Dự chương trình có ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đồng Trưởng ban Tổ chức Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024 (Tiền Phong Marathon); nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong – đồng Trưởng ban Tổ chức Tiền Phong Marathon 2024; nhà báo Vũ Tiến – Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong; nhà báo Phùng Công Sưởng – Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong.
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, phát biểu tại chương trình. Ảnh: Như Ý. |
Cùng dự chương trình có bà Nguyễn Tuyết Dương – Thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank; bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank; ông Bùi Lương – tượng đài điền kinh Việt Nam. Về phía Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải quân có Thượng tá Trịnh Minh Hiếu – Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Trung tâm.
Chương trình cũng có sự góp mặt của bà Phạm Kim Dung – Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng; đạo diễn Hoàng Nhật Nam; Hoa hậu Việt Nam 2022 Huỳnh Thị Thanh Thuỷ; Á hậu Trịnh Thuỳ Linh; Á hậu Nguyễn Lê Ngọc Thảo; Á hậu Lê Nguyễn Ngọc Hằng; Hoa khôi Huỳnh Thuý Vi.
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, đã giới thiệu về lịch sử ra đời, phát triển của Tiền Phong Marathon – tiền thân là Giải việt dã toàn quốc báo Tiền Phong.
Thượng tá Trịnh Minh Hiếu - Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải quân, phát biểu tại chương trình. Ảnh: Như Ý. |
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tiền Phong Marathon có đặc trưng là không tổ chức cố định ở một địa phương mà luân phiên tổ chức qua nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là những nơi còn gian khó, địa bàn biên giới, hải đảo. Trong 5 năm gần đây, giải đã lần lượt được tổ chức ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), Pleiku (Gia Lai), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), thành phố Lai Châu (Lai Châu), thành phố Tuy Hoà (Phú Yên) - những địa bàn trọng điểm ở biên giới, hải đảo của nước ta.
Điều này thể hiện, Ban tổ chức Tiền Phong Marathon đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để tổ chức giải đấu, bởi Tiền Phong Marathon luôn xác định, cùng với việc tổ chức một giải thể thao đỉnh cao, lan toả phong trào thể thao trong nhân dân, giải đấu và các hoạt động bên lề giải đấu còn tạo ra các cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, giới thiệu tiềm năng cho các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch, lan toả tình yêu quê hương đất nước, hướng về các địa bàn trọng yếu nơi biên giới, hải đảo.
Đại diện Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2024 và Ngân hàng Agribank tặng hoa, quà Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải quân. Ảnh: Như Ý. |
“Tại giải đấu năm nay diễn ra ở Phú Yên, chúng tôi đã đề nghị và được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đồng ý cho cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa tham gia chạy đồng hành cùng giải đấu. Chúng tôi đã gửi ra đảo Trường Sa 200 chiếc áo của giải đấu cùng 200 lá cờ Tổ quốc. Ngày 31/3, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa sẽ chạy đồng hành cùng với giải đấu trong đất liền, tạo thành ngày hội ở trên đảo”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng giới thiệu về lễ Thượng cờ Tổ quốc diễn ra sáng 30/3 tại Bãi Môn – một doi đất gần với mũi Đại Lãnh. Sẽ có khoảng 3.200 người xếp hàng tạo hình bản đồ Tổ quốc, với các đội tàu được bố trí mô phỏng như quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Tổ quốc. Nếu chụp hình từ trên cao, sẽ thấy được hình ảnh Tổ quốc Việt Nam, có kết nối giữa đất liền với hải đảo, hải đảo với đất liền. Nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh, với các hoạt động hướng về biển, đảo Tổ quốc như vậy, giải có những đóng góp truyền tải thông điệp về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Trịnh Minh Hiếu - Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải quân, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban tổ chức Tiền Phong Marathon và các nhà tài trợ, hoa hậu, người đẹp đã đến thăm, động viên, tặng quà Trung tâm.
Thượng tá Hiếu thông tin, Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải quân được thành lập năm 2013, nằm trong lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Nhiệm vụ của Trung tâm là bảo đảm sức khoẻ cho thuỷ thủ tàu ngầm, đặc công, không quân hải quân, lực lượng tinh nhuệ của Hải quân Nhân dân Việt Nam. “Truyền thống của đơn vị được dệt nên 16 chữ vàng: Điều trị bằng con tim khối óc, chăm sóc người bệnh bằng khoa học, tình thân”, Thượng tá Hiếu nói.
Theo Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải quân, chức năng của Trung tâm gồm: Tổ chức tiếp nhận, phục hồi chức năng, nâng cao sức khoẻ và khả năng thích nghi với môi trường làm việc của cán bộ, nhân viên tàu ngầm; khám bảo hiểm y tế; nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp điều dưỡng, phục hồi chức năng hiện đại kết hợp với cổ truyền, phù hợp với các yếu tố đặc thù của lực lượng tàu ngầm; tư vấn sức khoẻ và phát hiện những bất thường về thần kinh, tâm sinh lý của thuỷ thủ tàu ngầm sau khi hoạt động trên biển…
Nhân ngày truyền thống của Trung tâm (4/4), tại chương trình, Ban tổ chức Tiền Phong Marathon đã trao hoa và phần quà 10 triệu đồng tặng Trung tâm. Ngân hàng Agribank cũng tặng Trung tâm số tiền 20 triệu đồng. Sau chương trình, các đại biểu đã tham quan, xem tư liệu 11 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Trung tâm.
Các đại biểu dự chương trình chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm Hải quân. Ảnh: Như Ý. |