Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, sáng 24/6, lực lượng tìm kiếm phát hiện hai thi thể có dấu hiệu là thành viên phi hành đoàn CASA-212. Trước đó vào chiều 23/6, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng, các đơn vị và ngư dân tham gia đã xác định chính xác vị trí máy bay CASA-212 gặp nạn. Tại khu vực này, hai thi thể được tìm thấy trong đó một người mang giấy tờ tùy thân, ghi tên thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918. Một thi thể khác do khó xác định nên phải chờ kết quả xét nghiệm. (Xem chi tiết)
Sáng 24/6, tại Hội nghị giao ban trực tuyến thường trực Thành ủy – HĐND – UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2016, lãnh đạo quận Ba Đình đã thông tin về vụ sai phạm xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực. Theo đó, kết thúc tháng này, nếu chủ đầu tư tiếp tục không thực hiện nghiêm việc xử lý sai phạm thì sẽ mạnh tay hơn, có thể phong tỏa các tài khoản của chủ đầu tư, cho phép quận ứng ngân sách thực hiện phá dỡ, và có biện pháp cần thiết để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. (Xem chi tiết)
Khuya 23/6, tài xế tên Thành (20 tuổi, quê Tiền Giang) chạy xe ba gác chở theo một thanh niên khoảng 35 tuổi đi trên đường Bình Long hướng từ Hương lộ 3 về ngã tư Bốn Xã. Khi qua giao lộ đường Kênh Nước Đen - Bình Long khoảng 100 m (quận Tân Phú, TP HCM), do tránh một chiếc ôtô chạy cùng chiều nên chiếc ba gác mất lái lao sang phải tông vào một tường rào ven đường. Cú đâm rất mạnh khiến xe ba gác hư hỏng nặng, ông Thành tử vong tại chỗ, nạn nhân còn lại bị thương được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Sáng 24/6, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cùng đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã đến thăm hỏi, động viên 3 gia đình có con bị tử vong vì đuối nước tại khu phố 10, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Trước đó, chiều 23/6, 3 học sinh rủ nhau đi chơi. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, không thấy các em về nhà nên gia đình đã đi tìm. Trong quá trình tìm kiếm, người thân phát hiện áo của các em bỏ lại cạnh một hố nước (rộng khoảng 15m2, sâu hơn 2m), ở khu phố 10.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Giao thông vận tải của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Mikhail Bryachak, ngày 23/6 cho biết đến cuối năm nay, Hãng hàng không nhân dân "Rusich" sẽ được thành lập tại Crimea trên cơ sở hợp tác xã và mở các tuyến bay thường xuyên từ thủ phủ Simferopol (Crimea), không chỉ hoạt động ở Nga mà còn ở các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Theo ông Bryachak, mùa Đông tới sẽ có 4 chuyến bay thuê bao đưa hành khách đến các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.
Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý hôm 24/6 cho thấy người Anh chọn phương án rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả trưng cầu dân ý, người dân Anh chọn rời khỏi EU (hiện tượng Brexit) với 51,9% số phiếu ủng hộ, trong khi đó chỉ có 48,1% số phiếu mong muốn Anh ở lại EU. Brexit có ảnh hưởng lớn tới các quốc gia trong cộng đồng EU, sự ra đi của nền kinh tế lớn thứ hai trong khối sẽ làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của châu Âu và khiến phong trào chống liên kết với EU nổi lên ở các nước khác. (Xem chi tiết)
Nước Anh phải mất ít nhất 2 năm để có thể chính thức tách khỏi EU. Trong thời gian 2 năm này, Anh sẽ vẫn tuân thủ theo các điều ước và luật của EU, tuy nhiên nước này sẽ không được tham gia vào bất cứ quyết định nào của EU. Hai bên sẽ có 2 năm để đàm phán về các thỏa thuận như về quy định tài chính áp dụng đối với London, thuế thương mại và quyền di chuyển của công dân EU và công dân Anh… khi rời khỏi khối. (Xem chi tiết)
Khi cuộc bỏ phiếu rời hay ở lại EU của nước Anh sắp có kết quả với lợi thế đang nằm trong tay nhóm "thoát ly", một số chính khách tại Hà Lan và Pháp cũng đòi hai nước này có các cuộc bỏ phiếu tương tự. Tại Hà Lan, ông Geert Wilders - người đứng đầu nhóm chống nhập cư - kêu gọi Hà Lan hãy nên tổ chức một cuộc bỏ phiếu tương tự nước Anh. Còn tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận dân tộc cũng kêu gọi Pháp hãy tổ chức bỏ phiếu để quyết định rời hay ở lại EU.
Ngày 24/6, Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (USKI) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhận định vụ thử tên lửa tầm trung mới hôm 22/6 của Triều Tiên có thể giúp nước này phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công lục địa Mỹ vào năm 2020. Theo USKI, vụ phóng cái gọi là tên lửa Musudan nói trên là sự "thành công một phần," đã cho thấy hiệu suất đầy đủ của hệ thống đẩy của vũ khí đó, và "ít nhất là một hệ thống dẫn đường có chức năng tối thiểu".