Giao ai giải quyết tranh chấp đất đai?
Tại Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai ngày 22/2 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng, Điều 153 dự thảo quy định việc định giá đất phải bảo đảm 5 nguyên tắc, gồm mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá đất phổ biến, tuân thủ đúng phương pháp, bảo đảm tính độc lập. Tuy nhiên, theo ông Hậu, cần xem xét các nguyên tắc trên đã phù hợp với thị trường bất động sản và thực tế đời sống hay chưa, từ đó giảm thiểu tình trạng lệch pha cung - cầu mà thị trường đang gặp phải.
Dự thảo quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, công bố công khai và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không ngang bằng với giá thị trường, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, dẫn đến khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất. Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị ban hành bảng giá đất định kỳ 3 - 5 năm hoặc 2 năm một lần. Ngoài ra, do vùng nông thôn và thành thị có sự khác biệt, chuyên gia này đề xuất áp dụng quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Vinh Huy, cần tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Vinh Huy kiến nghị, những dự án vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, phục vụ sự phát triển một vùng hoặc các công trình công cộng... thì Nhà nước thực hiện thu hồi. Riêng các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư cần để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân mua lại hoặc cho góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, cần làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, tránh áp giá đền bù thấp, tạo lợi ích nhóm. Ngoài ra, theo ông Huy, cần áp dụng khung giá bồi thường theo giá thị trường để giảm bớt thiệt hại, tôn trọng quyền tự quyết của người dân.
Một dự án bất động sản ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được nhà nước thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp làm dự án và có khiếu kiện của người dân Ảnh: Duy Quang |
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, luật sư Nguyễn Văn Hậu đồng tình với quy định tại Điều 225 của dự thảo, quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho tòa án giải quyết. UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án giải quyết.
Ông Nguyễn Vinh Huy cho rằng, Nhà nước phải điều tiết, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Nếu giải quyết tốt lợi ích kinh tế giữa ba chủ thể này thì sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Do đó, theo ông Huy, cần tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội.
Quản lý đất cơ sở tôn giáo như thế nào?
Góp ý về quy định đối với đất tôn giáo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cho rằng, cần bổ sung quy định về điều kiện quy hoạch đất tôn giáo vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Theo bà Dung, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này chỉ thể hiện khi hiện trạng đã là đất cơ sở tôn giáo. Do đó, việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang đất cơ sở tôn giáo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả việc giao mới đất cơ sở tôn giáo do phải di dời, giải tỏa đất cơ sở tôn giáo cũ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, hiện có tình trạng một số cơ sở tôn giáo sau khi nhận hiến tặng, chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân đã tự mở rộng chùa, nhà thờ mà chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận cho tu bổ, tôn tạo di tích, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Do vậy, ông Hậu đề nghị cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.