 tháng Giêng. Khi ấy, tất cả đệ tử tụ về chốn tổ để thầy trò hát đối. Hơi khác canh thông thường ở chỗ không chia thành hai bọn quan họ nam nữ đối đáp mà mình bà đối đáp với các đệ tử.
Không muốn người đời hiểu nhầm nên hoạt động ca hát hoàn toàn được khép kín, ngay hàng xóm cũng không hề biết. Người viết bài đã rất đắn đo khi chia sẻ một chút thông tin này tới bạn đọc. Không mục đích gì ngoài lời cảm ơn muốn gửi tới bà.
Và tuy đệ tử gọi bà bằng sư cụ nhưng người viết vẫn xin được phép gọi theo cách của người quan họ. Quan họ luôn khiêm nhường không nhận là chị Cả nhưng xin được gọi bà ở vị trí như thế. Mong sao chị Cả sức khỏe luôn dồi dào, duy trì nếp sinh hoạt quý giá và độc đáo cho dân tộc.