Hội thảo nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW, nhất là đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới; để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm.
Hội thảo có sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đào Minh Tú, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu gồm đại diện một số ban, bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các trường đại học và doanh nghiệp.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; phân tích các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế đó. phục những hạn chế trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo đúng chủ trương đường lối của Đảng đã đặt ra.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội thảo. Đồng chí khẳng định mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu trên. Cùng đó, theo đồng chí, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Cùng đó, Chỉ thị ra đời trong bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta. Tất cả những điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.
Đặc biệt, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Với những ý nghĩa nêu trên và để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW trình Ban Bí thư, trên tinh thần khách quan, khoa học, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và quý vị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề như: phân tích, thảo luận, làm rõ hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó chỉ ra tính sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc, tính XHCN của tín dụng chính sách xã hội...
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày các báo cáo: (1) Kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (2) Tín dụng chính sách xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Thực trạng và giải pháp; (3) Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư; (4) Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội - Thực trạng và giải pháp; (5) Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín dụng chính sách - Thực trạng và kiến nghị ; (6) Duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội - Thực trạng, giải pháp và kiến nghị; (7) Nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong bối cảnh mới; (8) Bối cảnh tác động, thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội - Khuyến nghị chính sách; (9) Thực trạng huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và xã hội vào Ngân hàng Chính sách xã hội - Bối cảnh, những vấn đề đặt ra và giải pháp.
Hội thảo cũng quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý cùng thảo luận xung quanh các vấn đề về: huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn; đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội; vai trò, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; bối cảnh tác động và những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội; định hướng và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trên cơ sở hội thảo lần này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để tổng hợp, chắt lọc, phục vụ nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khoá XI.