Bán được hàng, môi giới địa ốc vẫn trắng tay

Bán được hàng, môi giới địa ốc vẫn trắng tay
Khi thị trường khát vốn, không chỉ có doanh nghiệp phát triển bất động sản khủng hoảng mà sàn địa ốc cũng bị vạ lây. Nhiều sàn vì môi giới dự án đói vốn, chậm xây, có dấu hiệu lừa đảo nên dù bán được hàng vẫn trắng tay.
Nhiều dự án đình trệ, chậm tiến độ khiến thị trường địa ốc thêm ảm đạm, nhân viên môi giới càng ngại xuất quân sớm
Nhiều dự án đình trệ, chậm tiến độ khiến thị trường địa ốc thêm ảm đạm, nhân viên môi giới càng ngại xuất quân sớm.

Thất thu hơn 3 tỷ đồng, gần như toàn bộ tiền phí môi giới 70 căn hộ tại quận 8, anh Lâm Văn Tất, đại diện một sàn bất động sản trên đường Khánh Hội, quận 4, TP HCM tiết lộ: "Chúng tôi chưa kịp ăn mừng bán thành công dự án trong thời điểm bất động sản trầm lắng thì tai họa ập đến vì phí môi giới đòi mãi không xong".

Vị này kể, dự án khởi công và xây dựng đến tầng thứ 8 thì dừng hẳn, lúc này khách hàng đã đóng tiền 45% giá trị căn hộ, gần 900 triệu đồng. Khi anh tìm đến văn phòng của chủ đầu tư đề nghị trả phí môi giới mới hay doanh nghiệp đã dọn đi nơi khác. Đến khi dò la được địa chỉ mới của chủ đầu tư thì những tháng ngày đòi nợ gian truân bắt đầu. "Thời gian đó sàn chúng tôi phải chịu sức ép rất lớn. Đi đòi tiền nhưng không gặp được chủ đầu tư đã đành. Đến khi giáp mặt, doanh nghiệp cũng bị kẹt vốn, trả tiền nhỏ giọt, thậm chí thách thức đi kiện. Lúc ấy tôi vô cùng thất vọng", anh Tất nhớ lại.

Cuối cùng, như người bị nan y chữa không khỏi bệnh phải dùng thuốc giảm đau, anh lãnh nhiệm vụ đòi phí môi giới được đồng nào hay đồng nấy. Cho đến khi chủ đầu tư tránh mặt dần thì xem như bất lực. Anh Tất bộc bạch, lâm vào cảnh này, sàn địa ốc không chỉ lỗ tiền lương nhân viên, mất tiền hoa hồng (phí môi giới), phí quảng cáo, marketting cho sản phẩm mà còn bị mất tài sản vô hình là thương hiệu và uy tín với khách hàng thân thiết.

Với anh Đoàn Văn Chí, Giám đốc một sàn địa ốc trên đường Cao Thắng, quận 10, kỷ niệm buồn về vụ thua lỗ khi môi giới hơn chục căn hộ tại quận Tân Bình hồi năm ngoái cứ như mới hôm qua. Anh Chí chia sẻ: "Tôi phân phối 12 căn hộ diện tích nhỏ và bán rất nhanh. Song khách hàng đóng tiền đến 30% thì vỡ lở ra đất dự án không minh bạch, chủ đầu tư chẳng xây dựng gì, phí môi giới của chúng tôi cũng chưa thanh toán".

Anh Chí cho biết, dù sàn đã gửi vô số công văn nhắc nhở đòi tiền nhưng chủ đầu tư chỉ thanh toán 50% phí môi giới rồi quỵt luôn số còn lại. Vị giám đốc này bộc bạch, sự việc không chỉ dừng lại ở phí môi giới bị mất vì sau sự cố này uy tín của doanh nghiệp sụt giảm. Khi khách hàng trình báo lên chính quyền địa phương và tố cáo chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, sàn địa ốc của anh cũng bị công an triệu tập điều tra. "Dù biết đây chỉ là rủi ro nhưng sự việc đã khiến cho năm 2011 trở thành một năm làm ăn bết bát và vô duyên của chúng tôi", anh Chí nói.

Cũng không khá hơn là bao, lãnh đạo một sàn địa ốc trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Lê Đình Quang cho biết, ông hợp tác đầu tư hỗ trợ phân phối một dự án ở quận Thủ Đức và phải chịu thua lỗ vì dự án áp dụng chính sách giảm giá 10% cho người mua sau.

Ông Quang mua 10 căn hộ dự án này và đang tiến hành phân phối thì chủ đầu tư giảm giá bán căn hộ tung ra sau. Chính sách giảm giá mới đã khiến cho sàn địa ốc của ông phải giải trình về giá cả với người mua trước đó. Thậm chí, sàn còn bị mất khách vì bán sản phẩm giá cao hơn so với căn hộ cùng dự án. Không dừng lại ở đó, những căn bị ế vì giá cao còn bị chậm tiến độ khiến giao dịch càng thêm ế ẩm.

"Sàn phải tự giảm giá để cào bằng với khung giá mới của chủ đầu tư dù bị lỗ. Tôi đã đóng đến 45% nhưng tiến độ xây dựng chưa phù hợp với số tiền đã nộp. Gần chục tỷ đồng này chẳng biết lúc nào có thể giải ngân", ông nói.

Có thâm niên gần mười năm hành nghề môi giới địa ốc, tổng giám đốc một công ty tại quận 1, TP HCM nhận xét: "Trong tình hình hiện nay, môi giới căn hộ là một việc vô cùng khó khăn dù thị trường rất nhiều sản phẩm tốt. Khó nhất chính là đơn vị môi giới không thể đo được tình trạng sức khỏe tài chính của dự án và chủ đầu tư".

Chuyên gia này phân tích, nếu bán căn hộ chậm tiến độ thì không chỉ có khách hàng thiệt thòi mà sàn địa ốc cũng bị thất thu và mất thương hiệu. Trường hợp bán căn hộ nhưng chẳng may dự án phá sản hoặc bị tố có dấu hiệu lừa đảo thì môi giới vướng vào vòng điều tra lẩn quẩn. Thị trường dần phân hóa rõ rệt hai dòng sản phẩm: xây đúng tiến độ hút hàng, xây chậm hoặc chưa xây bán ế. "Thách thức dành cho các sàn địa ốc là rủi ro lớn không kém gì cơ hội. Do đó, trước khi chọn mặt gửi vàng sàn phải thẩm định dự án kỹ để tránh bị căn bệnh đói vốn hoành hành", ông nói.

Theo Vũ Lê
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG