Tham gia Hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản", ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ (TS) chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vị trí, vị thế của Hải Phòng hiện nay được coi như là “Mô hình Đô thị Cảng biển”, có những nét tương đồng như mô hình đô thị cảng biển của Singapore; Hồng Kông, Thâm Quyến, Thượng Hải, Hạ Môn (Trung Quốc); Busan, Ulsan (Hàn Quốc); New York (Mỹ),…
Ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hội thảo "Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản". |
Bài học từ “vết xe đổ” của Busan
Theo ông Lượng, Busan vốn là thành phố cảng biển lâu đời, từng chiếm 75% sản lượng xuất nhập khẩu của Hàn Quốc nhờ lợi thế nằm cạnh các đường tuyến hàng hải quốc tế, kết nối Hàn Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc và vùng Viễn Đông. Nhưng khoảng 4 thập niên trở lại đây, Busan từ một thành phố cảng biển phát triển bậc nhất Hàn Quốc, có nền công nghiệp hóa sớm, lại trở thành vùng kinh tế nằm trong nhóm kém phát triển (Từ năm 1980, GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của Busan liên tục sụt giảm, thậm chí chỉ đứng trên Daegu - một tỉnh nghèo của Hàn Quốc).
Theo phân tích của TS Trần Xuân Lượng, giai đoạn năm 1960 -1970, Hàn Quốc phát triển nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như hàng tiêu dùng, dệt may. Lúc này, Busan dựa vào lợi thế cảng biển nên công nghiệp hóa rất nhanh. Tuy nhiên, thời điểm này do Busan tập trung quá nhiều vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, thực phẩm,… nên làm cho dân số tăng nhanh, mật độ dân số cao.
Busan từng là một đô thị cảng biển phát triển vượt bậc ở Hàn Quốc những năm 1960 -1970, tuy nhiên do sự phát triển quá ồ ạt, không định hướng ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp nên Busan hiện tại đã tụt hậu, có sự tăng trưởng đứng thứ 2, từ dưới lên ở Hàn Quốc. Và "vết xe đổ" này của Busan chính là bài học đắt giá để Hải Phòng rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển. |
Do đó, đến giai đoạn những năm 1970 - 1980, khi Hàn Quốc tập trung vào phát triển công nghiệp nặng, hóa chất và cơ khí, Busan do giai đoạn trước phát triển các ngành công nghiệp tiêu tốn quá nhiều tài nguyên đất, và sử dụng nhiều lao động làm dân số tăng nhanh, mật độ cao, nên bị thiếu hụt quỹ đất để phát triển. Vì thế, nền công nghiệp mới, công nghệ cao của Hàn Quốc như ô tô, cơ khí đóng tàu chuyển dịch sang Ulsan.
Đến giai đoạn những năm 1980 -1990, khi Hàn Quốc tập trung vào phát triển công nghệ cao, điện tử sinh học và startup mạnh. Thì Busan lại phát triển cạnh tranh trực tiếp với Seoul về tài chính và thương mại… nhưng lại thu hút đầu tư các tập đoàn Cheabol (tài phiệt) thất bại, và chịu sự ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á 1997.
Từ góc nhìn của chuyên gia, ông Trần Xuân Lượng cho rằng thất bại của Busan xuất phát từ các nguyên nhân như: Mắc bẫy của công nghiệp nhiều lao động, đô thị hóa sớm dẫn đến mật độ dân số cao, thiếu quỹ đất cho các dự án lớn giai đoạn sau; Sai lầm trong việc lựa chọn ngành mũi nhọn, bởi về tiềm lực và sức cạnh tranh thì Busan “không thể cạnh tranh” với Seoul về tài chính và thương mại;
Đồng thời, Busan không thu hút được các tập đoàn gia đình Cheabol như Samsung, LG, Huyndai, KIA, SK,… nên không tạo ra sức hút với các nhà đầu tư. Ngoài ra, cuộc khủng khoảng tài chính năm 1997 đã cản trở nỗ lực thu hút trở lại ngành công nghiệp chế tạo của Busan.
Kinh nghiệm thành công của Ulsan và Hạ Môn
Cũng theo TS chuyên ngành Bất động sản của Đại học Kinh tế Quốc dân, cách Busan khoảng 70km về phía đông là Ulsan, một thành phố nhỏ với 85.000 dân nhưng nay đã trở thành thành phố 1,2 triệu dân, có thu nhập đầu người cao nhất Hàn Quốc.
Được biết, Ulsan khởi đầu như một cụm công nghiệp đặc biệt vào năm 1962, nhưng đến nay đã phát triển thành tổ hợp công nghiệp quy mô hơn 74 triệu m2. Trở thành thành phố công nghiệp đẳng cấp thế giới, với 3 lĩnh vực trọng tâm là ô tô, đóng tàu và hóa dầu. Đồng thời, Ulsan đang đứng đầu Hàn Quốc về sự tăng trưởng, có hai tập đoàn Cheabol lớn nhất là Huyndai và SK.
Theo TS Trần Xuân Lượng, yếu tố tạo nên sự thành công của Ulsan (Hàn Quốc) chính là xây dựng được ngành công nghiệp trọng điểm, tận dụng được lợi thế đi sau, có quỹ đất rộng và đi kèm với hệ sinh thái sản xuất, với 3 trụ cột là ô tô, đóng tàu, hóa dầu. Đồng thời, Ulsan còn thu hút và nuôi dưỡng các tập đoàn sản xuất nội địa Cheabol. |
Tương tự như Ulsan, Hạ Môn (Trung Quốc) cũng đang là một trong những thành phố cảng biển nổi bật về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Cảng Hạ Môn là 1 trong 8 cảng lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ 14 trên thế giới, là một trong 3 tam giác kinh tế Phúc Kiến, Phúc Châu và Tuyền Châu.
Tốc độ tăng dân số của Hạ Môn rất nhanh và đều từ 1 triệu dân năm 1990 lên 5 triệu dân năm 2020. Nền tảng kinh tế được phát triển một cách cân đối, sản xuất công nghiệp với 6 ngành trụ cột đóng vai trò then chốt gồm: Điện tử (22%); Chế tạo máy (10%); Vận tải & Logistics (10%); Du lịch (8%); Tài chính (8%).
Ông Lượng cho rằng, 4 yếu tố chính giúp Hạ Môn phát triển chính là: Xây dựng môi trường và chất lượng sống như một lợi thế cạnh tranh; Môi trường sống đã được định hướng chú trọng từ sớm, song song với quá trình công nghiệp hóa; Đầu tư cho công nghệ mới, công nghiệp và dịch vụ tiên tiến; Luôn cải cách hành chính, chính sách để xây dựng môi trường kinh doanh ưu việt.
Lựa chọn hướng đi phù hợp và có tầm nhìn dài hạn
Từ thực tế “vết xe đổ” của Busan và kinh nghiệm phát triển của Ulsan và Hạ Môn, ông Trần Xuân Lượng cho rằng, Hải Phòng nên tránh cạnh tranh, mang tính đối đầu với các đô thị lớn như trung tâm Hà Nội. Tránh bị mắc kẹt với các ngành sử dụng nhiều nhân lực, hướng tới công nghệ, công nghiệp và dịch vụ tiên tiến. Dự phòng quỹ đất sạch cho các dự án công nghiệp trọng điểm.
Đồng thời, thu hút và nuôi dưỡng những nhà sản xuất công nghiệp nội địa, ưu tiên ngành trọng điểm trong tương lai. Tạo lợi thế so sánh bằng chất lượng sống, chất lượng y tế giáo dục. Luôn cải cách chính sách tiến đến môi trường kinh doanh lành mạnh ưu việt.
Quy hoạch các khu thương mại tự do, đặc khu và đa dạng các loại hình khu kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI; phát triển cơ sở hạ tầng - hỗ trợ cho chiến lược cải cách kinh tế rộng lớn hơn, coi đây là phòng “thí nghiệm” cho các chính sách và cách tiếp cận mới. Giải tỏa một phần áp lực tăng dân số và nhu cầu việc làm.
Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế khu vực như Khu thương mại tự do nằm tại các cửa khẩu, được cách ly và được miễn thuế, Khu chế xuất; Khu công nghiệp trọng tâm vào xuất khẩu có ưu đãi riêng; Khu chuyên dụng; Khu chuyên biệt như Công nghệ, Hóa dầu, Hậu cần; Khu đơn xưởng. Khuyến khích ưu đãi riêng cho từng doanh nghiệp không quan tâm địa điểm - Khu doanh; Tái sinh các khu vực thành thị hoặc nông thôn nghèo bằng cách khuyến khích về thế và trợ cấp tài chính,…
Từ thực tế “vết xe đổ” của Busan và kinh nghiệm phát triển của Ulsan và Hạ Môn, ông Trần Xuân Lượng cho rằng, Hải Phòng nên tránh cạnh tranh, mang tính đối đầu với các đô thị lớn như trung tâm Hà Nội |
“Từ góc độ phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có nhiều phương án kịch bản cho phát triển Hải Phòng là không nhất thiết quá trọng tâm vào phát triển đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do… mà quan trọng ở đây là tầm nhìn, tư duy và cách làm mới sẽ đóng vai trò quyết định của Hải Phòng. Như đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp, lựa chọn và ưu tiên ngành sản xuất công nghệ cao, trung tâm logictics khu vực, và phát triển du lịch sinh thái biển đảo, phát triển bền vững bảo vệ môi trường là nền tảng để kéo theo các ngành nghề kinh tế khác.
Tạo ra những khu đô thị đáng sống trong tương lai, có nền y tế, giáo dục tốt, môi trường xanh sạch đẹp, an toàn để thu hút lao động, đồng thời phải có tầm nhìn xa dự báo được tốc độ phát triển và dự trù quỹ đất sạch đủ lớn cho tầm nhìn phát triển trong tương lai, trong đó, bài học thành công của Bình Dương là một ví dụ điển hình rõ nét nhất ở Việt Nam.
Đồng thời, từ góc độ chính sách, những nhân tố quan trọng nhất bao gồm khai thác ưu thế của vị trí độc đáo, kết nối với thị trường trong và ngoài nước, đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, chính quyền hiệu quả và hiệu lực, sẽ giúp Hải Phòng trở thành một đô thị hiện đại và hấp dẫn trong tương lai”, TS Trần Xuân Lượng chia sẻ.