Kè 80 tỉ ở Bình Định mới làm đã tan nát do ẩu

Cả hệ thống kè biển Tam Quan bị đổ sập. Ảnh: TL
Cả hệ thống kè biển Tam Quan bị đổ sập. Ảnh: TL
Kè chống xói lở bờ biển 80 tỉ đồng ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) mới đưa vào vận hành đã đổ sập, tan nát do lỗi của hàng loạt đơn vị từ tư vấn thiết kế, thẩm tra bản vẽ thi công, nhà thầu đến đơn vị giám sát, quản lý dự án…

Ngày 5-12, một nguồn tin xác nhận UBND tỉnh Bình Định vừa kết luận nguyên nhân hư hỏng của công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan ở ven biển hai xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Công trình kè biển dài gần 2,4 km, có tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng này đã đổ sập, tan nát chỉ sau hai tháng đưa vào sử dụng mà PV  hồi tháng 4 năm nay đã phản ánh.

Sai từ thiết kế đến thi công

Kết luận do ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ký xác định có nhiều nguyên nhân chủ quan làm hư hỏng công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan.

Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng SPQD (TP Quy Nhơn, Bình Định) thiếu kinh nghiệm trong thiết kế các công trình kè đối với bãi ngang, bờ biển biến động mạnh. Do đó, đơn vị này chọn phương án tuyến chưa hợp lý, kết cấu thân kè, chân kè chưa đảm bảo chịu lực trực tiếp từ sóng biển.

Các thông số sóng thiết kế, biện pháp gia cố chân, mái kè tại các vị trí xung yếu chưa được chú trọng, chỉ dẫn biện pháp kỹ thuật thi công không phù hợp… dẫn đến hư hỏng công trình.

Kè 80 tỉ ở Bình Định mới làm đã tan nát do ẩu ảnh 1 Công trình kè biển Tam Quan bị hư hỏng do sai sót từ thiết kế đến thi công. Ảnh: TL

Đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán là Trung tâm Tư vấn- chuyển giao công nghệ thủy lợi (thuộc Tổng cục Thủy lợi) thiếu trách nhiệm trong thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình.

Nhà thầu thi công là Công ty TNHH Tân Lập (huyện Hoài Ân, Bình Định) tự thay đổi biện pháp thi công cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện trường nhưng không trao đổi, bàn bạc với đơn vị thiết kế bằng văn bản để điều chỉnh biện pháp thi công và tổ chức giám sát chất lượng thi công kịp thời...

Đơn vị giám sát lại… không giám sát!

Cũng theo kết luận, đơn vị giám sát là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư -phát triển Bình Định đã không tiến hành giám sát, lập biên bản báo cáo chủ đầu tư và các bên liên quan khi đơn vị thi công thay đổi biện pháp thi công, chưa thực hiện hết trách nhiệm.

Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng huyện Hoài Nhơn được giao nhiệm vụ quản lý dự án đã không phát hiện những sai sót trong thiết kế, các thay đổi biện pháp thi công để báo cáo kịp thời cho chủ đầu tư.

"Các sở Kế hoạch - đầu tư, NN&PTNT tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án đầu tư, thiết kế cơ sở của công trình" - Kết luận nêu.

Kè 80 tỉ ở Bình Định mới làm đã tan nát do ẩu ảnh 2 Đơn vị giám sát, ban quản lý dự án đều thiếu trách nhiệm. Ảnh: TL

Kết luận của UBND tỉnh Bình Định cũng nêu nguyên nhân khách quan là diễn biến bất thường của thời tiết vào cuối năm 2016 và cơn bão số 12 hồi tháng 11-2017 gây gió mạnh, sóng lớn vượt qua đỉnh kè, tràn vào đường đi, gây xói lở thân kè, đường đi.

Sau khi kết luận nguyên nhân, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao chủ đầu tư dự án là UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan gồm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công, giám sát…

Từ đó, UBND huyện Hoài Nhơn đề xuất xử lý sai phạm theo thẩm quyền, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục hư hỏng đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan, báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 31-12-2018.

Như PV đã phản ánh, công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan gồm hệ thống kè chắn sóng dài 2,4 km, cao 4,5 m bằng bê tông cốt thép, mặt đê bằng đất rộng 13 m, có tổng kinh phí đầu tư gần 80 tỉ đồng. Dự án này nhằm khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ tính mạng, tài sản hàng ngàn gia đình hai xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam; kết hợp làm đường dân sinh.

Công trình được xây dựng hoàn thành hồi tháng 9-2016 sau hơn một năm thi công. Tuy nhiên, chỉ hơn hai tháng sau khi đưa vào sử dụng, đầu tháng 12-2016, một đoạn kè dài 30 m đã bị sóng đánh vỡ hoàn toàn. Tiếp đó, đến cuối tháng 12-2016, toàn bộ mái kè, tường chắn sóng của hai đoạn kè khác với tổng chiều dài 122 m đã sóng đánh vỡ tan tành. Hai tháng sau, thêm 130 m kè, mái kè khác bị sóng đánh sập, xóa sổ.

Đầu tháng 4-2017, UBND huyện Hoài Nhơn đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp 10 tỉ đồng để sửa chữa công trình mới làm đã hỏng này. Trong khi tỉnh chưa có kinh phí để cấp thì tháng 12-2017, công trình này gần như bị đổ sập, tan nát sau cơn bão số 12.

UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND huyện Hoài Nhơn thuê Viện Kỹ thuật công trình (Trường ĐH Thủy Lợi) đánh giá, xác định nguyên nhân hư hỏng nghiêm trọng công trình trên.

Theo Theo Pháp luật TPHCM
MỚI - NÓNG