Sau một năm tạm dừng, game show Rap Việt chuẩn bị tái xuất. Đến mùa thứ 3, game show được yêu thích nhất về rap nhiều khả năng không còn sự đồng hành của các thành viên SpaceSpeakers Group là Touliver, Binz, Rhymastic. Bên cạnh đó, Wowy cũng tuyên bố rời ghế huấn luyện viên.
Rap Việt đối mặt thách thức rất lớn khi không nắm trong tay đội sản xuất âm nhạc hàng đầu trong giới rap/hip hop Việt. Mất Wowy, game show không còn nhân tố tạo nên bất ngờ và được lòng số đông khán giả trên ghế HLV.
Không dễ để Rap Việt tìm ra Giám đốc Âm nhạc mới nếu Touliver không góp mặt. |
"Vết xước" ngay bước khởi đầu
Rap Việt mùa ba chuẩn bị diễn ra vòng casting. Ban tổ chức chuẩn bị cho thí sinh 4 bản phối (beat) theo từng màu sắc rap, từ trap, old school cho đến melodic.
Chất lượng của các beat gây phản ứng trên mạng. Nhiều khán giả chỉ ra các beat thực hiện hời hợt, giống như lấy sẵn từ kho beat miễn phí trên mạng về. Cụ thể, phần bassline (dải âm trầm) của 4 beat này bị đánh giá thiếu sức nặng.
Tiền Phong liên hệ một producer của thể loại rap/hip hop để nghe nhận định về chất lượng beat dùng cho vòng casting Rap Việt mùa 3, được trả lời: “Với beat của hip hop, bassline rất quan trọng. Nó càng quan trọng với các giọng rap có độ rắn rỏi, uy lực. Nghe qua 4 beat dành cho vòng casting, tôi thấy thiếu sức nặng. Còn tổng thể beat cũng không có gì đặc biệt, khó truyền cảm hứng cho thí sinh”.
Sau Rap Việt mùa 2, SpaceSpeakers Group tuyên bố rời game show. Binz và Rhymastic là 2 thành viên của SpaceSpeakers được nhắc đến nhiều ở cương vị HLV và giám khảo. Song, giá trị lớn nhất mà SpaceSpeakers mang đến cho Rap Việt là vai trò sản xuất âm nhạc. Touliver, SlimV, TINLE cùng vài producer khác đã làm việc xuyên suốt từ vòng casting đến chung kết Rap Việt để tạo ra vài chục beat.
Touliver nắm vai trò quan trọng nhất khi sản xuất beat cho các tiết mục quan trọng, đồng thời trực tiếp định hướng và tổng duyệt các phần trình diễn của thí sinh.
Rap Việt sẽ cân não để tìm ra nhân tố đủ sức thay SpaceSpeakers đảm nhận dây chuyền sản xuất nhạc. Không phải vài ba beat, mà số lượng lên đến vài chục, đa dạng thể loại, chưa kể việc làm sao để tạo ra bản phối vừa vặn với giọng hát, phần trình diễn của thí sinh.
Trong giới rap/hip hop, không thiếu producer giỏi, nhưng đa phần hoạt động riêng lẻ, thay vì theo môi hình tổ đội như SpaceSpeakers. Chọn ra vài cái tên để hợp thành một đội producer là thử thách cho ê-kíp tổ chức Rap Việt. Và hòa hợp được cá tính của từng producer đó để ghép thành một khối trơn tru là bài toán khó hơn nhiều lần.
Sau Sol7, còn thêm nhiều lão làng đi thi Rap Việt? |
Còn thí sinh chất lượng không?
“Còn bao nhiêu thí sinh chất lượng để thi Rap Việt”, là câu hỏi được khán giả và truyền thông đặt ra những ngày qua.
Sau 2 mùa, Rap Việt tìm ra và khai thác gần 100 thí sinh. Trong số đó, đa phần là các rapper chưa có tên tuổi. Phần còn lại là rapper có tiếng, thậm chí ở vai vế lão làng trong giới như Dế Choắt, Ricky Star, Blacka, Lil Wuyn, Sol7, Lil Wuyn, Pjpo, Vsoul…
Vậy còn thí sinh chất lượng để thi Rap Việt mùa 3 không? Câu trả lời là rất nhiều.
Từ Rap Việt mùa 2, số lượng thí sinh đăng ký casting lên đến vài nghìn. Nhiều thí sinh trong nhóm rớt casting Rap Việt mùa 2 là những rapper tài năng, song dừng lại vì nhiều lý do. Đó là Orijinn, Hustlang Robe, Gừng… Có vài chục rapper rớt casting mùa 2 là những gương mặt có tiếng trong giới underground rap. Họ thất bại chỉ vì bài thi casting chưa phù hợp theo tiêu chí của người chấm.
Có rất nhiều rapper đang ghi dấu ấn trên thị trường mà không cần thi Rap Việt. Đó là Low G, Richie D. ICY, tạo nên các sản phẩm triệu views. Vấn đề chỉ là nhóm rapper chất lượng đó có đi thi Rap Việt không.
Mùa trước, khán giả bất ngờ khi thấy Pjpo, Blacka và đặc biệt là Sol7 đi thi Rap Việt. Nhóm rapper này có thâm niên rap trên dưới 10 năm, tương đương nhiều HLV và giám khảo ở Rap Việt mùa 2. Họ hoạt động ẩn dật ở giới underground rap, tưởng chừng không bao giờ tiến thêm một bước để lên mainstream, song quyết tạo nên bước ngoặt sự nghiệp từ game show Rap Việt.
Việc Pjpo, Blacka và Sol7 chấp nhận lùi lại để thi Rap Việt chứng minh mọi chuyện đều có thể xảy ra. Khi những rapper khác của 2 tổ đội Tổ Quạ và DCOD nối gót Blacka, Pjpo, Sol7 đi thi Rap Việt, game show sẽ tiếp tục có thí sinh chất lượng.
Giới rap còn thêm nhiều rapper ở các tổ đội danh tiếng như Under The Hood, Tây Nguyên Sound, Rapital… Chỉ cần họ đi thi, bài toán chất lượng thí sinh không là vấn đề với Rap Việt.
Song song điều đó, có rất nhiều rapper ẩn danh chờ ngày tỏa sáng. Mùa một, Rap Việt có LOR, là chàng sinh viên chơi rap chưa lâu nhưng kỹ năng ấn tượng. Đến mùa 2, Rap Việt có Hoàng Anh, một rapper vô danh trước chương trình, song đi từng bước vững chắc để vào chung kết. Tính đại chúng của game show Rap Việt cho thấy một rapper có tiếng, giỏi kỹ năng chưa chắc tỏa sáng. Và ngược lại, một newbie (tân binh), nếu biết cách tận dụng sẽ làm nên chuyện.
Rapper vô danh, hoặc ít tên tuổi đang nhiều vô kể. Số lượng đăng ký casting Rap Việt mùa 3 sẽ lại lên tới con số vài nghìn. Nhiệm vụ còn lại thuộc về những người chấm casting, tìm ra các viên ngọc thô và mài dũa ở vòng trong.
Kết quả Rap Việt bị lộ quá nhiều, dẫn đến không còn hấp dẫn. |
Hạn chế của Rap Việt
Thể thức của Rap Việt mùa 3 sẽ không đổi. Trên lý thuyết, qua 4 vòng là Chinh phục, Đối đầu, Bứt phá và Chung kết, Rap Việt có đủ sự kịch tính, tranh đua để mỗi thí sinh phát huy tốt nhất khả năng. Song, cách làm của đơn vị tổ chức ra Rap Việt khiến game show lộ ra một loạt lỗ hổng. Nghiêm trọng nhất là chuyện lộ kết quả ở vòng Đối đầu và Chinh phục.
Từ Rap Việt mùa một, kết quả thí sinh vượt qua vòng Đối đầu và các trận đấu ở vòng Bứt phá bị tiết lộ trên mạng. Thông tin đó chính xác 100%. Đến mùa 2, Rap Việt tiếp tục gặp sự cố bị lộ kết quả, dẫn đến không còn yếu tố hấp dẫn, bất ngờ. Người trong ê-kíp sản xuất hoặc khán giả tham gia ghi hình đã rao tin lên mạng.
Trọn vẹn các tập của Rap Việt được ghi hình, biên tập và phát sóng, thay vì lên sóng trực tiếp. Kể cả đêm Chung kết quyết định, Rap Việt chỉ lên sóng trực tiếp ở phần trao giải. Với cách làm này, Rap Việt có thời gian biên tập, cắt gọn từng chi tiết. Nhưng ngược lại, việc một game show diễn ra quá sạch sẽ, gãy gọn lại gây nhàm chán. Sự kịch tính, hồi hộp trong các tiết mục ở Chung kết Rap Việt cũng biến mất vì không lên sóng trực tiếp.