Bám trụ làm giàu

Phú Đoan nhận giải thưởng Lương Định Của
Phú Đoan nhận giải thưởng Lương Định Của
TP - Thanh niên lũ lượt bỏ làng đi làm ăn xa, anh Nguyễn Phương Quang vẫn ở lại làng phục hồi nghề mây tre đan Phú Vinh, anh Vạn Quang Phú Đoan lại tìm đường ra cho gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận). Đây là hai trong số 100 nhà nông trẻ vừa được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của 2010.
Nguyễn Phương Quang bên sản phẩm mây tre đan do mình sáng tạo
Nguyễn Phương Quang bên sản phẩm mây tre đan do mình sáng tạo.

Bàn tay vàng làng mây tre đan

26 tuổi, Nguyễn Phương Quang (làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội) đã là chủ cơ sở sản xuất mây tre đan lớn với gần 30 lao động, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2007, Quang xuất ngũ về quê. Mặc dù có truyền thống hơn 400 năm làm nghề mây tre đan nhưng lúc đó người dân làng Phú Vinh (Phú Nghĩa) hầu như không ai sống được bằng nghề. Giữa lúc đó Quang quyết định ở lại làng làm nghề. Sau thời gian tìm thị trường, Quang phát hiện phải có mẫu độc đáo, thì sản phẩm mới có đất sống. Muốn sáng tạo mẫu đẹp phải có tay nghề cao.

Vậy là Quang lao đầu vào học nghề mây tre đan từ đầu, tìm đến những nghệ nhân giỏi nhất trong làng học hỏi. Chỉ sau thời gian ngắn anh đã sáng tạo được những mẫu mới để chào bán ra thị trường. Đơn hàng tới tấp đến, Quang mở xưởng lớn hơn, anh tự tập hợp thanh niên trong làng, lập trung tâm sản xuất mẫu của làng.

Để tạo thương hiệu, Quang liên tục sáng tạo mẫu mới độc đáo và tham dự các cuộc thi sản phẩm mây tre đan trong và ngoài nước. Năm 2007, Quang đạt giải ba tại hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam. Năm 2009 đạt huy chương bạc tại triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, được mời đi trình diễn tay nghề tại Nhật Bản…

Quang dành 2 năm thiết kế và đan một chiếc bình hoa sen mây khổng lồ với phần trang trí Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Tháp Rùa… , được công nhận bình hoa sen mây lớn nhất Việt Nam.

Phú Đoan nhận giải thưởng Lương Định Của
Phú Đoan nhận giải thưởng Lương Định Của.

Giữ hồn gốm Chăm

Vạn Quang Phú Đoan là chàng trai người Chăm sống tại làng Bàu Trúc, xã Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận), nơi có nghề gốm lâu đời nhất tại khu vực Đông Nam Á. Cách đây chục năm, Đoan là một thấy giáo trường làng. Khi ấy, gốm Bàu Trúc đang hấp hối.

“Là người yêu những đường nét phóng khoáng, mộc mạc của gốm Chăm nên tôi đã đầu tư công sức và mở cơ sở gốm để duy trì nghề truyền thống quê mình”, Đoan chia sẻ. Lúc đó Đoan tìm ra hướng đi cho gốm Bàu Trúc mà sau này thực tế đã chứng minh anh đúng.

“Cái đẹp của gốm Bàu Trúc nằm ở chất thô mộc của dân gian. Nếu không giữ được cái hồn đó thì sẽ không còn là gốm Bàu Trúc nữa”, Đoan nói. Anh bắt tay vào làm. Ngay từ đầu đã gặp khó khăn do nhược điểm của gốm Bàu Trúc vốn nung thủ công, sản phẩm “chín” không đều, thường bị hao hụt sau khi nung và không bền do kém chịu mưa nắng. Đặc biệt cách nung gốm truyền thống bằng củi gây ô nhiễm môi trường lớn.

Đoan tự mày mò tìm cách khắc phục. Anh vay 1 tỷ đồng để đầu công nghệ mới, đồng thời cũng là người đầu tiên thử nghiệm lò nung gốm Vĩnh Long sử dụng nguyên liệu trấu để nung gốm Bầu Trúc. Việc thí điểm lò nung mới thắng lợi, cho sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ. Cơ sở sản xuất gốm của Đoan nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, xuất sản phẩm đi các nước Đông Nam Á, châu Âu và Australia. Hiện cơ sở sản xuất gốm của Đoan tạo việc làm thường xuyên cho hơn 150 người và hàng trăm lao động thời vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.