Mai này Đà Lạt...

Bài 2: Những 'dòng sông trắng' bủa vây

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nói về Đà Lạt, người ta thường nhắc đến hoa, rừng thông, biệt thự cổ, khí hậu mát lành. Thế nhưng, hơn 10 năm nay, nơi đây có thêm một từ khóa khác cũng “hot” không kém, đó là “nhà kính”. Những “dòng sông trắng” nhà kính lượn khắp thành phố khiến cảnh quan bị biến dạng cùng nhiều hệ lụy khác.

Nhà kính nhan nhản

Hầu hết đồ án quy hoạch Đà Lạt từ trước tới nay đều nhất quán về ý tưởng xây dựng thành phố này thành nơi nghỉ dưỡng kiểu mẫu với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xanh ngắt rừng thông và rực rỡ sắc hoa. Thế nhưng, những thập niên gần đây, do buông lỏng quản lý về xây dựng nhà cửa, thả nổi việc làm nhà kính sản xuất nông nghiệp, cảnh quan Đà Lạt bị biến dạng, màu trắng ảm đạm và những sắc màu lộn xộn của các công trình xây dựng đã lấn át màu xanh của cỏ cây hoa lá. “Giờ đây, nếu nhìn bản đồ Đà Lạt cũ, với những vùng hiển thị màu xanh, chắc phải đổi sang màu trắng đục cho đúng với thực trạng của cảnh quan. Màu trắng cùng những màu khác ngoài màu xanh đã phủ quá nửa bản đồ Đà Lạt”, một nhà quy hoạch đô thị tâm huyết với Đà Lạt thốt lên.

Bài 2: Những 'dòng sông trắng' bủa vây ảnh 1

Diện tích nhà kính ở Đà Lạt chiếm 57% diện tích nhà kính toàn tỉnh Lâm Đồng

Về nguyên nhân nhà kính phát triển với tốc độ chóng mặt trong những năm qua, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, so với phương pháp canh tác truyền thống ngoài trời thì canh tác trong nhà kính giúp giảm lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng như lượng nước tưới, nhờ vậy chi phí sản xuất giảm đáng kể. Mô hình nhà kính cũng giúp giảm thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết như mưa đá, hạn hán, giông lốc...

Hiện những vùng nông nghiệp có mật độ nhà kính lớn nhất ở Đà Lạt phải kể đến là Thái Phiên, Phước Thành… Lượn một vòng quanh làng hoa Thái Phiên, dễ nhận ra tứ phía là nhà kính. Giữa trưa, hơi nóng hầm hập từ các nhà kính phát ra cùng với mùi phân, thuốc bảo vệ thực vật khiến chúng tôi muốn ngộp thở. “Nhà báo mới vào đây vài giờ đã muốn rời đi, còn chúng tôi đã sống thế này lâu lắm rồi, nhiều lúc chịu hết xiết. Mỗi khi có cơn mưa lớn là chỗ này ngập tanh bành. Mấy ai hình dung nổi cảnh sống trên núi mà phải lội nước nhỉ?”, chị Nguyễn Phương Thảo (ngụ làng Thái Phiên) cảm thán.

Đây cũng là lý do chính khiến những năm gần đây, TP.Đà Lạt có thêm “đặc sản” ngập lụt. Không chỉ thế, chỉ cần một trận mưa có cường độ trung bình nhưng kéo dài đã khiến lũ lớn xảy ra ở nhiều nơi. Với người dân Đà Lạt, đáng nhớ nhất có lẽ là đợt nghỉ lễ 2/9/2022. Sau cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ chiều 1/9, nhiều tuyến phố và khu dân cư ở TP. Đà Lạt bị ngập sâu trong làn nước đục ngầu, rác nổi lềnh bềnh. Bị ngập nặng nhất là các khu dân cư dọc suối Phan Đình Phùng, suối Cam Ly cùng các tuyến phố Trạng Trình, Ngô Văn Sở, Trương Văn Hoàn, Tô Ngọc Vân đường, Cách Mạng Tháng Tám...

Đặc biệt, tuyến đường Phan Đình Phùng, nơi có nhiều hàng quán, khách sạn…bị ngập sâu khiến du khách và người dân địa phương bì bõm lội nước, nhiều chiếc xe bị hỏng vì ngập sâu trong nước thời gian dài.

“Bây giờ đi du lịch Đà Lạt thấy khác trước nhiều quá. Nhìn đâu cũng thấy nhà kính, từ nội ô cho đến các xã vùng ven. Nếu đứng ở một điểm cao nào đó, sẽ thấy nhà kính phủ trắng nhiều chỗ. Nhiều mảng xanh đã bị thay thế bởi nhà kính khiến Đà Lạt trở nên đơn điệu, ngột ngạt, mất dần vẻ đẹp tự nhiên. Một Đà Lạt mộng mơ, tươi xanh, quyến rũ với rừng thông và muôn sắc hoa đang dần mất đi”, chị Nguyễn Đoan Trang (ngụ TP Nha Trang) nói, giọng tiếc rẻ.

Xóa nhà kính, liệu có khả thi?

Trước những tác động tiêu cực của nhà kính, cuối tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Theo đề án này, đến năm 2025, giảm 20% diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội đô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận; giải tỏa toàn bộ diện tích nhà kính xây dựng trái quy định trên đất lâm nghiệp, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, bảo vệ công trình thủy lợi và nguồn nước, khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình quốc phòng, an ninh... Đến năm 2030, sẽ không còn nhà kính sản xuất nông nghiệp ở nội đô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt.

Bài 2: Những 'dòng sông trắng' bủa vây ảnh 2

Một đoạn dài đường Phan Đình Phùng bị ngập sâu ngày 1/9/2022

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho rằng việc giảm phần lớn diện tích nhà kính ở Đà Lạt sẽ nhận được sự ủng hộ, nhất trí của nhiều giới, từ các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu môi trường, người làm dịch vụ du lịch đến du khách, văn nghệ sĩ…Còn đối với những người đang làm nhà kính, chắc không ai muốn gỡ nhà kính đang cho thu nhập 2-3 tỷ/ha/năm để trồng cà rốt, cải thảo, bắp cải hay hoa hướng dương, cẩm tú cầu… với thu nhập 300-500 triệu đồng/năm. Do đó, địa phương nên có chính sách cho chuyển đổi đất nông nghiệp nội ô sang đất du lịch hỗn hợp: Nhà nghỉ sân vườn, điểm du lịch canh nông… để người sở hữu đất có thu nhập tốt.

Một số kiến trúc sư và nhà khoa học cho rằng, lộ trình từ nay đến năm 2030 còn dài, do đó để cứu vãn cảnh quan, môi trường và giảm thiểu tác hại của nhà kính, nên chuyển đổi những nhà kính kém hiệu quả sang nhà kính được thiết kế khoa học, phù hợp cảnh quan, có chiều cao hợp lý; bố trí những luống hoa, tường rào cây xanh, cây chắn gió để đảm bảo mỹ quan. Song song đó, yêu cầu chủ sở hữu nhà kính xây hồ thu hồi nước, mương tiêu thoát nước để không xảy ra lũ cục bộ. Với các biện pháp này, Đà Lạt sẽ là một “đô thị nông nghiệp du lịch cảnh quan” hiếm hoi, thu hút du khách.

(Còn nữa)

Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt chỉ hơn 10.000ha, nhưng có tới 2.554ha nhà kính, chiếm 57% diện tích nhà kính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Có khu vực diện tích canh tác gần như bị phủ kín bởi nhà kính. Mật độ nhà kính cao nhất tập trung ở phường 12, chiếm tới 83,7% diện tích canh tác, còn ở các phường 5,7 và 8, tỷ lệ này là hơn 60%.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định: Không thể phủ nhận canh tác nông nghiệp trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với phương thức sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, việc đua nhau làm nhà kính không có quy hoạch đã và đang để lại hệ lụy về khí hậu, cảnh quan môi trường cho đô thị Đà Lạt.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.