Từ mái tóc dài theo hướng tay chỉ, giờ mái tóc của cô bé Thắm chỉ còn chừng này . Ảnh: Việt Hương. |
Đặng Thị Thu Thắm, học lớp 9 của trường THCS Phước Hòa, con chị Nguyệt thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định.
Thắm vừa sắp lại đống giấy vụn nhặt từ trường về, khoe: “Những buổi đến lớp, ngoài giờ học, em tranh thủ đi nhặt giấy vụn của các bạn vứt, cuối tuần bán một lần cũng được 5.000 đồng, góp lại cuối tháng nộp tiền bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi”.
Năm 2003, gia đình chị Nguyệt vay ngân hàng và tư nhân số tiền tới 300 triệu đồng để đầu tư nuôi tôm. Tôm bị dịch bệnh liên miên, thất bát nặng nề, nợ nần chồng chất, tài sản ruộng vườn bị xiết nợ hết. Sang năm 2007, chồng chị mất, cả nhà đứng bên miệng vực.
Chị Nguyệt là một cán bộ y tế thôn, tiền trợ cấp 120.000 đồng cũng bị chủ nợ xiết ngang.
“Bốn năm rồi gia đình tui không có tết” - chị Nguyệt kể.
Cứ đến ngày 25 tết, mấy mẹ con đóng cửa dắt díu nhau đi khắp mọi miền, nhận làm bất cứ việc gì người ta cần trong ngày tết, nhiều lúc đói phải xin ăn.
Năm nào may mắn về gom hết lại được vài triệu đồng, chia ra nộp tiền học cho mấy chị em. Ngày thường, sáng mẹ đi bán xôi dạo. Các con đứa đi học, đứa đi nhặt giấy vụn, đứa dạy kèm… đều lót dạ bằng bát cháo trắng, trưa về mâm cơm chỉ có rau muống và chén nước mắm trong.
Có lúc cùng đường, chị định cho con nghỉ học. “Con bé Trang, chị đầu và bé Thắm, từng quỳ lạy tui đừng buộc nó nghỉ học" - chị Nguyệt mắt rơm rớm - "chúng bảo có học thì may ra sau này mới kiếm tiền mà trả nợ được cho má. Tui cũng hết cách, phải để chúng đến trường bữa đói, bữa no”.
Trong tình cảnh ấy, mấy chị em Trang - Truyền - Thắm âm thầm nuôi mái tóc để bán. Mỗi năm, ba chị em bán một lần tóc được gần một triệu đồng, dồn cho Trang (đang là sinh viên tại TPHCM) hai phần, phần còn lại mua sách vở cho chị em ở nhà.
Lớp 6 đã làm gia sư
Bốn chị em, ba đứa con gái đầu đứa nào cũng có mái tóc dài và mượt. Chúng nhất quyết cắt tóc bán để được đi học |
Chị cả Đặng Thị Huyền Trang, hiện là sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TPHCM, tìm mọi cách tự xoay xở lo cái ăn, ở qua ngày.
Tết vừa rồi, không có tiền về, Trang ở lại để đi rửa chén, bát thuê. Mấy chị em ở nhà đi học một buổi; còn buổi khác, đứa đi nhặt ve chai, giấy vụn, đứa đi mò cua ngoài đồng.
Cậu em út nhỏ tuổi nhất là Đặng Tấn Tài, học lớp 6 trường THCS Phước Hòa, được phân công ở nhà dạy kèm đám trẻ trong thôn!
“Em Tài nhỏ nhất nhà, lại yếu ớt nên chị em con phân công em ở nhà mở lớp dạy kèm. Bà con trong thôn tin tưởng gửi con họ đến nhờ em Tài kèm cặp” - chị gái Đặng Thị Thanh Truyền, học lớp 12 trường THPT Tuy Phước 2, kể.
Chúng tôi tò mò vì căn nhà trống trơn, chật chội không có nổi một cái bàn ấy, thì lớp học đông tới 20 - 25 em học bằng cách nào và ở đâu. Không ngờ, ba chị em Truyền lấy bức tường nhà tự quét sơn lên làm bảng đen, còn bàn ghế ai nấy tự mang đi mang về!
“Ai thương thì người cho lon gạo, người ký khoai. Nếu ai không có thì thôi, chị em con không đòi hỏi…” - Truyền nói.
Chị Thu, hàng xóm chị Nguyệt thổ lộ: “Khổ như thế, vậy mà mấy đứa trẻ, đứa nào cũng học giỏi, luôn có bằng khen và học bổng của trường, của tỉnh”. Anh Lê, cũng là hàng xóm, tiếp lời: Có bữa, chủ nợ đến đòi, thấy im phăng phắc. Ai dè mấy đứa trẻ ôm sách ra... chuồng heo ngồi học!”.
“Gia sư” trình độ lớp 6 Đặng Tấn Tài thì hồn nhiên: “Mỗi lần nhận học bổng em cũng đề nghị cô giáo trừ nợ học phí, chứ có mang về cũng bị người ta đến lấy nợ mất !”.
“Không biết đứa lớn năm nay có được thi không khi tiền học phí và xây dựng chưa nộp. Nó là học sinh lớp chọn nên tui không lo về năng lực của nó. Nhưng tất cả các khoản tiền nộp của nó từ đầu năm thì tui chưa biết xoay đường nào” - chị Nguyệt băn khoăn.
Ngày 21/4, báo Tiền Phong trao cho mẹ con chị Nguyệt số tiền một triệu đồng từ chương trình học bổng “Niềm hy vọng” do Cty TNHH bia Huda Huế và báo Tiền Phong phối hợp thực hiện. |