Các chuyên gia Brazil đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gia tăng bọ cạp gây chết người trong bối cảnh ngày càng có nhiều nạn nhân bị đốt và tử vong bởi các loài động vật họ nhện đang sinh sôi nảy nở tại các trung tâm đô thị của Brazil.
Con số nạn nhân tử vong vì bọ cạp được báo cáo tới hệ thống y tế công cộng của quốc gia này đã tăng gấp đôi trong bốn năm qua, từ 70 ca năm 2013 lên 184 ca vào năm 2017. Những trường hợp bị bọ cạp đốt cũng tăng trong vòng 10 năm qua, từ 37.000 năm 2007 lên 126.000 năm ngoái.
Có bốn loài bọ cạp nguy hiểm được tìm thấy ở Brazil, nhưng loài tỏ ra đặc biệt nguy hiểm là bọ cạp vàng (Tityus serrulatus), khi chúng có khả năng thích nghi rất cao để có thể chuyển từ môi trường sống hoang dã truyền thống sang tồn tại trong hố cống, bãi rác và những đống đổ nát ở các khu vực đô thị.
Nhà nghiên cứu khoa học Rogério Bertani, đồng thời cũng là chuyên gia về bọ cạp tại Viện nghiên cứu Butantan, bang São Paulo cho biết: “Đồng hành với nạn phá rừng và sự gia tăng dân cư ở các trung tâm đô thị, bọ cạp cũng đang ngày một xuất hiện nhiều hơn, và cơ hội để chúng tiếp xúc với con người là rất lớn. Tôi tin rằng xu hướng này đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.”
Bọ cạp vàng là loài động vật sinh sản vô tính, có nghĩa là con cái có thể sinh sản mà không cần thụ tinh bởi con đực. Thức ăn của loài này là các loại côn trùng, như gián. Chúng có quá trình trao đổi chất thấp nên có thể tồn tại nhiều tháng mà không cần ăn.
Tờ Estado de S. Paulo đưa tin, trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tuần này, bé Yasmin de Campos, 4 tuổi, sống tại Calabria Paulista, bang São Paulo đã chết sau khi bị một con bọ cạp đốt. Trước đó, cô bé được đưa đến một bệnh viện ở Duartina cách nhà 10km nhưng bệnh viện không có thuốc giải độc. Sau ba giờ điều trị tại đây, người ta buộc phải chuyển cô bé tới Bauru, cách đó 50km nữa, nhưng đã quá muộn. Nhân viên lễ tân tại bệnh viện cho biết, không còn thuốc giải độc trong kho.
Cái chết của cố bé gái càng làm dấy lên lo ngại về việc thiếu thuốc điều trị bọ cạp đốt tại nhiều thị trấn nhỏ ở Brazil.
Từ đầu năm tới nay, bác sỹ thú y José Brites Neto và nhóm săn bắt bọ cạp gồm bốn người ở thành phố Americana ở bang São Paulo, đã sử dụng đèn cực tím đã bắt được gần 8.000 con bọ cạp vào ban đêm.
Theo bác sỹ Brites Neto, loài bọ cạp vàng đã lan tỏa khắp các mạng lưới nước thải và cống thoát nước để ăn gián. Đây là loài bọ cạp có khả năng thích nghi và chiếm lĩnh thực địa rất cao.
Một phát ngôn viên của Bộ Y tế cho biết, thuốc kháng sinh đang được gửi đến các cơ quan y tế quốc gia để phân phối cho các thị trấn.
Những ca tử vong hoặc bị nhiễm độc chủ yếu do loài bọ cạp vàng (Tityus serrulatus) gây ra, và nạn nhân chủ yếu tập trung ở lứa tuổi nhi đồng. Các trường hợp nhẹ, không cần đến thuốc kháng độc, chiếm tới 87% .