Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Hà Đông - Hà Nội) đã từng vận động phụ huynh đóng tiền mua điều hòa - Ảnh: Quý Hiên |
Ban vận động thu tiền?
Chuyện thu tiền phụ huynh để trang bị máy chiếu đồng loạt trong các trường công lập như phản ánh trong bài trước ở Hà Nội không còn cá biệt. Thậm chí, trong hệ thống trường tiểu học, phong trào này cũng đang phát triển.
Chị Tr., một phụ huynh có con học lớp 1E (2009 - 2010) trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội), kể trong buổi họp phụ huynh sau ngày khai giảng, chi hội lâm thời điều hành cuộc họp, nội dung chính chỉ xoay quanh việc thu tiền.
Chị N., một phụ huynh trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Đông) cho biết, việc tham gia đại diện cha mẹ học sinh với chị là gánh nặng. Năm nào cũng phải thu đủ các loại quỹ của phụ huynh rồi lọ mọ cùng với một phụ huynh khác đi mua tivi, đài, quạt và các học phẩm phục vụ lớp học theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm. “Có lần em thu tiền, một bác phụ huynh than thở, tôi đi bán bánh mì chỉ được lời 500 đồng mỗi cái, cả ngày bán được 100 cái”, vị phụ huynh này tâm sự. |
Trước mặt giáo viên chủ nhiệm và toàn thể phụ huynh, một vị trong chi hội đứng lên thuyết trình việc các con ngồi học chật chội có 48 chỗ nhưng lớp lại có 56 em. Do đó, nếu cô giáo viết bằng bảng thì có một số con sẽ rất khó nhìn.
Vị này kết luận, nên mua máy chiếu. Số tiền đóng góp riêng cho khoản này là 1 triệu đồng/HS. Không một phụ huynh nào phản đối.
Trước đó, trong thời gian học hè, chi hội lâm thời cũng đã nhờ giáo viên chủ nhiệm gửi tới từng phụ huynh lời đề nghị góp tiền (khoảng 500.000 đồng/ HS) trang bị máy điều hòa cho lớp.
Kết thúc câu chuyện, chị Tr. trầm ngâm: “Trước và sau cuộc họp, rất nhiều phụ huynh tìm cách đến gần cô giáo thì thầm to nhỏ, cười nói rất thân mật với mong muốn con mình được cô quan tâm đặc biệt.
Với một tâm lý chung như vậy thì ai là người có đủ can đảm đứng lên phản đối các khoản thu khi chính cô giáo cũng xác nhận điều đó sẽ tốt hơn cho các con?
Thật ra phụ huynh cũng có một tổ chức là ban đại diện cha mẹ học sinh (ở các lớp tổ chức này được gọi là chi hội) nhưng chúng tôi chẳng biết họ là ai, làm gì, chỉ thấy họ rất tích cực hô hào phụ huynh đóng tiền”.
Nói về ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh ở các trường (dù mầm non hay phổ thông) đều lắc đầu ngao ngán.
Hơn một tháng trôi qua rồi nhưng bác L., người có cháu ngoại học lớp 1 ở trường Tiểu học Trung Tự (Hà Nội) vẫn chưa hết ấm ức với chi hội phụ huynh của lớp cháu mình.
Trong cuộc họp phụ huynh lần 2 (tháng 9/2009), chi hội lớp thông báo cho các phụ huynh một danh mục 22 khoản đã chi với gần 17,8 triệu đồng. Theo bác L., hầu hết các khoản đó hoặc là không cần thiết, hoặc là trách nhiệm nhà trường phải chi...
Có những khoản tuy cần thiết với học sinh nhưng theo bác L., nếu để cho từng cá nhân mua thì rẻ hơn nhiều như in thời khóa biểu, mua vở vẽ, vở ô ly... cho các con.
Sau cuộc họp, bác L. thắc mắc, một vị trong chi hội phụ huynh cười danh mục chi này là do cô giáo chủ nhiệm đưa cho. Rồi nói thêm: “Cháu chẳng thích thú gì việc làm chi hội đâu. Cô giáo nhờ thì phải làm thôi”.
Không thu được tiền phải xin ra khỏi ban đại diện
Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) |
Theo cách nhìn nhận của đa số phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh thường là những người làm việc của người phúc ta (thu tiền của phụ huynh nhưng lại tạo được mối quan hệ tốt đẹp của mình với hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm). Vì thế nhiều phụ huynh ngại phải vào các ban đại diện.
Lỡ vào thì xem như cưỡi trên lưng hổ, đoán ý nhà trường để đề xuất các khoản thu chi, chí ít cũng thu đủ những khoản trường gợi ý. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp phụ huynh lỡ làm ban đại diện vài năm thì sau đó phải tìm cách rút lui. Số ít hoạt động không hiệu quả được gợi ý ra khỏi ban đại diện.
Tháng 9-2009 một thư ngỏ được gửi tới cha mẹ học sinh trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Đông, Hà Nội) với nội dung vận động phụ huynh đóng tiền mua điều hoà cho trường (450.000 đồng/HS).
Phụ huynh một số lớp không đóng tiền. Điều này khiến hiệu trưởng không bằng lòng và trách cứ các vị trong chi hội phụ huynh đó không nhiệt tình. Lời qua tiếng lại khiến phụ huynh này cảm thấy bị xúc phạm, bèn xin rút ra khỏi ban đại diện chi hội.
Được biết, do quá nhiều phụ huynh lên tiếng phản đối nên trường Mầm non Hoa Hồng phải bỏ khoản thu này.
Tình trạng sai khiến ban đại diện cha mẹ học sinh phục vụ các quyền lợi của nhà trường không chỉ xảy ra với trường công mà phổ biến đến nỗi một số trường tư cũng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, cách phản ứng của phụ huynh ở các trường tư phần nào quyết liệt hơn phụ huynh ở trường công.
Anh T., một cựu phụ huynh ở trường Tiểu học Lômônôxốp không chỉ từ bỏ chức trưởng đại diện chi hội cha mẹ học sinh mà còn xin chuyển cho con sang một trường tư thục khác dù trường mới có mức học phí cao gấp ba lần trường cũ.
Theo anh, một trong những lý do các phụ huynh chọn trường tư cho con mình học là sự rõ ràng, minh bạch trong tài chính. Do đó, nơi nào thiếu sự minh bạch thì dù chi phí thấp mấy phụ huynh cũng sẽ chán.
Còn anh B., một phụ huynh cũng đang có con học ở Trường Tiểu học Lômônôxốp, tâm sự: “Tôi đã từng được gợi ý nhiều lần là nên ra khỏi chi hội”.
Anh là một trong những phụ huynh tích cực đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho phụ huynh trước các việc không rõ ràng. Nhiều lần anh lên tiếng đòi hỏi trường phải trả lại tiền ăn cho học sinh những ngày các cháu được nghỉ, phản đối việc nhà trường vận động phụ huynh góp tiền làm sân (150.000 đồng/ HS) dù hàng năm đã thu tiền xây dựng với mức khá cao (400.000 đồng đến 600.000 đồng/ năm/HS)...
Anh B. cho biết: “Nhiều phụ huynh bảo tôi dại. Nếu đấu tranh thì cá nhân mình cũng chỉ lấy lại được một vài trăm nghìn nhưng lại bị nhà trường ghét. Tôi từng tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường công lập tám năm rồi và thấy rất mệt mỏi. Vì thế tôi cho con học ở trường tư.
Lần đầu đi họp phụ huynh, tôi thấy rất sung sướng khi mọi người đều tự do phát biểu suy nghĩ của mình. Nhưng thực tế bốn năm qua, tôi nhận thấy họ có cách moi tiền của phụ huynh chẳng khác mấy trường công”.